Italy lên ngôi World Cup 2006 với lối đá phòng ngự chắc chắn |
Những tờ báo Italy đồng loạt có cùng chung một quan điểm: “Hàng phòng ngự của chúng ta từng là niềm ghen tị của rất nhiều đội bóng xuất sắc. Nhớ World Cup 1990, chúng ta đi thẳng vào bán kết mà chỉ để lọt lưới 2 lần hay lần đăng quang cúp thế giới 2006 với nền tảng là sự chắc chắn của tuyến sau. Italy đã từng được gọi là một ‘boong ke’, giờ đây đã không còn xứng đáng với mỹ từ ấy”.
Tờ La Gazzetta dello Sport thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng bất cứ ai dám gọi Italy là đất nước của Catenaccio đều có thể bị buộc tối phỉ báng: “Italy chẳng còn là một đội chơi Catenaccio nữa. Prandelli đã loại bỏ triết lý phòng ngự ra khỏi đội tuyển quốc gia”.
Thực vậy, chưa bao giờ đoàn quân “áo thiên thanh” lại chịu nhiều bàn thua đến thế trong vòng đấu bảng của một giải lớn. Đội trưởng Gigi Buffon đã phải vào lưới nhặt bóng đến 8 lần trong 3 trận đấu. 4 trong số đó đến từ những tình huống bóng chết: cú sút 11m của Chic-harito, cú sút phạt của Neymar, pha dàn xếp đá phạt của Nhật Bản và bàn thắng của Honda.
Thống kê về Italy tại vòng bảng Confed Cup 2013
Bàn thắng | 8 |
Bàn thua | 8 |
Tỉ lệ kiểm soát bóng | 47,2% |
Tỉ lệ chuyền chính xác | 83,3% |
Cú sút mỗi trận | 14 |
Sai lầm cá nhân | 6 |
Những sai lầm cá nhân dĩ nhiên cũng xuất hiện. Buffon là cầu thủ phải gánh chịu những chỉ trích. Thủ môn 35 tuổi này đã mắc lỗi trong 3 bàn thua của Italy, nhiều hơn bất kỳ một cầu thủ nào khác tại giải đấu năm nay. Tính đến hết vòng bảng, Italy mắc 6 lỗi từ sai lầm cá nhân trong khi 7 đội bóng còn lại, tổng số bàn thua do lỗi cá nhân cũng chỉ có 6.
Nguyên nhân sa sút?
Trước hết có lẽ là do vấn đề thể lực. 5 cầu thủ rất quan trọng của Italy: Buffon, Chiellini, Barzagli, Pirlo và Marchisio đã bị vắt kiệt sức sau một mùa giải thi đấu khó khăn. Tổng cộng họ đã chơi 316 trận cho Juve. Những bước chạy mệt mỏi trên sân của Chiellini hay chấn thương liên tục của Pirlo phần nào cho thấy điều đó.
Thứ hai là các cầu thủ có thể chưa kịp thích nghi với sơ đồ chiến thuật mới. Đội hình quen thuộc của Italy là 4-3-1-2 với hàng tiền vệ con thoi linh hoạt ở giữa sân nhưng tại Confed Cup HLV Prandelli đã có những thử nghiệm mới mẻ. Trận mở màn gặp Mexico Italy đá với sơ đồ 4-3-2-1 nhưng kết thúc vòng bảng lại thi đấu với đội hình 4-2-3-1. Sự xáo trộn này đã đem lại một kết quả không như ý muốn khi để lọt lưới quá nhiều bàn thắng. Nhưng dù sao, Italy cũng đặt chân đến bán kết với 2 trận thắng.
Vì vậy, trước khi tuyên bố triết lý phòng ngự của Italy đã trôi vào dĩ vãng thì hãy cân nhắc kỹ những tình thế hiện tại. Hệ thống phòng thủ của Azzuri có thể không tốt bằng cách đây một năm nhưng nó không có nghĩa là quá tệ hại. Trung vệ Barzagli khẳng định: "Triết lý phòng ngự của chúng tôi không chết đi. Chúng tôi chỉ cần tập trung hơn mà thôi".
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc