Tiểu thuyết “Sát thủ online”: Giải mã những tội ác đến từ Internet

Chủ nhật - 07/11/2010 07:10 2.350 0

Nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Thủy

Nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Thủy
Cuốn tiểu thuyết "Sát thủ online" NXB Công an nhân dân 2010 của nhà văn 7X Nguyễn Xuân Thủy (SN 1977) ra đời lọt vào vòng chung khảo 16 tiểu thuyết và ký do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 2007-2010 đề cập tới đề tài rất "hot": Tội phạm Internet và những hệ lụy xa xót đầy tính chấm phá trong cuộc đời nhân vật chính.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Thủy về cuốn tiểu thuyết mới của anh...

Khi đọc xong "Sát thủ online", điều đầu tiên tôi nghĩ đến là anh đang gióng một hồi chuông thế thái nhân tình để đánh thức sự "ngủ quên" của những bậc làm cha làm  mẹ?

- Chị nghĩ thế cũng không sai. Nhưng nếu chỉ có thế thì không cần đến một cuốn tiểu thuyết, báo chí đã làm rất tốt nhiệm vụ đó rồi. Những bậc làm cha làm mẹ nói rộng ra thì cũng chính là cả thế giới người lớn trước vấn nạn có tên Internet. Chúng ta tiếp nhận những cái mới quá nhanh, trong khi những sự chuẩn bị cho nó, và cả việc đối mặt với những hệ lụy từ nó chưa tương xứng, không theo kịp, để rồi hệ thống còi báo động liên tục tăng cấp độ. Mọi người say mê với "thế giới ảo", đeo mặt nạ khi bước vào nó, ngụp lặn trong nó đầy mê mải như khám phá một khu vườn hoang, mà ít ai nghĩ rằng Internet không phải là một "thế giới ảo" như ta tưởng. Đúng, Internet chưa bao giờ là ảo. Nó thật như chính cuộc sống của chúng ta vậy. Tôi nghĩ chúng ta không "ngủ quên" mà chỉ loay hoay đối phó với hệ quả từ một lĩnh vực khá mới mẻ thôi.

- Và vô hình trung, nhân vật chính - Mr Mouse, biệt danh Hiệp sĩ đen từ một "tội phạm nhí" của xã hội lại trở thành nạn nhân của xã hội, đây là dụng ý của anh đấy chứ?

- Trong mỗi tiểu thuyết, mỗi nhân vật đều có một số phận riêng, gánh vác những thông điệp riêng. Tôi xin không "thuyết minh" cho những gì mình đã viết, hãy để từng bạn đọc tìm hiểu và khám phá mỗi nhân vật trong "Sát thủ online", có khi họ còn khám phá ra những điều thú vị hơn chính chúng ta nghĩ ấy chứ.

Dường như ngòi bút của anh quá ưu ái cho những thân phận bụi đời bị gạt ra ngoài xã hội. Phê phán đấy, mà thương xót đấy. Tôi thấy những nhân vật như cu Tý bị gia đình hắt hủi, ruồng bỏ nhiều lắm. Nhưng có nhiều cu Tý đã "ngậm đắng" vươn lên, sao anh không viết về chúng lại thấy "xót" cho những đứa trẻ bụi đời thiếu bản lĩnh?

- Trong văn học, các mẫu nhân vật đều được "đối xử" bình đẳng. Với các thân phận bụi đời, tôi nhìn họ dưới góc độ con người và cũng với góc độ ấy để giải mã con đường trở thành tội phạm của họ. Những "cu tí ngậm đắng vươn lên" sẽ là đề tài cho mục "Chân dung cuộc sống" hay gương người tốt việc tốt của các báo. Nhân vật văn học cần một thân phận và tôi đã cho nhân vật của mình một thân phận như thế để phục vụ cho mục đích sáng tạo. Nó sẽ sống đời sống của nó, gánh vác thông điệp của nó. Đơn giản chỉ là mục đích của tác giả. Có thể "những cu tí ngậm đắng vươn lên" không là lựa chọn của tôi nhưng sẽ gây hứng thú cho các tác giả khác.

Câu chuyện có đề cao tình mẫu tử thiêng liêng, anh có tin vào tình mẫu tử ấy không? Những phần kết tiểu thuyết thường gợi cảm giác có hậu, thanh thản, còn anh để cuộc hội ngộ giữa Mr Mouse và người mẹ chết vì HIV của đứa trẻ vị thành niên này, bi đát, thống thiết quá??? Cái chết của Mr Mouse có đánh thức sự lãnh cảm của các bậc cha mẹ đối với con cái???

- Chỉ có ai không có mẹ mới không tin có tình mẫu tử, và chỉ có ai không có trái tim mới không cảm nhận được tình yêu thương của mẹ. Những đứa con luôn khao khát được sống trong vòng tay của mẹ dù cho người mẹ ấy là ai, người mẹ ấy như thế nào. Đôi khi được sống trong những ý nghĩ tốt đẹp về mẹ cũng đã là hạnh phúc. Một cái kết có hậu hay một cái kết bi đát không quan trọng bằng việc người đọc có ám ảnh với tác phẩm khi gấp trang cuối cùng của cuốn sách? Còn cái chết của Mr Mouse ư! Có độc giả khi đọc "Sát thủ online" đã nói với tôi rằng, cái chết là sự giải thoát cho nhân vật. Với "Sát thủ online", tôi hi vọng cái chết của Mr Mouse sẽ đánh thức trái tim bạn đọc.


Cuốn tiểu thuyết "Sát thủ online".

Điều ngạc nhiên khi đọc tiểu thuyết của anh là viết về bạo lực, cưỡng hiếp, lừa đảo, chém giết nhưng đều có những chi tiết nhân văn kỳ lạ, thậm chí khiến người đọc nghi ngờ. Anh có sợ niềm tin vào sự tử tế, chân tu của "gã đầu bạc" sẽ bị băng hoại trong ý thức người đọc khi gấp sách lại, bởi tôi nghĩ, ở vị trí của gã đầu bạc, tìm điểm dừng đã khó, để tìm một nơi hướng thiện như chân tu, còn khó hơn???

- Một con người mang bản chất "xấu xa nhất quán" từ khi còn đầu xanh đến tận khi đầu bạc thì đã đến độ hết thuốc chữa. Việc có ý định đi tu chỉ là hành động cao trào thể hiện sự dối trá chính bản thân của gã mà thôi. Nếu đọc "Sát thủ online" chị sẽ thấy ở đoạn kết có câu: "Nhà chùa không phải là cái thùng rác chứa đựng những rác rưởi mà xã hội đã không còn dung chứa". Hay nói đơn giản, gã tìm đến nhà chùa đâu phải vì mục đích hướng thiện mà chỉ là sự vung tiền để mua một sự yên ổn cuối đời mà thôi.

Mỗi bạn đọc có lý do để tin hay không tin vào hành trình của nhân vật. Khi đọc một cuốn sách văn học cũng giống như bạn đang khám phá một hang động kỳ bí vậy. Bạn có thể đi tiếp hoặc dừng lại, bạn có thể len lách vào từng ngóc ngách hay chỉ đi lướt trên con đường chính, có thể khoan sâu vào từng vách đá hay chỉ đứng ngắm nhìn mà thôi.

Vận dụng tài tình hành văn thông tấn mang tính cảnh báo. Đến bản tin cuối cùng là bản tin lúc 0 giờ như đánh dấu một thời khắc, một sự biến đổi, một sự sang trang. Đó cũng là lúc kết thúc một ngày, cũng là lúc khép lại những bi kịch của Mr. Mouse, anh có hối tiếc không khi để những nhân vật trẻ phải oằn mình giữa dòng đời như thế?

- Bất kỳ một người nào khi vào đời đều ít nhiều chịu những áp lực cùng nguy cơ "chệch đường". Những người trẻ hôm nay vào đời khi mà xã hội không còn lành tính như trước, trong một thế giới với quá nhiều cạm bẫy họ phải gánh một gánh nặng hơn những thế hệ trước với những hoang mang thời đại. Họ một mình tung hoành, mò mẫm trong mê cung với quá nhiều thứ để lựa chọn để rồi không biết chọn thứ gì. Ngay cả những con người đi trước thân thiết, gần gũi xung quanh họ cũng lúng túng trong việc chỉ cho họ con đường nên đi. Và có những bi kịch đã xảy ra. Nhưng kết thúc giai đoạn hoang mang ấy, một ngày mới đến, mọi thứ sẽ sang trang, gánh nặng ấy sẽ được trút bớt phần nào, họ sẽ tỉnh táo và chủ động hơn. 

- Tại sao anh lại để cho "gã đầu bạc" viết tự truyện "Sát thủ online" mà không phải nhân vật chính: Mr Mouse hay những nhân vật bụi đời trong nhóm Lucky Family? Sao anh lại quăng chiếc phao cứu sinh cho gã đầu bạc khi lẽ ra gã, kẻ gây mầm ác phải đền tội?

- Gã đầu bạc đại diện cho lớp công dân mạng đầu tiên, mang đầy đủ những háo hức lăn xả, những thử nghiệm điên cuồng, những hoan lạc thân xác; lừa lọc, trục lợi, tận hưởng từ thế giới ảo để rồi chính gã phải trải nghiệm những đau đớn, đối diện với những gì do chính mình gây ra mà cứ nghĩ rằng sẽ vô can. Sự còn sống của gã chính là một sự trả giá đớn đau nhất. Không ai khác ngoài chính gã sẽ phải nhìn nhận lại những hành vi của mình. Ý định viết tự truyện chỉ thể hiện sự lố bịch cao trào của gã. Khi để cho gã bày tỏ mong muốn viết tự truyện tôi không định quăng cho gã chiếc phao cứu sinh mà là một hòn đá tảng để gã phải vật lộn với những gì đã gây ra trong quá khứ. Hi vọng bạn đọc sẽ tự khám phá thêm để có câu trả lời cho mình trong "Sát thủ online".

Tác giả: Thuỷ Anna

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây