Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Mọi điều sẽ tốt đẹp...

Thứ hai - 03/08/2009 15:04 3.885 0

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa
"Tất cả các nhà văn của mình đều rất tốt. Tôi có thể nói như vậy, họ có thể có những quan niệm khác nhau về sáng tác nhưng mà bản chất đều là những người rất yêu nước và ham sáng tạo. Nếu có mâu thuẫn gì trong văn chương cũng là điều cần cảm thông, vì nó là cái tất yếu của sự phát triển. Những mâu thuẫn nếu có là để sáng tạo chứ không phải hủy hoại. Tất cả là ở chỗ đó. Và như thế, tôi nghĩ, mọi điều sẽ tốt đẹp...", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Thực sự khi mới nghe chuyện Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập Hệ Phát thanh có hình, tôi cảm thấy hơi buồn cười vì không hiểu Phát thanh có hình khác với Truyền hình có tiếng như thế nào. Anh với tư cách  là người phụ trách  công việc ấy liệu có thể cho biết, suy cho cùng, với chương trình phát thanh có hình của mình như vậy, Đài Tiếng nói Việt Nammuốn đạt mục đích gì?

Muốn tiếng nói của mình đến được với tất cả mọi người, đặc biệt là với những người, cùng một lúc, muốn tai nghe và cũng muốn mắt thấy… Tai nghe rồi, phải mắt thấy nữa mới khoái, mới đủ độ tin, mới đủ độ cần thông tin. Đúng không? Mà cái đó lại rất chính đáng. Vậy thì sao lại không? Không đáp ứng được nhu cầu ấy của nhân dân là mình có lỗi to rồi! Vì vậy mà Hệ phát thanh có hình tất yếu phải được sinh ra…

Một phương tiện thêm vào để truyền tải ý tưởng và tinh thần của Đài Tiếng nói Việt Nam?

- So với trước thì nó là "thêm vào". Nhưng khi có nó rồi, thì nó là một bộ phận trong tổng thể không thể tách rời, thành ra, như tôi thấy, không có cái gì là thêm, cũng chẳng có cái gì là bớt nữa. Nghĩa là nó phải " vừa vặn cắn cưa" như thế mới phải. Cứ nói "thêm vào", là tôi lại nhớ đến ở nhà tôi,  nấu nồi riêu cá rất ngon rồi, mẹ tôi cứ phải "thêm vào" tí mì chính cánh…  nữa mới yên lòng…

Như anh đã biết đấy, Đài Tiếng nói Việt Nam là một cơ quan truyền thông đa phương tiện, bao gồm:  Báo nói, báo in, báo mạng, báo hình. VOVTV là báo hình, một sáng kiến mới của Tổng Giám đốc Vũ Văn Hiền, cùng lãnh đạo Đài. Hơn nửa thế kỷ qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành người bạn đường tin cậy của nhân dân qua các chặng đường lịch sử, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, lúc ấy còn chưa có truyền hình. Người lính ra trận với khẩu súng dùng riêng và cái đài bán dẫn nhỏ xíu dùng chung cho cả trung đội. Sức mạnh làm nên chiến thắng rất to lớn, có phần đến từ cái đài mang theo bé xíu ấy của đơn vị…

Bây giờ, sau hơn 30 năm hoà bình, cùng với đời sống văn hoá của cộng đồng được nâng cao, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn đến được với  mọi người dân ở từng ngõ ngách vùng sâu, vùng xa, nhưng có những người dân thành phố lại mất thói quen nghe đài, họ chỉ xem truyền hình thôi. Âu cũng là điều dễ hiểu. Ví như anh đàn ông, quên người vợ " tao khang" thuở hàn vi ở nhà, mà cứ cười tươi với các cô bồ nhí mới mẻ thơm tho (cười)… Qua VOVTV, Đài sẽ tìm lại được cố nhân đấy…

Tôi hiểu rồi. Tôi có cái ý nghĩ như thế này, không biết có đúng hay không: Trước đây, chúng ta phân ra các cơ quan thông tin đại chúng theo loại phương tiện thể hiện những ý tưởng, truyền bá những thông tin, thí dụ như báo giấy, báo nói, báo hình... Giờ đây, với sự xuất hiện của cái gọi là phát thanh có hình của Đài Tiếng nói Việt Nam thì thực sự đã bắt đầu một giai đoạn phát triển mới, theo quan điểm của tôi, trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Tức là sao? Tức là các cơ quan truyền thông của chúng ta sẽ càng ngày không khác nhau bởi mỗi một cơ quan báo chí, mà có thể gọi là tập đoàn truyền thông hay là một trung tâm truyền thông, chúng ta không khác nhau bởi phương tiện, vì phương tiện của chúng ta càng ngày càng đa dạng hóa và rất giống nhau, đạt mức tối đa có thể, nhưng chúng ta khác nhau bởi phong cách, bởi cách thể hiện, bởi tư duy, trí tuệ của từng tập thể cán bộ phóng viên, ở cái đầu của những người lãnh đạo các cơ quan này... Và sau một quá trình phát triển như vậy thì không thể chỉ thỏa mãn với một loại phương tiện cập nhật là cứ phát sóng lên giời, mà Đài Tiếng nói Việt Nam thấy rằng, mình có đủ lực lượng để thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội của mình bằng nhiều phương tiện khác, và đấy là một cách gợi ý rất tốt cho các cơ quan truyền thông khác của Việt Nam phát triển. Theo anh, tôi nghĩ thế có đúng không?

Rất đúng. Rất đúng. Anh đã nói thay tôi rồi đấy. Tôi nghĩ đó là điều cần thiết đối với một đất nước đang phát triển, như nước ta...

Chúng ta có thể độc quyền phong cách của chúng ta, độc quyền trình độ của chúng ta, văn hóa của chúng ta, nhưng không ai có thể độc quyền phương tiện, phương tiện là bình đẳng giữa các cơ quan truyền thông?

Bởi vì không ai "độc quyền" tai và mắt. Phải có nhiều cái hay cho người ta nghe, nhiều cái đẹp cho người ta nhìn. Đất nước càng phát triển, xã hội càng văn minh thì lại càng phải như vậy.

Mà cái đấy mới là cách phát triển đúng đắn của báo chí Việt Nam, đấy là hướng đi đúng cần phải ủng hộ.

- Đúng vậy! Đó là hướng đi hoàn toàn đúng đắn...

Tôi hiểu rồi. Anh từ tư cách một nhà thơ, một chiến sĩ đích thực rồi từ đấy chuyển sang quản lý VOV truyền hình này, anh thấy có gì khác so với khi anh còn quản lý Ban Văn nghệ?

- Tất nhiên rất khác rồi. Công việc của Ban Văn nghệ nhà Đài chủ yếu là truyền tải những tác phẩm văn học nghệ thuật bằng âm thanh đến với công chúng. Còn bây giờ kênh TV VOV thì nó là một kênh Tổng hợp, bao gồm tin tức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế. Trong đó văn nghệ chỉ là một phần… Vừa rồi,  chúng tôi cũng chỉ mới làm được một việc là ... thông sóng…

Giai đoạn gọi là chạy rốt-đa đấy...

- Nghĩa là mới thông sóng thôi. Sắp tới, chúng tôi phải cải tiến, nâng cao trong một tổng thể, để nó tự trụ vững trong đời sống báo chí và trong mọi hoạt động tinh thần của toàn xã hội.

- Truyền hình theo nghĩa thông thường của nó...

- Không hẳn là truyền hình nhưng lại không được xa lạ với người thường xem truyền hình. Bởi vì kênh này chúng tôi phát chung trên hệ thống truyền hình, cả Cáp và analog, nghĩa là với bất cứ ai, nếu muốn, đều có thể bật kênh truyền hình của chúng tôi ra mà xem được. Và như thế, chúng tôi phải đứng bên cạnh, cùng tồn tại, với tất cả các kênh chuyên truyền hình, nếu như có cái gì đó xa lạ, lạc lõng thì người ta sẽ không xem mà giống như kênh này, hãng kia, thì người ta cũng không xem. Cái khó của chúng tôi là ở chỗ đó.

- Cũng phải bằng anh, bằng chị, bằng em...

- Và ít nhiều, cũng phải khác chị, khác em. Hiện nay chúng ta có quá nhiều kênh truyền hình. Cả Trung ương và địa phương. Ngay Trung ương còn có cả Truyền hình Cáp, Truyền hình Kỹ thuật số, rồi truyền hình của 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh thành lại có nhiều kênh. Tất cả đều rất chuyên nghiệp. Nếu không có đóng góp riêng, không có vóc dáng riêng, không thể tồn tại được. Làm sao có được nét riêng nhưng lại phải không được xa lạ...

Với nhịp điệu của truyền hình hiện nay... Khi gọi là phát thanh có hình thì đấy là cách gọi ban đầu để người ta quen dần thôi. Thực ra đấy là một kênh truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam, của tập thể những người làm báo của Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Nhưng như tôi đã nói ở trên, nó là kênh hình của Đài phát thanh, so với truyền hình, nó phải khác, nhưng khác như thế nào thì chúng tôi đang  tìm ra và chắc sẽ có câu trả lời. Vì không trả lời được, thì không tồn tại được. Cũng có thể bạn xem chương trình của chúng tôi, bạn đã thấy có  điều khác gì đó... Chúng tôi đang cố gắng.

Các anh nghĩ ra một khái niệm là phát thanh có hình và trong quá trình biến khái niệm ấy thành thực tế thì vừa làm vừa tạo ra nội hàm của nó. Các anh đang xây dựng nội hàm cho các anh.

- Tôi đã nói rồi, chỉ có thế mới tồn tại được...

- Tức là sống rồi sẽ biết (cười).

- Hi vọng là như thế, được thế.

- Chắc công việc này cũng chiếm của anh khá nhiều thời gian?

- Tất nhiên rồi, hầu như tất cả, rất vất vả. Tất nhiên không phải chỉ một mình tôi…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Tôi muốn hỏi, thế anh bận bịu với công việc viên chức của mình, rất đúng thôi, công chức thì ai cũng thế, tôi cũng thế, anh cũng thế, thì thời gian đâu mà anh dành cho chức phận của một nhà thơ được cộng đồng các nhà văn, nhà thơ Việt Nam tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn?

- Giữa những bức tường làm nên một ngôi nhà, vẫn có cửa lớn, cửa nhỏ, đó thôi. Những bức tường là việc của tôi ở Đài, còn cái cửa ra vào là chỗ tôi đi về ở Hội Nhà văn, cái này không hề che lấp hoặc làm phương hại cái kia. Tất nhiên, ở Hội, tôi chỉ là người giúp việc Thường trực Hội một đầu việc, và đầu việc ấy, cũng còn có cán bộ chuyên, rất có kinh nghiệm công tác. Biết tổ chức thì sẽ có thời gian. Trên đời này, có ai nhăm nhăm làm mỗi một việc đâu. Ở Hội Nhà văn, tôi là Ủy viên  Ban chấp hành, phụ trách về tổ chức, về công tác hội viên, theo sự phân công của Chủ tịch Hội. Chủ tịch Hội phân công việc gì thì tôi làm tròn việc đấy. Không phải "ăn đấu" nhưng làm thì là "làm khoán", cũng hợp với khả năng và điều kiện của tôi…Vì công tác ở bên Đài, có các cộng sự tài giỏi, nên việc tuyên truyền cho các hoạt động cũng như thành tựu sáng tác của Hội, chúng tôi làm rất thuận lợi và có hiệu quả, thậm chí là hiệu quả cao. Nhưng việc chính vẫn là công tác tổ chức, công tác Hội viên…

- Trong đó có việc kết nạp hội viên?

- Dĩ nhiên rồi. Và đó là một việc lớn, ở nhiều khâu, qua nhiều người, dưới sự chỉ đạo rất chặt chẽ của Lãnh đạo Hội. 

Theo anh thì anh có hài lòng với chất lượng kết nạp hội viên không? Anh có hài lòng với hình ảnh của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay đã và đang hình thành trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong tâm thế xã hội không? Và nếu không hài lòng thì là cái gì, vì sao và có thể giải quyết được không?

- Hài lòng thì chưa đâu, và chắc cũng không bao giờ, vì cái mình làm được, bao giờ cũng thấp hơn cái mình mong muốn. Nhưng chúng tôi cũng đã làm hết sức lực của mình. Ở Hội Nhà văn, có hai mảng rất vất vả và rất nhạy cảm, dễ gây tranh cãi, đó là Trao giải thưởng và Kết nạp hội viên. Số người xin vào Hội rất đông, hơn 600 người, mà mỗi năm chỉ kết nạp được vài ba chục người…

- Mà vẫn còn 600 lá đơn nữa...

- Có thể vào thời điểm này, con số còn đông hơn nữa.  Những năm gần đây, việc kết nạp chặt chẽ hơn. Có năm số người kết nạp bằng số người đã mất…

- Sêm sêm nhau...

- Sêm sêm thế. Chúng ta cầu mong không nhà văn nào phải ra đi. Nhìn chung, hàng năm, những người được vào Hội đều xứng đáng cả so với những nhà văn đã từng được kết nạp trước đây. Chỉ có điều bây giờ để bằng lòng được với công chúng thì không phải dễ.

- Đòi hỏi của công chúng bây giờ khác trước nhiều rồi...

Đúng vậy. Rất phức tạp. Không ai có thể vừa lòng được tất cả mọi người.  Nhất là bây giờ, khi người đọc bao gồm cả những vị tiến sĩ, những vị giáo sư, thậm chí  những người rất giỏi, có trình độ và sự trải nghiệm không thua người viết, thậm chí có khi còn uyên thâm và sâu sắc hơn người viết. Đó là cái may của một nền văn học. Nhưng làm cho bạn đọc bây giờ ngạc nhiên, hồi hộp theo dõi, vui vẻ đón chào mỗi khi có tác phẩm mới… là điều không đơn giản chút nào. Ấy là chưa kể những người viết với nhau, không dễ thuyết phục được nhau bằng tác phẩm… Chính điều ấy, sẽ thúc đẩy sự phát triển… dù rất khó…

- Nó khó là khó ở những cái gì, liệu anh có thể diễn giải cụ thể hơn?

- Khó là không thể vừa lòng được tất cả mọi người.

- Cái đó thì tất nhiên rồi...

- Thế thôi. Nhưng trong Hội Nhà văn, chúng tôi cũng làm hết sức lực của mình. Làm ở mức độ tối đa nhất mà mình có thể làm được.

Anh có cảm giác rằng là không ít người trong xã hội chúng ta hiện nay dường như dồn cho khái niệm nhà văn và khái niệm Hội Nhà văn Việt Nam quá nhiều nội dung, mà thậm chí nó không phải như thế. Tức là theo quan điểm của tôi chẳng hạn, Hội Nhà văn cần phải ngồi ở đúng chỗ của mình, nhà văn Việt Nam cũng phải ngồi ở đúng chỗ của mình, dù nó nhỏ hơn, nó khiêm tốn hơn nhưng đúng chỗ của mình. Và chúng ta hiện nay hơi bị ảo tưởng về Hội Nhà văn, và chính vì thế cứ đòi hỏi nhiều quá, trong khi thực tế không thể làm được những điều đòi hỏi như vậy. Anh có nghĩ như vậy không?

- Cũng có thể, cũng có thể như thế. Nhưng tôi nghĩ, nếu không như thế, tình hình có khi lại xấu hơn, biết đâu, khi ta không biết, hoặc không muốn vươn tới cái có thể. Nhưng Hội Nhà văn vẫn còn là một ngôi đền thiêng, thiên chức của nhà văn vẫn rất cao cả. Nếu không còn thiêng nữa, thì những người sáng tạo chẳng nạp đơn xin vào Hội làm gì, và những vấn đề thuộc về văn chương, những câu chuyện xung quanh văn chương chẳng bao giờ được xã hội quan tâm nhiều đến mức như vậy.

Không biết thế này có đúng không, nhưng tôi nghĩ, ở phương Đông và phương Tây vẫn khác nhau khái niệm về nhà văn. Khái niệm nhà văn ở phương Tây bây giờ thực ra nó gần với khái niệm doanh nghiệp, như ông Mario Puzo, ông ấy mất cách đây 10 năm, ông ấy nói, ông  viết văn chỉ để kiếm tiền và ông ấy bảo, cái gì giá trị thì phải sinh ra tiền. Hay như bà J. K. Rowling viết Harry Potter cũng bảo vệ rất dữ những nguồn lợi nhuận của mình và bà rất là giàu, có rất nhiều tiền. Nhưng ở phương Đông mình, nhất là ở Việt Nam mình, văn chương vẫn có cái gì đấy dù không có tiền nhiều nhưng nó vẫn là khái niệm cao hơn tiền, chính vì thế chúng ta đòi hỏi ở nhà văn quá nhiều thiên chức mà thực ra rất khó thực hiện, bởi nhà văn cũng là con người thôi...

- Bởi vì ở Phương Đông cũng như ở Việt Nam, văn chương đích thực, phải tải Đạo, như cụ Đồ Chiểu nói: Chở bao nhiêu Đạo, thuyền không khẳm. Vì thế, trong con mắt của xã hội, nhà văn là cao quí, là đại diện cho giá trị đạo đức và văn hoá xã hội. Vì vậy, tác phẩm cao hơn tiền, có khi cao hơn cả chính nhà văn. Tất nhiên một tác phẩm hay sẽ có nhiều người tìm đọc, có nhiều người mua sách thì nhà văn mới có tiền, hoặc nhiều tiền. Tác phẩm càng ăn khách thì nhà văn càng có nhiều tiền. Tôi không tin một cuốn sách không có ai đọc lại có thể là sách hay. Điều ấy, ông Mario Puzo nói rất đúng. Tuy nhiên cũng không nên tuyệt đối hóa nhận định của ông, vì trong thực tế, cũng có những cuốn sách rất hay lại không được mọi người tìm đọc, thậm chí còn bị các nhà phê bình thẩm định hắt hủi. Và đôi khi tác phẩm càng nghiêm túc lại càng khó bán, càng tìm tòi lại càng khó bán. Nhưng nếu đã là tác phẩm hay thì sớm hay muộn cũng sẽ có công chúng… Các cụ dạy, cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng lòi ra, nữa là tác phẩm văn chương hay, nghĩa là cái kim chứ không phải cái tăm chẳng hạn…

Tức là mình vẫn công nhận quan điểm sách hay là phải bán được, nhưng không nên tuyệt đối hóa khái niệm ấy quá.

- Đúng vậy. Không tuyệt đối hóa, nhưng cũng không nên vì thế để ỷ lại rằng là…

- ... Không bán được thì mới là đích thực!?

- Đúng vậy… những tác giả, tác phẩm… kén độc giả…

Vâng, đúng thế. Cũng không tin rằng tác phẩm rất nhiều người đọc hiển nhiên là có giá trị?

- Đúng vậy. Vì thế chúng ta mới phải cần đến các nhà phê bình, cần đến giới chuyên môn và đến… Hội Nhà văn, là tổ chức cao nhất của giới cầm cân nảy mực trong văn chương. Nhưng việc này, cái việc rất thiết cốt này, chúng ta chưa làm được bao nhiêu…

Thực ra có một sự biện chứng thế này. Tôi nghĩ làm văn học hay làm nghề gì cũng thế, một khi anh đã là thầy tu thì anh không thể có vợ đẹp, con khôn được, tức là không thể đề huề gia đình được. Giá trị của sự tu hành là ở sự tu dưỡng và kiềm chế những bản năng của mình. Cũng như việc hành hương ngày xưa của các cụ đi chùa Hương, giá trị là ở chỗ vất vả đi bộ bằng chính đôi chân của mình, chứ bây giờ lại có tư duy tiếp cận với Phật nhưng lại đi bằng cáp treo rất là nhanh! Vừa muốn viết tác phẩm rất ăn khách, vừa muốn đó là tác phẩm đỉnh cao, thì điều đó trong tâm thức của xã hội, không chỉ riêng nhà văn hiện nay, hình như có cái gì đó không ổn. Đó là thói làm quan tắt, thói không muốn tập thể thao nhọc mình mà vẫn muốn cơ bắp, vẫn muốn lập kỷ lục... Liệu anh có nghĩ điều đó nó có ăn lan vào cả trong giới nhà văn hay không?

- Tất nhiên anh nói cái đó rất là đúng, tuy nhiên cũng không nên tuyệt đối hóa, bởi vì nhà văn không phải thầy tu. Dù bạn đọc rất cảm tính, nhưng tôi vẫn rất tin bạn đọc. Một tác phẩm mà có giá trị chắc chắn là thiên hạ không nhầm. Cho nên có rất nhiều lần trao giải thưởng, có ai đó băn khoăn, liệu có những tác phẩm rất hay mà bỏ sót không? Tôi nghĩ không có đâu. Vì nếu có, bạn đọc đã ồn lên rồi. Giới báo chí đã phát hiện trước đó rồi, thậm chí, có khi chưa hay, báo chí đã làm ồn lên rồi. Còn hay thì khỏi phải nói…

- Đúng rồi, đúng.

- Bởi trước hội đồng giám khảo, các nhà báo đã rất tinh nhạy trong việc này, tất nhiên trong đó cũng có những nhà báo thực ra chỉ làm nghề quảng bá mà thôi, những bài giới thiệu lẫn với quảng cáo, chứ chưa chắc đã phải tác phẩm có giá trị đích thực, nhưng mà đã là một tác phẩm thực sự có đóng góp, có tìm tòi đặc sắc trong công chúng thì không bao giờ bị bỏ quên cả. Còn có những cái người ta tung lên rầm rĩ nhưng chưa chắc đã phải là cái hay, nhưng còn cái hay mà hoàn toàn bị bỏ lọt thì không có. Tất nhiên cũng có không ít cuốn sách được một thời đề cao bằng các giải thưởng, và ồn ào dư luận, nhưng không trụ được với thời gian. Hình như đấy chỉ là tác phẩm của một giai đoạn, điều này đòi hỏi người cầm cân nảy mực phải có tầm nhìn rộng, không phải 5 năm, 10 năm, mà thậm chí 50 năm …

- Và lâu hơn nữa.

- Đúng vậy...

Đang có rất nhiều dư luận xung quanh hoạt động của Ban chấp hành Hội Nhà văn, về quan hệ giữa 6 anh chị thành viên. Anh là người "ở Seng Phan", nói như câu thơ Phạm Tiến Duật, anh nghe "tiếng bom thế nào", nó nhỏ hay là to?

- Tôi nghĩ bình thường.

- Quan hệ giữa các anh với nhau như thế nào?

- Tốt. Không có vấn đề gì lớn. Đấy là nhìn ở tầm vĩ mô. Còn tính cách thì khác nhau. Những quan niệm văn chương nhiều khi rất khác nhau. Chính vì sự khác nhau này mà có sự vênh nhau, cũng là điều dễ hiểu. Nếu 6 người là một thì chỉ cần một người thôi, không cần phải có 6 người nữa…

- Không có vấn đề gì?

- Thực sự đấy. Đấy là theo quan niệm của tôi.

Theo anh có cách nào điều hành để Hội Nhà văn thực sự có ích hơn cho cộng đồng các nhà văn và cho xã hội hay không?

- Cái này anh nên hỏi ông Hữu Thỉnh, ông Lê Văn Thảo, hoặc ông Nguyễn Trí Huân. Còn tôi, tôi thấy Ban Chấp hành cần có nhiều người hơn để đảm đang các công việc, không nên ít quá như hiện nay.

- Có người nói, có thể khoá tới anh sẽ sang công tác bên Hội Nhà văn?

- Không. Tôi sẽ làm việc chính thức ở bên Đài cho đến khi nghỉ hưu. Điều ấy đối với tôi là dứt khoát. Chính ở Đài, tôi có ích hơn cho Hội Nhà văn. BCH cũng như cơ quan Hội Nhà văn nên cần đa dạng hơn. Nhiều phong cách để phản ánh tất cả các mặt.

- Đúng các thành phần đội ngũ các nhà văn.

- Đừng có e ngại gì vì tất cả các nhà văn của mình đều rất tốt. Tôi có thể nói như vậy, họ có thể có những quan niệm khác nhau về sáng tác nhưng mà bản chất đều là những người rất yêu nước và ham sáng tạo.

- Họ có thể nóng nảy, đôi lúc có thể hơi bị thiên kiến một tí.

- Không sao. Thế mới là nhà văn, nghĩa là rất khác nhau. Nếu có mâu thuẫn gì trong văn chương cũng là điều cần cảm thông, vì nó là cái tất yếu của sự phát triển.

Có nghĩa là mâu thuẫn để sáng tạo chứ không phải mâu thuẫn để hủy hoại.

- Đúng.  Sáng tạo chứ không phải hủy hoại. Tất cả là ở chỗ đó. Và như thế, tôi nghĩ, mọi điều sẽ tốt đẹp...

Tác giả: Hồng Thanh Quang

Nguồn tin: Công An Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây