Từ rổ đậu vừa hái, má chia thành nhiều phần để dành làm phụ liệu chế biến các món cả nhà yêu thích. Dân dã nhất là đậu ván luộc. Đậu ván non, cắt đoạn ngắn vừa ăn, rửa sạch, luộc qua nước sôi chấm cùng mắm ruốc hay mắm cái. Ngon hơn một chút là đậu ván xào, chọn những trái không quá già được rửa sạch, tước hai sợi bên thân. Sau đó khứa chéo theo thân đậu cho dễ thấm gia vị, đun nóng dầu, phi thơm hành, cho đậu vào xào; nêm gia vị, đậu chín tới là vừa ăn. Những hôm chợ búa thuận lợi, cả nhà được má cho đổi bữa bởi đậu ván xào cùng thịt ba chỉ hay với tép biển.
Những năm đậu ra trái nhiều, ăn không hết, má hái những trái đậu già đem phơi khô, bóc lấy hạt, để dành dùng dần. Ngày rằm, mùng một âm lịch, món chè đậu ván không bao giờ thiếu trên bàn thờ ông bà. Vài lon đậu, ít lát gừng, đường cát cùng với sự khéo léo của má chỉ chừng một tiếng đồng hồ là đã có nồi chè thơm ngát với những hạt đậu tròn đều tăm tắp.
Đặc biệt, món xôi đậu ván từ bao giờ đã trở thành ký ức khó quên của những đứa trẻ sinh ra, lớn lên nơi miền đồng quê. Các bà, các mẹ quê tôi có thói quen dậy thật sớm, xuống bếp, bắc nồi cơm hoặc thi thoảng là món xôi đậu ván rồi lục đục lấy một ít hạt mè hoặc đậu phộng đã phơi dưới nắng vàng giòn, đem ra rang rang, giã giã. Vậy là đám trẻ chăn bò bọn tôi ngày ấy, hôm đó thế nào cũng có được bữa ăn nửa buổi ngon lành với gói xôi đậu ván còn nóng trong bọc lá chuối...
Tác giả: Phan Thị Thanh Ly
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc