Hoàng Bình Trọng “trận cười bể dâu...”

Chủ nhật - 07/11/2010 06:20 2.451 0

Nhà văn Hoàng Bình Trọng  - Ảnh: L.Đ.Dục

Nhà văn Hoàng Bình Trọng - Ảnh: L.Đ.Dục
Chuyến đi cứu trợ bà con ở các xã ven sông Gianh (Quảng Trạch, Quảng Bình) bị ảnh hưởng bởi trận lũ lịch sử cuối tháng 10 vừa qua không ngờ cho chúng tôi gặp được tác giả của cuốn truyện thiếu nhi trứ danh một thời: Bí mật một khu rừng.

Cuốn sách ra đời đã tròn 40 năm nhưng chắc trong lòng nhiều thế hệ thiếu nhi VN (nhất là khoảng thời gian trước khi... truyện tranh Ðôrêmon xuất hiện) khó quên được câu chuyện về những chàng kỹ sư địa chất đi tìm khoáng sản đã giải cứu cô gái "ma gà" A Nhi, đưa ánh sáng khoa học rọi vào những bản làng Tây Bắc còn chìm trong tăm tối hủ tục.

Ông cũng là tác giả, dịch giả của gần 20 tác phẩm khác với tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trường ca. Nhà văn nổi tiếng ấy giờ đây đang sống lặng lẽ ở ngôi làng nhỏ ven sông Gianh có tên là thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch. Ông là Hoàng Bình Trọng.

Những trang sách thắp tình yêu đất nước

Giờ thì chúng tôi đang ngồi cùng ông trong căn nhà ba gian bé nhỏ, trên bức tường nhà còn in ngấn nước lũ cao quá đầu người. Góc nhà còn thùng mì cứu trợ chỉ lổn nhổn mấy gói. Trên gương mặt hằn những nét khắc khổ vẫn ánh lên nét hóm hỉnh, tinh anh của một người đã nếm đủ vị đời.

Quê Quảng Bình nhưng ông sinh năm 1942 tại Sài Gòn khi bố ông vào làm thông ngôn cho một công ty của người Pháp. Có lẽ cũng từ ông bố giỏi chữ nghĩa ấy mà Hoàng Bình Trọng đã rất giỏi Pháp văn và Hán văn từ nhỏ.

Mười tám tuổi vào Ðại học Mỏ - địa chất, ngành trắc đạc bản đồ, ra trường anh kỹ sư địa chất tài hoa này rong ruổi khắp miền Việt Bắc, Tây Bắc, Ðông Bắc... để lập những tấm bản đồ tỉ lệ 1/500.000.

Chính trong những ngày rong ruổi khắp những cánh rừng Tây Bắc đi tìm khoáng sản ấy, chàng kỹ sư trẻ Hoàng Bình Trọng đã bắt tay viết những câu chuyện cho thiếu nhi, khơi dậy những ước mơ khám phá chân trời khoa học cộng với cả một chút lãng mạn của lý tưởng tuổi trẻ.

Ðã hơn 30 năm kể từ khi chúng tôi còn là những cậu bé, mê mẩn với những trang sách của cuốn Bí mật một khu rừng, giờ đây ngồi với ông vẫn nghe trong giọng kể của ông niềm háo hức rong ruổi ngày ấy. Ðã có bao nhiêu cậu bé trên đất nước này mơ mộng với những chàng kỹ sư địa chất trong truyện như Hoàng, Trung, Tuyên... trên đường đi tìm quặng apatit đã giải thoát cho cô gái A Nhi xinh đẹp bị lão thầy mo Ðèo Văn Sằn vu cho là "ma gà", như chàng hoàng tử giải cứu công chúa trong truyện cổ tích xưa.

Nhưng hấp dẫn và thú vị hơn bởi những bí mật khoa học của các loại quặng, vẻ đẹp nguyên sinh của thiên nhiên, những câu chuyện hấp dẫn của rừng xanh... qua vốn kiến thức phong phú của chàng kỹ sư địa chất Hoàng Bình Trọng đã thắp lên trong lòng nhiều cậu học trò ước mơ được làm nghề địa chất, đi tìm tài nguyên làm giàu cho đất nước.

Và tình yêu Tổ quốc trong mỗi đứa trẻ như chúng tôi ngày đó đã bắt đầu với những trang sách như thế. Nói theo kiểu bây giờ, cuốn Bí mật một khu rừng ngày đó thuộc dạng best-seller với bốn lần tái bản, lần in thứ hai (năm 1976) lên đến 100.000 bản. Cuốn truyện được dịch ra tiếng Nga và in ở Nhà xuất bản thiếu nhi Matxcơva. Hiện nayBí mật một khu rừng được in lại và xếp trong "tủ sách vàng" các tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Ðồng.

Ông nhà văn làm tiều phu

Đã không chịu sống cúi luồn
Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời
Đã lầm một kiếp làm người
Thì đi cho hết trận cười bể dâu...

Nhà văn Hoàng Bình Trọng

Ðất nước chiến tranh, chàng kỹ sư địa chất tình nguyện vào lính, nhiều năm ở chiến trường nước bạn Lào, anh lính trẻ lại tiếp tục tích lũy vốn sống để cho ra đời thêm nhiều tác phẩm khác như Quanh chỗ anh nằm,Những tấm lòng yêu thương.

Hết chiến tranh, năm 1976 phục viên, anh quay lại với nghề địa chất nhưng ở một vị trí khác, làm giảng viên của Trường Mỏ - địa chất. Tuy nhiên nghề văn vẫn là nỗi mê đắm thiêng liêng của ông với gần chục cuốn tiểu thuyết ra đời từ đó đến những năm 1990. Nhưng nếu chỉ có thế thì câu chuyện đời ông cũng sẽ như bao nhà văn khác nếu không có giai đoạn tuổi 50 đắng đót ngậm ngùi.

Số là khi ông đã là nhà văn tên tuổi, Hội Văn nghệ tỉnh Vĩnh Phú (nay là hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) mời ông về làm việc ở tạp chí văn học Ðất Tổ. Công việc của một tạp chí văn học hàng tỉnh cũng sẽ giữ chân ông ở lại với miền trung du này nếu không có sự kiện hàng loạt tỉnh lớn được tách ra, tái lập theo địa giới cũ.

Tỉnh Bình Trị Thiên cũng chia thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Với tâm thế của một đứa con xa quê mấy chục năm, lúc xế bóng ai cũng muốn về với quê cha đất tổ. Vậy là sau bao nhiêu năm làm kỹ sư, cán bộ nhà nước, từng giữ cương vị liên đoàn phó Liên đoàn địa chất Mạo Khê phụ trách đến 600 cán bộ nhân viên, từng là nhà văn tên tuổi, phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú, vậy mà để mau chóng về quê hương ông xin về chế độ 176, nghĩa là nhận "một cục" trọn gói chừng đâu gần 2 triệu đồng và tất tả về với miền đất gió Lào cát trắng.

Về quê, số tiền chế độ như gió vào nhà trống, may có người anh ruột là nhà giáo Hoàng Hiếu Nghĩa cho mảnh đất dựng túp lều để vợ chồng và đứa con nhỏ tá túc qua ngày. Hội văn nghệ tỉnh cũng "hết chỗ", nhà văn, tác giả Bí mật một khu rừng nức tiếng ngày nào lại vào rừng, dân ở đây gọi là rú Thọ Linh để đốn củi về bán ở chợ làng.

Một lần trên có lệnh thu thuế "cửa rừng" mà ông không biết, 500 đồng một gánh củi, ông không có tiền, bị kiểm lâm giữ lại, nhắn người nhờ vợ ở nhà mang tiền lên nộp. Trong lúc chờ đợi, nghe mấy chàng kiểm lâm đọc thơ Bút Tre nhưng không hề vần vè, "tức khí" ông bèn đọc cho cả hội nghe một mạch mấy chục bài từ Bút Tre thứ thiệt đến Bút Tre dị bản, tổ kiểm lâm lấy làm ngạc nhiên sao có ông già đi củi lại thuộc thơ phú làu làu như thế!

Biết ông ở Quảng Hòa, họ hỏi có biết nhà văn Hoàng Bình Trọng rất nổi tiếng ở đấy không, đang trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, ông không dám nhận là mình bèn đáp bừa: "Có biết, cái tay Trọng nhà văn ấy giờ khốn khó lắm, cũng đi củi như tui vậy thôi", ai nấy ngạc nhiên: "Bác lại đùa, làm chi có chuyện nhà văn nổi tiếng như ông nớ mà nghèo"!

Ðúng lúc ấy vợ ông mang tiền lên nộp, khai ngay tên chồng là Hoàng Bình Trọng, tổ kiểm lâm ngớ người ngạc nhiên rồi sau khi biết ông tiều phu này đích thị là nhà văn, họ ngưỡng mộ bèn điều hẳn một xe công nông chở về nhà cho ông thêm chục gánh củi!

Đây là bìa hai cuốn sách tiêu biểu của nhà văn Hoàng Bình Trọng. Cuốn Bí mật một khu rừng được xếp trong “tủ sách vàng” các tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng. Và Trường ca về tướng Giáp - người anh cả của toàn quân vừa được ông hoàn thành. (L.Đ.Dục)

"Thì đi cho hết trận cười bể dâu..."

Thấy ông bạn già khổ quá, nhà văn Văn Lợi, một người bạn cũ của Hoàng Bình Trọng, xin cho ông về tạp chí Nhật Lệ của Hội Văn nghệ tỉnh làm hợp đồng biên tập, lương mỗi tháng được 350.000 đồng. Ðể có thể dành dụm gửi về cho vợ nuôi con, ông tự đi chợ, nấu nướng, nhiều bạn văn chương ghé thăm vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông sống nhờ trong căn phòng bé tí với chiếc giường gỗ rộng tám tấc, hai cái xoong nhỏ, một dùng nấu cơm, một nấu canh.

Ông cũng không đòi hỏi gì thêm cho mình, cứ lặng lẽ sống, thi thoảng trong ánh mắt hóm hỉnh và thông tuệ kia lại lóe lên chút u buồn nhân thế.

Tuổi tác ngày mỗi cao, không thể mỗi tuần lóc cóc nhảy xe đò 100km đi đi về về giữa Ðồng Hới và Ba Ðồn, rồi cọc cạch đạp xe từ đó thêm chục cây số về nhà, ông lại về ngôi nhà ba gian bên ngôi làng nhỏ ven sông Gianh.

Lẽ ra với những gì đã cống hiến, có thể bây giờ ông đã an nhàn với một cuốn sổ hưu, nhưng ông đã chọn cho mình con đường này và âm thầm chịu những eo sèo áo cơm sinh kế mỗi ngày. Vẫn nhẫn nại viết, dịch và gửi các báo với mục tiêu kiếm cho được... 1 triệu đồng nhuận bút mỗi tháng!

Có điều, dù cuộc đời gieo neo đến mấy, ông vẫn bình thản mỉm cười như bài thơ Hát tặng mình viết riêng cho mình: Ðã không chịu sống cúi luồn/Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời/Ðã lầm một kiếp làm người/Thì đi cho hết trận cười bể dâu...

Cuộc đời này vẫn có những trận cười bể dâu như thế trong những góc khuất phận người. Và đôi khi nhớ về hình ảnh ông nhà văn với những tác phẩm trứ danh rồi một ngày về quê lụm khụm làm tiều phu gánh củi nuôi con, bất giác chúng tôi không nén được tiếng thở dài...

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây