"Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có hệ thống định vị toàn cầu dẫn đầu thế giới, hoạt động trên 100 thành phố, phục vụ 200 triệu người dùng khắp cả nước", China Daily dẫn lời ông Cao Jianlin, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc phát biểu mới đây. Ông Cao còn cho rằng Bắc Đẩu sẽ có các tính năng vượt trội so với cả ba hệ thống hiện có là GPS, Galileo và Glonass.
Hệ thống Bắc Đẩu hiện có 16 vệ tinh định vị trải khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và tiến tới sẽ có 30 vệ tinh để phủ sóng toàn cầu.
Hình minh họa một vệ tinh trong hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc. Ảnh: china.org.cn. |
Theo đài phát thanh quốc gia Trung Quốc, một hải đội hải quân gần đây tiến hành tuần tra và diễn tập đã sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu. Nhóm gồm ba tàu: khu trục tên lửa Thanh Đảo, tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài và Diêm Thành hôm 1/2 đã tiến vào Biển Đông sau khi vượt eo biển Bashi.
"Bắc Đẩu cung cấp định vị, an ninh và an toàn cho các hạm đội", Lei Xiwei, giám đốc thông tin của hạm đội Hoa Bắc cho biết. Theo chỉ huy trưởng của hệ thống định vị Bắc Đẩu, ông Li Changjiang, "hệ thống có thể cung cấp tin tức tình báo có giá trị".
Sự thành công của Bắc Đẩu có đóng góp của công nghệ đồng hồ nguyên tử. Trong các hệ thống định vị, đồng hồ nguyên tử là một công cụ rất quan trọng bởi độ chính xác và ổn định.
Ông Cao Hongjie, phó chủ tịch công ty Khoa học và Công nghệ Unistrong - công ty tham gia các dịch vụ định vị toàn cầu, nhận xét: "Bắc Đẩu sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn GPS. Người sử dụng Bắc Đẩu sẽ dễ dàng xác định vị trí hơn so với khi dùng hệ thống GPS. Chức năng này đặc biệt thích hợp cho việc chăm sóc người già hay trẻ em bởi hợp phần của hệ thống có thể được gắn trên xe đạp, phương tiện mà những người này hay sử dụng".
Tuy nhiên, ông Li Yi, một quan sát viên khoa học, cảnh báo rằng sự hỗ trợ quá mức từ chính phủ có thể khiến Bắc Đẩu trở nên kém cạnh tranh hơn. "Thị trường sẽ phán xét sự thành công của Bắc Đẩu", Li nói.
Hải Hà (theo China Daily)
Nguồn tin: VnExpress
Ý kiến bạn đọc