Ảnh: Hòa Nhơn
Sau khi hoàn thành công đoạn giã sắn khô thành bột, bà dùng sàng rây nhằm lấy những phần còn hơi lợn cợn để mẹ nấu cám heo, phần bột mịn bà dùng làm bánh. Nguyên liệu làm bánh sắn hấp đậu đen rất đơn giản. Ngoài bột sắn ra còn có đậu đen, một ít hành ngò, ớt trái, dầu phộng, đậu phộng rang giòn và nước chấm là mắm cái. Đầu tiên cho đậu đen vào một cái nồi nhỏ cùng với một ít muối bột, tiêu bột hầm đến khi hạt đậu tơi và mềm ra. Đây chính là phần nhân bánh.
Bột sắn đổ vào thau hòa chung với nước lạnh nhồi đều. Chuẩn bị xong các công đoạn trên, nội lấy lá chuối trải lên mâm và bắt tay vào làm bánh. Bàn tay nội thoăn thoắt véo từng cục bột sắn từ thau ra và cho nhân đậu đen vào ép lại thành hình tròn dẹp, xếp vào mâm. Xong chiếc bánh nào, nội cho chiếc đó vào nồi nước sôi đun bên cạnh. Một lát sau, khi thấy bánh nổi lên, nội vớt ra đặt nhẹ nhàng lên mâm.
Thấy con bé cháu ngây ra nhìn những chiếc bánh lăn lộn trong nồi nước sôi, nội vừa móm mém nhai trầu vừa nói món này sẽ ngon hết sẩy nếu kèm theo một chén nước chấm đặc trưng. Nước chấm mà nội nói đó chính là mắm cái tỏi ớt. Xếp những cái bánh vào đĩa, rưới lên ít dầu phộng đã khử hành thơm, một ít hành lá, vài hạt đậu phộng rang giòn cùng vài muỗng mắm cái chuẩn bị sẵn là có thể thưởng thức ngay món ăn ngon tuyệt này.
Bánh sắn hấp đậu đen có vị thơm của sắn, vị bùi bùi của đậu đen, vị giòn của đậu phộng, vị béo của dầu, vị mặn ngọt của mắm cái. Và với tuổi thơ tôi, những cái bánh sắn hấp còn có cả hương vị ngọt ngào tình yêu thương của bà tôi trong đó...
Tác giả: Hòa Nhơn
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc