Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đời sống đô thị đang giết chết những cảm xúc trong sáng

Thứ sáu - 05/03/2010 20:25 2.629 0

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đời sống đô thị đang giết chết những cảm xúc trong sáng

Nguyễn Quang Thiều không chỉ là nhà thơ tiên phong với trào lưu hiện đại mà còn là cây viết văn xuôi giàu cảm xúc. Trong anh không chỉ có con người bay bổng, ưu tư với những phiền muộn thi ca, mà còn có một nhà báo linh hoạt và nhạy bén. Những bài viết của anh trên VietNamNet ẩn chứa nhiều thông điệp kêu gọi mỗi người hãy yêu cuộc sống của mình bằng một thái độ văn hoá.

Trong tập Người đàn bà gánh nước sông, anh đưa người đọc trở lại với lòng sông Hồng và đồng bằng Bắc bộ, vùng đất thiêng tạo ra hình hài và tâm hồn Việt. Xin anh nói thêm về những gì chưa nói hết về sông về đất về người quê anh?

Mỗi chúng ta thực sự vô cùng nhỏ bé, hữu hạn và hầu như vô nghĩa trước vũ trụ vô tận này. Câu hỏi của chị lại vô tình đẩy tôi trở về vùng đất tôi sinh ra và lớn lên. Ở đó chứa đựng những ký ức đẹp nhưng nhiều buồn bã và cô độc. Có thể nỗi buồn bã và sự cô độc ấy chỉ có ở trong tôi. Và có thể đó chỉ là một ảo giác mà tôi lầm tưởng như một hiện thực. Nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không làm sao thoát được tình trạng ấy. Cha mẹ tôi giờ đã mất nhưng tôi vẫn thường xuyên rời bỏ đô thị để trở về làng của mình. Tôi vẫn một mình sống trong đêm khuya trong ngôi nhà và khu vườn rộng đầy tiếng côn trùng. Hình như có một ai đó cầm giữ linh hồn tôi ở chốn đó. Bởi thế, đời sống đô thị chỉ là nơi tôi mưu sinh chứ không để lại cho tôi cảm xúc và những ấn tượng. Tôi thích sống một mình trong những đêm như thế. Lúc đó, ngôi nhà lại ngập tràn những câu chuyện của bà tôi, của mẹ tôi và những người hàng xóm. Có lẽ vì thế mà những gì tôi viết chẳng phải là một sự sáng tạo nào cả mà chỉ là ghi chép lại những câu chuyện cũ. Cũng vì thế mà những cuộc cãi cọ về cái gọi là thi pháp hay cách tân hay gì gì đó trong đời sống văn học tẻ nhạt và lắm điều của chúng ta chẳng để lại điều gì với tôi.

Nhịp điệu châu thổ mới, tập thơ sẽ được dịch sang tiếng Anh, in song ngữ và xuất bản vào đầu năm nay, anh nói đó là những gì mới nhất của anh. Nhưng từ “mới” với người đọc vẫn còn là thứ bí ẩn. Bây giờ là nhịp điệu thơ của những năm hai ngàn, nhịp điệu này trùng hợp và khác biệt ra sao? Hà Nội đã mở rộng ra tận quê anh rồi, bao giờ anh sẽ có những nhịp điệu đô thị?

Đời sống đô thị chỉ là nơi tôi mưu sinh chứ không để lại cho tôi cảm xúc và những ấn tượng

Nếu một người viết văn, làm thơ hay sáng tác nghệ thuật lại luôn luôn phải để ý đến dư luận để điều chỉnh những trang viết của mình thì thật là một điều bất hạnh. Với cá nhân tôi, khi tôi viết nghĩa là tôi đang hồi tưởng về một đời sống tôi đã sống. Tôi đang tự mang đến cho mình một nền tự do, một trí tưởng tượng và một giấc mơ. Cái mới với tôi là những gì tôi phát hiện trong đời sống của chính tôi, hoặc một đời sống liên quan đến tôi mà nhiều khi chính tôi tưởng đã cũ mèm. Cái mới này làm cho cá nhân tôi được mở rộng, được giàu có và được hưởng thụ. Cái mới này không liên quan đến những tranh luận sơ lược và nhiều lúc ấu trĩ về chuyện mới, cũ trong cái vỏ hình thức của những sáng tác mà chúng ta tốn phí thời gian tranh cãi.

Cái nhịp điệu mà tôi nói đến là nhịp điệu của tinh thần sống. Nhịp điệu này không phụ thuộc vào sự thay đổi của bất cứ cấu trúc xã hội nào. Có thể đến một ngày nào đó, nhịp điệu này không còn hiện hữu trong đời sống xã hội nhưng nó vẫn phải được tuôn chảy và vang lên trong sâu thẳm mỗi con người. Đời sống đô thị đang giết chết những cảm xúc trong sáng. Cái tôi của quá nhiều chúng ta đang bị biến tấu bởi tốc độ từ một phía của đời sống đô thị. Cái phía này có nguy cơ sẽ giết chết chúng ta.

Anh viết rất nhiều về nỗi đau, sự sợ hãi và cả những giấc mơ hoang tàn, anh muốn vẽ về cái chết của chính mình như thế nào và cái chết của mỗi thi sĩ sẽ ra sao?

Khi 12 tuổi, tôi đã cùng cha tôi cọ rửa hài cốt bà nội tôi trong ngày cải táng. Tình yêu và những ký ức kỳ diệu với bà nội đã làm tôi thoát khỏi nỗi sợ hãi trước một bộ hài cốt. Nhưng sau đó, quả thực tôi kinh hãi khi nghĩ đến một ngày nào đó mình chỉ là một bộ hài cốt như thế. Và tôi sợ chết vô cùng. Khi còn rất trẻ, đã có những đêm tôi mất ngủ khi nghĩ đến một ngày tôi sẽ phải chết. Nhưng cho đến bây giờ, chuyện về cái chết đã thay đổi trong tôi. Tôi đã từng viết về cái chết như một sự thay đổi lớn lao đầy tính cách mạng. Nhịp điệu châu thổ mới là tên trường ca tôi viết về cái chết của bà nội. Phải 30 năm sau cái chết của bà nội tôi mới nhận ra điều đó và mới có thể ngồi xuống và viết như thế. Khi tôi viết xong trường ca đó thì trong tâm hồn tôi xuất hiện âm nhạc của cái chết.

Khi chúng ta dựng được vẻ đẹp của một cái cây trong tâm hồn của một con người thì người đó sẽ không tàn phá những cái cây khác

Đấy là cái chết về mặt sinh học. Còn cái chết của một thi sĩ lại mang một ý nghĩa khác – cái chết của tinh thần. Cái chết này xuất hiện ngay khi nhà thơ vẫn sống như một thực thể. Cái chết này xuất hiện lúc nhà thơ không còn nhận ra những vẻ đẹp của đời sống ngay trong chính căn phòng đầy bóng tối của anh ta. Anh ta bị những hiện thực của đời sống đày đoạ và tha hoá. Một tù nhân luôn luôn mang cơn mơ về một ngày chạy trên cánh đồng rực nắng dưới một bầu trời rộng lớn sẽ đáng sống hơn một nhà thơ đã đánh mất những run rẩy của mình.

Những người đàn bà nào đã dạy cho anh bài học đau đớn? Những người đàn bà nào đem lại cho anh những vần thơ lộng lẫy?

Chắc chắn có hai người đàn bà cụ thể hơn cả là bà nội tôi và mẹ tôi. Còn những người đàn bà đi qua đời tôi có lẽ chỉ mang lại cho tôi những vẻ đẹp trong một khoảnh khắc nào đấy. Cả những người đàn bà yêu tôi và những người đàn bà rời bỏ tôi đều có ý nghĩa như nhau.

Anh từng nói: “Tôi sống được nhờ những dòng sông”, và chúng ta cũng sống được nhờ những “bước chân” trên cánh đồng của người nông dân. Sẽ có một ngày, sự biến đổi khí hậu và sức tàn phá của con người làm thay đổi đồng quê máu thịt. Là thi sĩ, anh tự vệ bằng cách nào?

Những người nông dân làm thơ làng Chùa quê tôi nói: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”. Đấy chính là vũ khí tự vệ của họ và cũng là của tôi, của mọi thi sĩ. Khi con người nhận thấy thiên nhiên có ý nghĩa cứu rỗi như thế nào đối với đời sống con người thì ngay lập tức họ trở thành một chiến binh quả cảm nhất để bảo vệ thiên nhiên ấy. Tôi vẫn viết không ngưng nghỉ về vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên bằng mọi thể loại: thơ, văn xuôi và những bài báo phản biện để bảo vệ một thiên nhiên đang bị con người đối xử hung bạo. Khi chúng ta dựng được vẻ đẹp của một cái cây trong tâm hồn của một con người thì người đó sẽ không tàn phá những cái cây khác.

Làm thơ, viết văn xuôi và vướng cả nghiệp báo, có khi nào anh cảm thấy quá sức với những gánh nặng trách nhiệm đang mang?

Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi lăm và nửa đời tôi thấy
Sau những người đàn bà gánh nước sông là lũ trẻ cởi truồng
Chạy theo mẹ và lớn lên
Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến
Con trai lại vác cần câu và cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Và cá thiêng lại quay mặt khóc
Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi...

(trích Người đàn bà gánh nước sông)

Có những lúc công việc quá nhiều và tôi mơ một ngày không phải làm gì cả, chỉ để được ngồi yên tĩnh trong khu vườn nhà mình trong tiếng gió thổi qua những tán lá, uống cà phê và lắng nghe một tiếng gì đó rất mơ hồ đang thức dậy xung quanh. Nhưng chưa bao giờ tôi tuyệt vọng vì phải làm việc cho dù công việc nhiều đến đâu. Người ta chỉ tuyệt vọng về một sự tăm tối hay lụi tàn nào đó trong đời sống tinh thần của con người mà không còn cơ hội cứu chữa. Nhưng có những lúc tôi thấy mọi công việc thật phù phiếm. Và không ít lần tôi tự hỏi mình làm việc như một kẻ điên như thế để làm gì? Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn trở về cánh đồng ấu thơ của mình và đi mãi. Và trên cánh đồng chứa đầy ký ức như một mùa vàng bội thu, tôi chẳng phải âu lo, chẳng phải chen chúc, chẳng phải nói dối, chẳng còn trách nhiệm, chẳng bị đe doạ… Thế nhưng tôi vẫn chưa làm được điều đó. Đấy chính là số phận và sự tự đày đoạ của con người.

Anh sẽ chọn điều mới mẻ gì ở cuộc đời mình sau gần nửa đời trải nghiệm?

Mọi điều mới mẻ luôn luôn ở bên cạnh chúng ta. Tôi không thể nói tôi sẽ chọn một điều mới mẻ nào cụ thể. Bởi những điều mới mẻ luôn luôn là những bí ẩn của đời sống. Chỉ biết rằng tôi sẽ cố gắng rời bỏ những phù phiếm nào đó vẫn còn ngự trị trong con người mình. Và khi chúng ta rời bỏ một điều phù phiếm thì ngay lập tức có một điều mới mẻ ùa vào nơi chốn điều phù phiếm kia vừa rời bỏ. Chúng ta và trong đó có tôi đã bị cuốn vào một cuộc sống đầy sự hão huyền và thói ngạo mạn ngớ ngẩn nhưng cũng đầy tức tối và tự ti, bởi quá nhiều điều phù phiếm ngay trong cả những bài thơ, những truyện ngắn hay những tiểu thuyết của mình.

Niềm vui riêng nào làm anh có thể hét lên ngay lúc này?

Câu được một con cá to ở hồ nước.

Và điều gì làm anh khó chịu nhất, ngày hôm nay?

Tắc đường.

thực hiện Ngân Hà
Nguồn: SGTT
chân dung hội hoạ Hoàng Tường

Nhà thơ Nguyễn Duy:

Nhà thơ Mai Văn Phấn:

Nhà thơ Inrasara:

Nhà thơ Nguyễn Duy:

“Nguyễn Quang Thiều là một tác giả đa tài, sáng tác thơ, văn xuôi, làm báo và anh từng cùng làm với tôi ở báo Văn Nghệ, thuở đó tôi còn thấy anh vẽ tranh. Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là Nguyễn Quang Thiều thi sĩ – một thi sĩ nổi bật trong làng thơ đương đại Việt Nam.

Thơ Thiều hoà hợp được một cách nhuần nhuyễn hơi thở của đồng quê Việt Nam trong bút pháp mới mẻ của thơ ca thế giới hiện đại. Thơ anh giàu có về cảm xúc, biến ảo về ngôn ngữ, gợi mở trí tưởng tượng phong phú đến bất ngờ. Theo tôi thơ Nguyễn Quang Thiều có ảnh hưởng khá rõ đến các nhà thơ trẻ Việt Nam, nhất là cái cách viết mới trong thơ trẻ hiện nay và đó là một thành công về mặt nghệ thuật mà không phải tài năng nào cũng có được”.

Nhà thơ Mai Văn Phấn:

“Nguyễn Quang Thiều đã hoàn thành sứ mệnh của thi sĩ tiên phong trong thời đại thi ca còn dày đặc sương mù. Tập thơ Sự mất ngủ của lửa (NXB Lao Động, 1992) là cánh cửa để Nguyễn Quang Thiều ra đi. Ông đã đem đến cho thơ Việt một cấu trúc thơ mới lạ, những hình ảnh rời, xa nhau trong những kết dính mờ nhạt, tinh thần phản tỉnh mãnh liệt làm đổ vỡ những trật tự cũ, tường minh từng góc sâu tăm tối trong ký ức mỗi người, tạo những góc nhìn tỉnh táo, sắc lạnh vào đời sống hiện thực.

Nếu ở Sự mất ngủ của lửa ta dễ nhận ra luồng sáng thanh khiết chụp lên người nhắm mắt toạ thiền, thì đến Cây ánh sáng (NXB Hội Nhà Văn 2009), tập thơ mới nhất của Nguyễn Quang Thiều, lại thấy ánh sáng lan toả ra mọi nơi, những bước đi trầm tĩnh của người “thiền động”. Cây ánh sáng dễ hiểu hơn những tập thơ trước, nhưng cũng khó đọc hơn, bởi không phải ai cũng dễ nhận ra nguồn năng lượng vô hình từ con người thơ này”.

Nhà thơ Inrasara:

“Nhà thơ vừa xuất hiện đã tìm thấy giọng thơ riêng, là điều hiếm. Hiếm hơn nữa, khi giọng thơ đó có sức lan toả khá rộng. Với thế hệ đi sau ở miền Bắc, thơ Nguyễn Quang Thiều làm nên sự thể ấy. Có được giọng thơ, Thiều làm trương nở tối đa nó. Ở hầu hết mọi tập thơ anh. Và không gì khác”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây