Trăng nghẹn - Chẳng lẽ cứ nghẹn hoài?

Thứ ba - 16/03/2010 08:13 2.008 0

Trăng nghẹn - Chẳng lẽ cứ nghẹn hoài?

Gần một tháng qua, dư luận và cả công luận xôn xao về một “vụ” thời sự văn học vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó là bài thơ “Trăng nghẹn” đoạt Giải nhất cuộc Thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ IV – 2009, do Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ đăng cai tổ chức. Dù Ban tổ chức chưa chính thức công bố trao giải, nhưng bài thơ “Trăng nghẹn” và toàn bộ giải thơ (1giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích) đã đến với bạn đọc gần xa. Điều đó cũng là lẽ dĩ nhiên của thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Cuộc thi thơ được phát động từ ngày 1- 2- 2009 đến hết ngày 31- 10- 2009, đã nhận được 915 bài của 255 tác giả 13 tinh, thành khu vực ĐBSCL gửi dự thi. Sau vòng Sơ khảo đã chọn được 60 bài loại Khá để đưa vào vòng chấm Chung khảo. Ban Chung khảo gồm: Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Trưởng ban; nhà thơ Trịnh Bửu Hoài và nhà thơ Đinh Thị Thu Vân là thành viên. 

Chưa đủ cơ sở để nhận định, đánh giá cuộc thi được tổ chức như thế nào? Ban tổ chức và Ban giám khảo có thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm? Có thực sự khách quan và “chuẩn mực” hay không? Việc chọn và quyết định giải thưởng cho từng tác giả, tác phẩm đã chính xác chưa, có chu tất hay quá vội vàng? Trước hết, chỉ xin có mấy cảm nhận về bài thơ “Trăng nghẹn” đã được Ban tổ chức chọn để trao Giải nhất cuộc thi.

Xin miễn trích đăng tòan bộ bài thơ “Trăng nghẹn” trong bài biết này. Vì đến nay, cư dân mạng và bạn đọc báo quan tâm đến thời sự văn học đã có nguyên tác cả rồi. Với cảm nhận riêng, đọc xong bài thơ “Trăng nghẹn” có gì bùi ngùi, gợi sâu tâm tưởng, cân nhắc suy tư và thương cho cảnh đời cùng những biến trải của “cái tôi” trong bài thơ: "Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang/ Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp/ Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác/ Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai". Đối với tác giả, hình như sống thật quá, chân chất quê mùa quá, không thể dối lừa ai, nên cuộc đời cứ bị khốn khó, băng bật giữa vùng quê chưa thoát nghèo. Thế thì những người sống thật thà, chất phác đều bị rơi vào cảnh đói nghèo cả hay sao? Có biết bao tỉ phú cả nhà nông và doanh nhân, tư thương không cần lừa dối ai, làm ăn đàng hoàng vẫn vươn giàu sang. Phải chăng đó chỉ là một nổi trắc ẩn nội tâm mà người viết muốn tỏ niềm tâm sự qua bài thơ. Với một tác phẩm văn học, thơ – trước hết là tiếng lòng, là tâm sự của tác giả bộc lộ nội tâm qua cấu tứ, ngôn từ của bài thơ. Trong chuyện này, có lẽ ít có ai chẻ nhỏ câu chữ hoặc nâng “chủ đề tư tưởng” một cách khô cứng, nếp cũ để bắt bẻ tác giả. Toàn bài thơ là sự tự thuật một cảnh đời rất thực, cảnh đời nhiều biến trải và đầy suy tư của “cái tôi” trong tác phẩm. Đó là sự xâu chuỗi, xuyên suốt gần như suốt cuộc đời. Nhưng thời điểm nào thì tác giả không viết ra, không ám chỉ. Chỉ là một quãng đời với không gian, thời gian rất chung chung: "Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa/ Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn"... Sinh ra vào đêm rằm nhưng lại là đêm mưa gió, thiếu “vầng trăng viên mãn”, lại ở thời điểm chiến tranh, vườn hoang, nhà trống, phải tản cư để bảo toàn tính mạng. Thế thì đúng là khổ từ khi mới lọt lòng. Vì sinh ra đêm rằm mưa gió, tác giả mơ và hẹn với cùng “vầng trăng viên mãn”. Và cái sự hẹn hò, mơ ước, hy vọng ấy cứ theo suốt cuộc đời, từ quê nghèo theo lên cả thành thị. Nhưng, cho đến bây giờ, với tác giả, đổi đời không đễ, “vầng trăng viên mãn” ấy vẫn xa lắc tận đẩu tận đâu:  "Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn/  Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ/ Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ/ Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê".

Tác giả Hoài Tường Phong quê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) nay thường trú tại số nhà 94A/17, đường Trần Quang Diệu, phường An Thới (Bình Thủy, Cần Thơ). Học tới đệ nhị, tương đương lớp 11 bây giờ, ông tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, bị bắt bỏ tù hơn một năm. Ra tù, ông lên Sài Gòn kiếm sống. Thấy làm ăn ở Sài Gòn khó khăn, ông đưa vợ con về thành phố Cần Thơ. Nghề làm răng giả chỉ đủ sống tằn tiện qua ngày. Vợ ông bán ăn uống ở chợ. Ba đứa con thì hai lớn đã ra riêng, còn con gái út ở chung cùng buôn bán lặt vặt. Bài thơ như sự kể lại riêng tư đời thường của tác giả. Thực tế trong cuộc sống có nhiều cảnh đời còn bi đát, khổ đau, thất vọng hơn thế nhiều.

Điều gây ra những cảm nhận (kể cả phản cảm), đánh giá, bình phẩm khác nhau là sự liên tưởng, gắn kết tác phẩm với thực tại một vùng đồng bằng có nhiều tiềm năng, vựa lúa, vựa thủy sản và trái cây của cả nước. Đã 35 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thông nhất đất nước, đã hơn 20 năm cả nước dồn sức cho sự nghiệp đổi mới, khách quan nhìn nhận thì vùng ĐBSCL đã nhiều đổi thay. Biết bao nhiêu tiền vốn của Nhà nước, biết bao chủ trương, chính sách, biết bao công sức của các nhà khoa học, nhà kinh tế và toàn Đảng, toàn dân đã đem lại hiệu quả diện mạo mới cho vùng đất giàu tiềm năng nhưng nghèo khó kéo dài này. Bây giờ, về vùng ĐBSCL người ta thấy nhiều đổi thay lớn: Những nhịp cầu và tuyến đường cao tốc mở ra; điện, đường, trường, trạm là “bốn cái khó” nay đã nhiều khởi sắc. Đô thị hóa và công nghiệp hóa đang tạo những cơ sở đổi đời cho người dân vùng đất này.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa biến bài thơ, một tác phẩm văn học trở thành bản báo cáo thành tích, có mặt mạnh, có mặt yếu. Càng không nên đòi hỏi bài thơ là bức tranh tổng quát đầy đủ một vùng đất đang được cả nước kỳ vọng, quan tâm. Nhìn nhận “Trăng nghẹn” là một bài thơ, phân tích nó theo cảm xúc mang tính văn học, không nên mong như một bài phản ảnh kinh tế - xã hội. Có lẽ từ suy tư ấy, tác giả đã buông được câu: "Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi". Cái từ “chút” trong câu thơ này phải chăng tác giả đã có sự thận trọng cân nhắc? Thì suy cho cùng, ai mà không ngậm ngùi trước những mặt chưa hoàn mỹ của cuộc sống, trước những thực trạng tồn tại, yếu kém còn kéo dài. Đó là thực trạng nghèo khó của người nông dân chưa thực sự được đổi đời, thực trạng những cô gái bỏ quê đi kiếm sống nơi này, xứ kia, thực trạng như là làn sóng những gái quê đất Việt lấy chồng Đài Loan, nói chung là lấy chồng ngoại quốc để mong đổi đời. Đúng thế! Lãnh đạo và mọi người dân ai cũng trăn trở, suy tư về những “góc khuất’, những mảng màu chưa sáng đẹp ấy. Nhưng chuyển tải được tất cả những điều đó cũng khó gói gọn trong một bài thơ. Như nhà thơ Lê Chí, Trưởng Liên chi Hội Nhà văn Việt Nam tại khu vực ĐBSCL, trong một bài viết gần đây đăng trên website Văn nghệ sông Cửu Long có nhận định là bài thơ chưa hay, nhưng có những chi tiết diễn tả nội tâm cảm động, tuy nhiên tác giả đã “cắt lát” quá sâu vào những mặt còn yếu kém ở vùng này, dễ gây tâm lý phản cảm về một cách nhìn u ám trong cuộc sống.

Bài thơ “Trăng nghẹn”, như trên đã nêu, trước hết là tiếng lòng. Bình phẩm, khen, chê, mổ xẻ một tác phẩm văn học là quyền của người thưởng thức, không thể “bắt” ai cũng giống ai. Trước hết, “Trăng nghẹn” là bài thơ từ nội tâm của một nỗi lòng, trải ra để bạn đọc cảm thông, chia sẻ và suy ngẫm về cuộc đời, về bối cảnh sống, mục đích sống. Nhìn toàn bài thơ, giá trị nghệ thuật chưa cao, thi pháp chưa được nhuyễn, tính nghệ thuật còn “non tay”, còn nhiều điểm chưa thỏa mãn người đọc về cấu tứ, ngôn từ, bút pháp. Thơ đứng được bởi tứ. Tứ thơ là cái thần của bài thơ. Đọc bài thơ cũng thấy tứ thơ không rõ, ít hình tượng, thiếu tập trung, các khổ thơ rời rạc, diễn đạt dàn trải (Những điểm này chắc Ban giám khảo cũng nhận ra). Nếu như tác giả chỉ dừng ở tiếng lòng, ở cảnh đời riêng, tình riêng của mình, đừng kéo cả ĐBSCL vào, thì có lẽ bài thơ không đến nỗi gây phản cảm mạnh đến thế. Nhưng, có lẽ tác giả không đến mức có “ý xấu” khi đưa bài thơ này dự thi.

Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi đã có biên bản phân tích đánh giá, quyết định giải. Vì thế, xem ra không nên để cho bạn đọc chờ đợi quyết định dứt khoát của Ban tổ chức cuộc thi. Trăng nghẹn - chẳng lẽ cứ để  “vầng trăng nghẹn hoài”?

Tác giả: Bùi Văn Bồng

Nguồn tin: vannghesongcuulong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây