Lập lòe váy đỏ

Thứ sáu - 31/07/2009 09:39 3.157 0

Lập lòe váy đỏ

1. - Này nắng, nắng có màu gì?

- ...

- Này mưa, mưa có màu gì?

- ...

Nắng mưa mải miết vờn đuổi nhau, hết đêm rồi ngày, thỉnh thoảng ném trả một câu khinh khỉnh: “Chúng tao trong suốt”, rồi cười rúc rích.
Trong mỏi mòn, lũ hoa giấy vẫn kiên nhẫn đợi. Một vài tên trong bọn trông có vẻ úa tàn lắm, đám son phấn sắp trôi gần hết. Chúng lo lắng, bần thần. Rồi bóng đêm đến. 

- Này bóng đêm, bóng đêm có màu gì? 

Lão già bóng đêm phẩy tay bực dọc: “Trong suốt! Bóng đêm trong suốt”. Xong thì cười khèng khẹc một cách nham hiểm, lại tiếp tục đột nhập vào khe cửa nhà khác. 

Đợi mãi, đợi mãi... Từ trên cao, gã gió phong lưu vừa bay chậm chạp vừa nghiêng ngó tìm xem nàng hồng nhung đang hóng mát nơi đâu. Mới hôm qua đây gã còn thấy cô nàng e ấp trên ban công nào đó mà nay đã lạc lối. Ôi chao là tiếc! Vừa bẹo phớt má một tí mà cô nàng đã đỏ thắm cả lên. Bây giờ cứ nghe rạo rực cả người! 

Không tìm được “đối tượng”, gã gió dừng lại thở và xác định phương hướng. Xa xa, lập lòe một đám váy đỏ hớ hênh. Gió hực lên một tiếng khoái trá rồi bay ào đến. Lũ hoa giấy bị đột ngột quá bèn ôm chầm lấy nhau, vừa vui sướng vừa thẹn thùng trong điệu bộ túm một bên vạt váy như đang mải chơi một trò đú đởn. Vuốt ve chán, gió dập dờn bay đi tiếp tục hành trình chinh phục. Tỉnh ngộ, đám hoa giấy vật nài gào lên thảm thương: 

- Này gió, gió có màu gì? 

- Trong suốt! Ta luôn trong suốt! Ha... ha... ha... 

- Hãy mang chúng em theo với - Lũ hoa giấy tuyệt vọng. Gió không nghe, gã bay đi rồi. Không gian quánh đặc nặng nề. Một vài ả khóc rấm rứt rồi rơi xuống. Cái váy dập nát tơi bời hút mất vào đêm. 

Có bóng người xuất hiện nơi bậu cửa, nặng nhọc và dã dượi vì mớ tóc ướt rối mù mới gội. Hoa giấy hỏi một câu tự nhủ lần cuối cùng trước khi tàn đời: 

- Này người! Người có màu gì? Người cũng trong suốt phải không? 

Người bận rũ roàn roạt áo quần chăng lên dây phơi, mỉm cười chua chát:

- Không! Con người nhiều màu lắm, mà rốt cuộc chẳng biết màu gì. Nó pha trộn khuếch tán tạp nham lắm thứ. Mà hỏi để làm gì? 

Tiện tay, con người cáu bẳn hất luôn bãi nước xả vào đầu đám hoa làm chúng ướt sũng. Người đi rồi vẫn còn gửi lại làn hương gây gây của thứ dầu gội rẻ tiền. 

2. Người nằm bệt xuống tấm trải trong gian phòng mờ mịt như cái hang, tiện tay nhấc lon bia khi chiều uống dở, nốc một ngụm đắng rồi vứt vỏ rỗng vào góc phòng. Tiếng kêu giật nảy khô khốc. Khốn thật, tửu lượng bây giờ kém quá, mới tí đã nhòe. Mấy năm trước đâu tệ như vậy. Ôi cái thời hoàng kim! 

Nằm bẹp. Đờ dại. Thật hãi hùng khi nghĩ rằng phải đi làm tối nay. Kiều - tên cô gái - chỉ muốn ngủ một giấc dài. Có thể sẽ là mãi mãi. Thôi ngủ đi! Cho xong một kiếp. Kiếp sau chớ có làm người. Mà làm vật cũng khổ. Phải săn đuổi nhau, vồ xé nhau. Thôi xin một thân cỏ cây hoa lá vậy. Ả phù dung kia cũng gọi là có nở có tàn, thế cũng xem như trọn kiếp. Còn mình, có trọn kiếp được chăng? 

Kiều trở mình ngồi dậy, bật đèn. Bóng tối chen chúc chạy dồn vào một góc, nhìn trơ tráo. Ngoài hiên hoa giấy thi nhau rụng. Chúng sinh ra tập thể và chết cũng tập thể. Hoa gì mà vô duyên! Ông trời mai cho cho chúng cái váy đỏ lòe loẹt mà chẳng thu hút nổi một thằng ong mạt hạng. Gió ghẹo đùa chi mà chẳng cho vay mượn nổi một làn hương. Bỗng cô thấy mình cư xử hơi quá khi ban chiều trút xuống một đám nước xả gây gây mùi xà phòng. Giờ chúng tàn đời trong lạnh lùng ướt át. Ngày cũng như đêm, chúng cứ lao nhao hỏi nắng hỏi mưa hỏi gió hỏi người có màu gì. Dường như chúng sinh ra chỉ để hỏi mỗi một câu đó. Thật xuẩn ngốc! Thật dễ bịp! Bóng đêm mà cũng trong suốt ư? Đen cũng nó mà trắng cũng nó. Nhưng cũng nhờ nó mà ối kẻ như cô tìm được chốn dung thân. Xét cho cùng, lũ hoa giấy sinh ra chẳng ích lợi gì. Ngây thơ trong sự huyễn hoặc rằng mình xinh đẹp, rồi tự đau khổ vì chẳng ai đoái hoài, dù chúng sống từng chùm lồ lộ, trong rực rỡ nắng hè càng thấy vô duyên. Vô duyên vì vô hương. Chúng bám víu vào tất cả chỉ để hỏi có phải xung quanh là trong suốt hay không? Trong chừng mực nào đó, trong suốt có gần với vô nghĩa không? Có phải là rỗng toác không? 

Cô trở người túm cái gương soi. Ong ong trong đầu câu hỏi của hoa giấy: “Này người, người có màu gì?”. Nhiều màu lắm. Này màu xanh của mắt, màu đỏ của môi, màu hồng của má, màu đen của tóc… Tất cả các màu này có thể nhuộm được, thoa được, tri trét được. Còn màu trắng xanh nhợt nhạt của da, màu thâm xám lỗ chỗ nơi cánh tay, có bôi xóa cải thiện được không? Bóng đêm đồng lõa khỏa lấp nhưng nắng mai lại hớn hở trưng bày. Cặp vợ chồng này cực kỳ mâu thuẫn. Vì thế, cô chơi với bóng đêm. 

Đồng hồ đã chỉ vào vạch 7. Gã xe ôm hẳn đang nháo nhác truy tìm nơi đầu phố. Mặc! Hôm nay nhức đầu quá. Dỗ mãi mà chẳng được giấc. Có thể gã xe ôm mất kiên nhẫn sẽ mò đến tận đây. Rồi lại dây dưa như đêm qua. Như mọi đêm. 

Đúng như dự đoán, một chốc đã nghe tiếng nhừa nhựa của gã xe ôm: “Kiều ơi! Đi làm đi! Gì mà đóng kín mít như chuồng gà vậy?”. Cửa xịch mở, gã đưa bàn tay lục cục những đốt xương như xác ướp lên trán cô, chửi thề: “Đ. Mẹ! Ngủ gì như chết! Có đi làm không?”. Gã giật một nhúm tóc ở thái dương làm Kiều nảy cả người. Bật dậy tỉnh rụi. Cô trút cái váy ngủ nhầu nhĩ xuống sàn nhanh như chớp. Gã xe ôm cười khàn đục: “Xanh quá! Bôi tí phấn vào!”, rồi thò tay vuốt dọc sống lưng Kiều. “Cút đi! Đồ chó!” - cô đẩy cửa đánh rầm. Ráo hoảnh và bạt mạng, cô lấy lại chúng trong tích tắc. Xịt thêm ít nước hoa vào rốn, quàng cái xắc nhỏ vào cổ, Kiều lách mình qua cửa như một con mèo. Xe ôm nổ máy giòn tan. Hai bóng người lẩn vào con hẻm xăm xắp nước. 

3. Xe ôm tắp vào lề. Kiều nhảy phóc xuống rồi tà tà thả bộ trên vỉa hè vắng ngắt. Đầu phố, tiếng xe máy hai thì lượn vè vè qua lại. Lá me rơi nhập nhoạng như bụi mưa. Ngang qua một “đồng nghiệp”, cô vay một điếu thuốc. Ả này đang chép miệng tách lạc rang, đoạn ngửa mặt lên trời dự báo thời tiết: “Mây nhiều! Mưa một trận là thúi hẻo cả đêm nghen mậy!”. Kiều ngồi chống tay lên cằm phun khói, mắt dò quét theo ánh đèn xe máy nhoáng qua mặt, phút chốc thấy rời rã. “Đồng nghiệp” thôi tách lạc, dạng chân rút thuốc trên môi bạn vứt xuống đất, tiện chân di mũi giày làm tàn lửa tắt ngúm, ả hất hàm: “Về chỗ của mày đi. Túm tụm cho đói cả lũ à? Suốt hôm qua câu được mỗi thằng xích lô hôi như chuột, đang kiết bỏ mẹ. Biến!”. “Tao không đi! Mày muốn thì tự mà đi”. “Cái gì? - ả rít lên - Cưng định trù ếm chị à? Mới đầu hôm mà đã…”. Bốp! Kiều nghiến răng đón cái tát “vừa phải” của “đồng nghiệp”, nhếch môi cười lặng. Hóa ra cái thị trường mạt hạng này cũng cạnh tranh khiếp lắm chứ chẳng chơi. Nào tiếp thị, nào khuyến mãi, nào giành giật. Sao mà sôi động! 

Có vẻ như đã quen với những lối ứng xử thế này, Kiều nhún nhẩy bỏ đi, miệng khe khẽ hát. Một điệu rap! Thật quái đản khi phải nghe một bản rap lúc này. Lẫn lộn một mớ từ ngữ tạp nham. Cô nghĩ ra chúng rồi lảm nhảm không đầu không cuối. Mỗi đêm một bài khác nhau tùy cảm hứng bất chợt. Cô ve vuốt lòng mình bằng thói quen bị nhiễm từ thời đi học. Hình như lúc ấy, lũ bạn vênh mặt khinh bỉ cô vì chúng cho đó là dòng nhạc rẻ tiền - thứ nhạc bắt nguồn từ đường phố Mỹ của những người da đen nhập cư. Cô thấy mình được tự do khi cất lên những giai điệu rổn rảng âm sắc như thế, cộng một chút nổi loạn, một chút hứng khởi, và theo thời gian cộng thêm một nỗi ê chề. Cô có khả năng “sáng tác” nhanh đến mức việc gì cũng phổ rap được. Lúc cha mẹ cô vỡ nợ ngồi tù, cô hát ngay một bản rap trước cánh cửa xe công an vừa sập kín khiến bọn họ tưởng cô đang niệm chú. Sau này, những lúc ế khách, cô cũng ngồi nói rap. Thói quen hại cô khi có lần một thằng khách đã bịt mồm cô một cách dã man vì cô vừa “tiếp” hắn ta với phong cách kỳ dị đó. Trong hơi thở hổn hển, hắn gầm lên: “Im ngay! Tao bảo mày câm mồm đi!”. Tiếng ư ử vẫn thoát ra. Điên tiết, hắn đưa cả hai tay lên siết cổ. Dùng hết sức tàn, cô lên gối vào hạ bộ hắn rồi vùng chạy. Đận ấy, “đồng nghiệp” tẩy chay cô khỏi vùng hoạt động vì tội “vi phạm luật”. Vất vưởng qua góc đường khác, lại tốn thêm một khoản “đầu tư” cho bọn “quản lý bãi”… 

… Có tiếng mở cửa sắt ken két. Cô dịch người vào góc tối một chút. Một tên bảo vệ gầy nhom đang ì ạch tha sọt rác ra vệ đường. Mùi bia rượu và thức ăn thừa xông lên lợm giọng. Ngày xưa nhà cô cũng thế, khách khứa cứ ồn ào tấp nập. Toàn những kẻ ăn to nói lớn. Đàn ông béo tròn luôn chứng tỏ sự lịch lãm và đứng đắn bằng cách cài kín cổ áo sơ-mi, còn đàn bà phấn son sực nức luôn phơi bày vẻ quyến rũ tràn trề sức sống bằng thói quen cố tình kéo trễ cổ áo thật sâu. Nhưng chỉ thoáng chốc đã nghe những lời sình sã huỵch toẹt. Đàn ông nầng nẫn bụng, đàn bà lồ lộ ngực. Họ ngả ngớn chơi bài và ném từng xấp tiền mới cứng. Cô gái nhỏ học bài lem nhem, chủ yếu bật nhạc giật loảng xoảng… Rồi những nhà hàng ngồn ngộn bia và bụng, những cánh tay dầy mỡ, những râu ria mũi má húp híp. Những ngày được trú trong nhà. Ngày ấy sao mà xa! Đời lên voi xuống chó. Bây giờ hàng đêm, cô trôi dạt từ bờ tường này đến góc phố nọ, nghiện ngập và sợ ánh nắng. Những đêm khó ngủ, cô hay mở toang phòng trọ nhìn trừng trừng vào đám hoa giấy tả tơi trên mặt đất. Giữa họ có một khả năng thần bí để chuyện trò. Hay là cô ảo tưởng? Cũng chẳng biết. Nhưng khi trời chưa sáng, cô rất không muốn vào phòng. Có ngủ được đâu mà vào! Vả lại đêm sắp tàn rồi, một ngày sẽ dài lắm, dài lắm lắm… Rồi như mọi khi, mụ Đen phòng bên sẽ lại chửi. Rời rạc, ngái ngủ, sau đó tăng dần âm tiết và âm lượng. Bắt đầu trôi chảy như cuộn băng được bấm nút “play”. Cứ khoảng gần sáng khi Kiều “đi làm” về là mụ lại chửi. Một tuần vài ba lượt như chu kỳ. Mụ không chửi vu vơ trời đất, cũng không chửi đời, mụ chửi chính gia đình mụ. Qua “bài chửi”, người ta ghép nối và hoàn tất câu chuyện thế này: Chồng mụ và anh con rể đang gỡ lịch vì tội buôn hê-rô-in; con gái lớn trốn biệt dạng; đứa út bị đuổi học vì tội quậy phá, buồn đời cũng vướng nốt vào ma túy. Mụ nuôi con bé cháu hai tuổi rưỡi bằng hàng cơm tấm đầu hẻm. Gia cảnh tan nát cùng nỗi túng quẫn không làm cho mụ bớt béo, bớt đen. Vì thế mà có tên mụ Đen.

Rất nhiều khi mụ Đen qua phòng Kiều ngồi thở than rồi khóc. Cháu ngoại oặt ẹo khóc theo. Mụ kể lể: “Nhà tao hai tấm đúc, chồng con phá nát giờ trắng tay. Mày xem, cái phòng trọ tùm hum này tao thiếu gần hai tháng rồi đó. Thằng chủ dọa đuổi tao hoài. Tao chán lắm rồi! Đó, nó đó - mụ chỉ tay ra cổng nơi thằng con trai ngồi cú rũ, mắt dại đi vì thèm thuốc - tất cả là của nợ mà. Trời ơi là chồng, là con! Đồ chết tiệt! Khốn cái thân già này!”. 

Quả là khốn thật, cho Đen và cả cho Kiều. Nên hàng đêm có kẻ khóc người thức. Họ đều chờ trời sáng. Đã bao lần những sáng lên, khi hoa giấy rũ sương khoe váy đỏ cạnh tranh mấy ả hồng nhung bên nhà đối diện, Kiều ngáp dài rồi buông mình xuống sàn ru ngủ nỗi ê chề. Ngoài kia mùi cơm tấm của mụ Đen bay lên ngào ngạt. Những miếng sườn ram ngậy mỡ hành đua chen cùng mớ bì chả vàng rộm như đánh thức cả khu phố dậy. Người ta vừa thẽ thọt đến hàng cơm tấm để được bữa no vừa khinh nhờn mụ chủ, như thể một nỗi oan ức khi họ phải có bổn phận xùy tiền để mụ Đen đem đống tiền nát ấy về đốt bay thoe làn khói của thằng con. Và Kiều cũng bay đi bay lại trong nỗi phiêu diêu ấy. Kiều cố tránh mặt thằng nhóc vì có lần nó táo tợn qua phòng Kiều lục lọi rồi hỏi vay một suất. Có hơn gì nhau đâu, có khác gì nhau đâu! Ơ mà khác chứ, muốn có tiền nó chỉ ngửa tay, còn cô, cô “lao động” được. 

4 … Đêm sắp tàn rồi! Mây hùng hổ kéo ùn về một góc. Sắp mưa to. Cô ngửa mặt lên trời vuốt mặt nhìn là me rơi. Bỗng cô nhớ cái đám hoa giấy trước cửa phòng trọ. Chúng luôn gặng hỏi này nắng, này mưa, này gió, này bóng đêm có màu gì? Nắng mưa gió màu gì cô không chắc, nhưng đêm tuyệt đối chỉ màu đen. Con người nhiều màu nhưng riêng cô là màu đen. Một màu đen mặc váy đỏ. Rời rã đôi chân, cô cay đắng lê tấm thân về nhà. Suốt đêm chỉ độc một thằng khách say rượu nghèo rớt. Tổng cộng có hai chục bạc. Cô thấy đói bụng. Mắt vàng theo ánh đèn đường. Lại nhớ cái cảm giác ấy. Nó bò rân ran, rân ran, cổ lưng dính dấp mồ hôi… Cô truy tìm gã xe ôm nhưng hắn đã mất dạng, cô chạy thục mạng về nhà. Con đường xa thẳm, lạnh lùng theo từng cơn gió cuộn tròn. Lắc rắc hạt mưa. Cô càng chạy, cái cảm giác ấy càng thôi thúc, càng đuổi dồn, càng nghiệt ngã. 

Kiều tựa lưng vào tường, thở dốc. Người sũng ướt run rẩy. Nước chảy loằng ngoằng dưới chân tê dại như kiến bò. Lũ hoa giấy vặn mình vật vã, kêu lên thì thào như muốn đòi vào nhà. Mặc chúng, cô lần công tắc, nghe rõ tiếng cựa quậy. Chỗ cô nằm, gã xe ôm đang oằn người vì ngáp. Phát hiện ra cô hắn lập tức bò dậy. Như con thú hoang bị dồn đến miệng vực chợt thấy một dây đu, hắn ôm chặt chân cô van vỉ: “Kiều, có tiền không? Tôi biết là đêm nay em có tiền mà. Em đẹp lắm. Thể nào cũng kiếm được một thằng nào đó…”. Cô ngoảnh mặt đi, thấy xung quanh phút chốc đen đặc rồi bỗng dưng dãn nở trong suốt - một bóng đêm trong suốt. Cái cảm giác rân rân trên người hình như bớt hiệu lực. Gã xe ôm gần như quỳ lạy, hai gối hắn bò run rẩy trên vũng nước đọng: “Kiều, cho anh chút tiền đi. Anh sắp chết rồi! Kiều, chắc chắn là em có tiền mà! Chưa bao giờ em về tay không mà! Cho anh… uớ… uớ…” - những tràng ngáp kéo dài bất tận, thê thảm. Mắt gã đỏ bầm như rỉ máu. Cô lùi lại, kinh sợ nhìn con nghiện trong cơn đói thuốc. Rồi cô nhìn xuống đôi tay chi chít vết thâm xám xịt của hắn, của mình. Nặng nề, thất thần, cô rút hai chục nghìn duy nhất kiếm được trong đêm nhét vào túi hắn. Như được hồi sinh, gã bật lên như lò xo, tan ngay ra cửa. Bóng đêm lập tức nuốt chửng. Cô ngồi bệt xuống, câm lặng và rỗng toác như một bức tượng. 

Trong khi chờ đêm tàn, Kiều ra bụi hoa giấy nhặt nhạnh từng cánh mỏng, miệng lảm nhảm một bản rap mới. “Này là nắng, này là mưa, này là gió. Này trong suốt, là đêm đen. Hự… hự… Rỗng toác, một hỗn hợp… Ôi con người, biết màu gì… Sao cứ hoài hỏi nhau… Ơ hơ… này hoa giấy mày trong suốt, tao trong suốt…”. 

5. Chiều muộn hôm sau, gã xe ôm như mọi lần đến để đánh thức ả giang hồ dậy “đi làm”, nhưng phòng vắng ngắt. Đồ đạc vẫn còn nguyên vẹn, cái xắc tay đựng phấn son vứt chỏng chơ trên sàn và cái váy đỏ đẫm nước mưa treo ơ hờ bên cửa sổ. Trên cao, hoa giấy rừng rực một màu nhức nhối. Gã xe ôm có qua phòng mụ Đen hỏi nhưng không ai biết Kiều đi đâu. Mấy ngày sau vẫn cứ biệt tăm. Rồi chẳng bao giờ thấy Kiều quay lại nữa. Có người nói cô chết, có người nói cô hóa điên lang thang nơi nào đó. Lại có người quả quyết rằng cô đã bị đưa vào trại. Gã xe ôm cũng có thắc mắc nhưng do bận kiếm sống nên quên dần, phần vì chuyển địa bàn hoạt động sang phố khác. 

Khu nhà trọ về sau lão chủ đốn bỏ cây hoa giấy, lấy cớ hoa rụng gió đưa không ai quét dọn làm bẩn cả góc phố, xóm giềng phàn nàn. Những chùm váy đỏ lập lòe tan dần vào đất. Gã gió phong tình bay ngang nghe ơ hờ một điệu rap buồn. Thì ra cái lũ hoa giấy vô duyên cũng biết hát nữa đấy, điệu rap đầu tiên cũng là sau cùng trước khi chúng hóa kiếp.

Tác giả: VŨ ĐÌNH GIANG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây