Đó là chuyện thời còn cắp sách đến trường của tôi. Mỗi sáng tụm năm tụm bảy kéo nhau đến xe bán bánh mì dưới gốc me tây trên đường Trần Phú. Quán không bàn, ngoài chiếc xe tủ bánh mì chỉ có hơn chục cái ghế nhựa, hôm nào mưa thì cô chủ giăng thêm tấm bạt chừng 5-6 mét vuông làm mái che. Cứ 2 người thì 3 cái ghế, ngoài 2 ghế để ngồi, chiếc còn lại dùng làm bàn.
Nhất là những hôm trời se lạnh, ráng đi sớm để được ăn bánh mì nóng hổi vừa ra lò, cả nhóm bạn gộp ghế lại ngồi sát với nhau vừa dễ nói chuyện, vừa tránh gió. Chúng tôi hay nghịch lấy bánh mì nóng tự áp vào hai má để hưởng chút hơi ấm thơm nồng của bánh, có khi bất ngờ quay sang áp vào mặt đứa ngồi cạnh, giữ thật lâu khiến hai má của bạn đỏ bừng. Thế là có một trận cười giòn tan, mọi người nhanh chóng quên đi cái lạnh bên ngoài.
Khi đến quán, mỗi khách có một ổ bánh mì và chén nước chấm. Ai muốn ăn thêm thì gọi, thường chúng tôi mỗi đứa làm 2 ổ. Ở đây cũng bán các loại bánh mì thịt, trứng, nhưng chúng tôi vẫn thích nhất món bánh mì chấm. Chỉ đơn giản là một ổ bánh mì không, xé từng miếng chấm cùng với chén gia vị thế nhưng lại cuốn hút biết bao thế hệ học sinh, sinh viên ở mảnh đất Quy Nhơn này. Có lẽ phần vì giá rẻ, không gian ăn uống khá “bụi”, gần gũi, phần bởi cái vị là lạ, ăn là thích.
Nước chấm ở quán này được chế biến riêng theo công thức của cô chủ, khi ăn có vị ngòn ngọt, hơi cay và quan trọng nhất là phải có pa tê. Món bánh mì chấm lúc mới xuất hiện ở Quy Nhơn chỉ đơn giản vậy. Ngày nay, một số lò bánh mì có mở bán thêm món này bởi nó đơn giản, không phức tạp ở khâu chế biến. Nước chấm thì người ta thêm một ít sốt mayonnaise, bơ, thêm đĩa rau tươi, một ít dưa leo và đồ chua. Nhìn bắt mắt hơn nhiều.
Bây giờ, khi trưởng thành, một buổi sáng chỉ ăn món bánh mì chấm quả thật không no, nhưng thi thoảng mỗi khi về lại thành phố biển này, tôi hay liên lạc với bạn bè cùng “lê lết” những góc quán bán bánh mì chấm để “sống” lại một nét gì đó rất Quy Nhơn một thời gắn bó với tuổi thơ.
Tác giả: Phan Khánh Minh
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc