Thuở ấy, học nội trú, không được ăn quà vặt, đêm đêm học bài xong bụng đói nằm nghe thương nhớ cơm cháy khó ngủ ngay được.
Miếng cơm cháy ở trường tôi thuở ấy là cơm cháy từ cơm nấu trong vạc, vừa dòn, vừa mỏng. Dòn vì vạc có diện tích tiếp nhiệt rộng. Mỏng vì nhà trù có heo, nên lớp cơm thịt sát mặt vạc phải được nạo thật sạch, để hy vọng học trò ăn không hết thừa ra. Cho con heo của nhà trù.
Chỉ những đứa biết làm ngoại giao với nhà trù mới có được cơm cháy. Trường mấy trăm đứa, cơm nấu có hai vạc, lấy đâu ra một xã hội không lo không công bằng!
Nằm trong giường mà nghe giường bên cạnh có thằng nhai cơm cháy thì càng khó ngủ vô cùng.
Cơm cháy chay đã ngon. Có thằng còn ngoại giao hoặc đem ở nhà đi món muối ớt sả hoặc muối ớt é trắng. Càng ngon tận mây xanh.
Ấu thời đi qua. Miếng cơm cháy vẫn đi theo. Nồi cơm điện ra đời. Cơm cháy chết. Nỗi oán xin gửi cho người Nhật. Nỗi nhớ cơm cháy còn đó vì nó gắn với thơ ấu, với tuổi học trò.
Sài Gòn năng động ngửi được nỗi nhớ ấy ngay.
Và cơm cháy được bán hàng rong, bán vỉa hè, bán khu vực gần cổng trường, đựng trong bịch nylon. Loại cơm cháy bình dân làm quà vặt.
Một thời gian sau cơm cháy vào nhà hàng mang dáng đài các hơn. Chúng được chế biến từ cơm chín ép mỏng như giấy các tông vào các chảo không dính hong trên bếp cho cháy vàng mặt áp chảo.
Trước tiên là món cơm cháy ăn ruốc, còn gọi là chà bông. Rồi cơm cháy ăn với cá dứa một nắng Cần Giờ. Nhưng dứa một nắng Cần Giờ ở nhà hàng Duyên Hải, thị trấn Cần Thạnh thật ngon, vì là loại một, béo vừa, không mặn. Có những quán cũng cơm cháy nhưng cá dứa một nắng loại ba ăn chán ngắt vì miếng cá khô khốc.
Bây giờ các nhà hàng đua nhau sáng tạo món lạ. Nên vừa rồi ăn được món cơm cháy với thịt bê nấu sả, vừa lạ miệng, vừa ngon. Cơm cháy cá dứa bị người nướng cá tước đoạt mất vị thơm ở dưới bếp. Còn bò hầm sả thì giữ được vị dọn lên tận bàn cho khách.
Đã vậy món ăn được tạo hình thật vừa miếng cắn chứ không như đại nạn bánh mì con cóc của Như Lan một thời chàm quàm khó ăn muốn chết.
Ông chủ quán Hải Hòn Chồng khoái chí vì món này không đá vào nỗi lo khó khăn về nguồn cung cấp , vốn gây cụt hứng cho khách lâu nay. Ông nói: ,Thịt bê chợ Phạm Văn Hai đầy.,
Bẻ miếng cơm cháy bằng tay ăn với miếng bê hon, không chỉ là thú vui của các ông mà còn của các bà. Nó giống như một thứ snack biến tấu.
Tác giả: Ngữ Yên
Nguồn tin: SGTT
Ý kiến bạn đọc