Trong số này, S4 Mini là bản rút gọn của S4 cả về kích cỡ lẫn cấu hình. S4 Zoom là smartphone tích hợp tính năng đầy đủ của một máy ảnh point-and-shoot. S4 Active chống bụi và nước. S4 Mega có màn hình lên tới 6,3 inch. Ngoài ra, Samsung còn có một điện thoại khác là Galaxy S4 Google Edition chạy Android nguyên gốc.
Theo CNet, Samsung đang khiến người tiêu dùng lúng túng khi có quá nhiều sản phẩm mang tên Galaxy S4. Khi nhắc đến dòng S4, họ muốn nghĩ đến một sản phẩm cao cấp. Ví dụ, S4 Mini có màn hình nhỏ hơn nhằm phục vụ những người thích điện thoại cỡ bé nhưng cấu hình phải giữ nguyên để đảm bảo tiêu chí cao cấp, chứ không phải biến nó thành một phiên bản tầm trung với thông số kỹ thuật vừa phải.
Trang công nghệ này cho rằng thay vì tung ra quá nhiều smartphone cùng được gọi là Galaxy S4, Samsung nên thống nhất lại tên sản phẩm, như dòng cao cấp là Galaxy S, dòng tầm trung là Galaxy Cluster, dòng siêu bền là Galaxy Rugby, dòng hỗ trợ chụp ảnh là Galaxy Camera và dòng cấp thấp là Galaxy Core rồi từ đó phát triển sản phẩm xung quanh những cái tên này.
Báo ComputerWorld còn nói: "Samsung, hãy dừng lại. Chúng tôi hiểu rồi, các ngài có rất nhiều tiền. Các ngài có thể tạo ra hàng chục những phiên bản hơi khác nhau của cùng một thiết bị. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng phải có những cái tên gây bối rối cho người dùng".
Xem ảnh 6 sản phẩm mang tên Galaxy S4 của Samsung |
Tuy nhiên, CNN lại có quan điểm ngược lại khi đánh giá rằng, xét về khía cạnh kinh doanh thì Samsung đang có bước đi rất khôn ngoan.
Galaxy S đang là thương hiệu smartphone ăn khách trên thế giới. Tương tự như iPhone, giờ nó trở thành cái tên quen thuộc và được nhiều người tiêu dùng nhận ra, chứ không chỉ với giới công nghệ. Và trong thế giới quá đông đúc các thiết bị chạy hệ điều hành Android với tính năng và cấu hình không nhiều khác biệt thì thương hiệu quan trọng hơn phần cứng.
Đó là lý do Samsung đã có quyết định thông minh rằng họ cần tung ra loạt sản phẩm dưới cái tên Galaxy S4 càng nhiều càng tốt để thương hiệu này ăn sâu vào tâm trí người dùng.
Họ đã rút kinh nghiệm từ những sai lầm trước đây: Khi thế hệ Galaxy S đầu tiên ra đời, nó được đặt tên gọi khác nhau khi phân phối trong các hãng viễn thông khác nhau ở Mỹ dù cấu hình bên trong không khác biệt. Chiến lược đa dạng hóa ấy đem lại doanh thu tốt nhưng thương hiệu Galaxy S lại bị yếu đi.
Do vậy, Samsung dần thực hiện chiến dịch hợp nhất kể từ đời Galaxy S II. Xây dựng thương hiệu là mục tiêu quan trọng của công ty đến từ Hàn Quốc bởi họ vươn lên vị trí số một như hiện nay là nhờ không từ bỏ bất cứ phân khúc nào từ TV, camera, máy tính, điện thoại... giá rẻ, tầm trung và cao cấp nhất. Họ sẵn sàng "spam" thị trường với một loạt sản phẩm có cùng thương hiệu (chỉ khác nhau ở phần đuôi để phân biệt chức năng của mỗi sản phẩm).
Phương pháp này có vẻ không tập trung, nhưng suy cho cùng, mục tiêu của mỗi doanh nghiệp là kiếm tiền và Samsung đã thành công. "Nếu hệ sinh thái sản phẩm giúp tăng doanh thu và lợi nhuận, ai cần quan tâm chúng có tên gọi như thế nào?", CNN nhấn mạnh.
Tác giả: Châu An
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc