Nhà văn Thy Ngọc qua đời

Thứ hai - 24/12/2012 02:07 5.864 0
Sau một thời gian lâm trọng bệnh, do tuổi cao, sức yếu, nhà văn nổi tiếng viết cho thiếu nhi qua đời ở tuổi 88.

Thy Ngọc qua đời vào 12h20 ngày 23/12 (tức ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Thìn). Ông tên thật là Nguyễn Ngọc (còn có bút danh khác là Thy Thy Tống Ngọc), sinh ngày 4/10/1925 tại Cửa Ông, Quảng Ninh. Thy Ngọc nguyên là cán bộ Nhà xuất bản Kim Đồng (1957-1987) và là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Linh cữu nhà văn được quàn tại Nhà tang lễ thành phố, 125 Phùng Hưng, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7h30 đến 9h ngày 25/12. Sau đó, di hài ông được đưa đi hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Nghĩa trang Văn Điển).

2-jpg-1356322993-1356323128_500x0.jpg
Nhà văn Thy Ngọc.

Thy Ngọc là cây bút dành trọn cả cuộc đời để sáng tác cho thiếu nhi Việt Nam. Ông tham gia viết văn viết báo khá sớm, từ thời mặt trận Việt Minh ở Hải Phòng (báo Dân Chủ). Năm 1950, ông làm Bí thư Hội Văn hóa Kháng chiến tỉnh Thái Bình. Từ 1955 đến 1957, ông làm giảng viên môn văn - họa ở Hà Nội. Từ 1957 đến 1987, ông làm cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Kim Ðồng, sau đó cộng tác thường xuyên với báo Khăn Quàng Đỏ (TP HCM) từ 1987 đến 2001 qua các vai trò: trợ lý thư ký tòa soạn, phó quản đốc xưởng in, pụ trách phòng tư liệu...

Tác phẩm đầu tiên được xuất bản của Thy Ngọc là cuốn truyện viết cho thiếu nhi Vỡ đê (1943, do nhà xuất bản Cộng lực ở Hà Nội). Lớp học của anh bồ câu trắng, tái bản, NXB Kim Đồng 2012 là tác phẩm được in gần nhất của ông..

1-jpg-1356323016-1356323128_500x0.jpg
Thy Ngọc luôn muốn là người bạn của thiếu nhi qua trang viết của ông.

Cuối năm 1942, khi Thy Ngọc mới 17 tuổi, đang học Thành Chung thì được tin NXB Cộng Lực, Hà Nội sẽ in cho ông một tập truyện đầu tay là Vỡ Đê. Đầu năm 1943 sách phát hành. Khi đến NXB lĩnh nhuận bút, Thy Ngọc được dịp gặp gỡ Nam Cao. Nam Cao dành cho ông lời khuyên: “Anh nên viết về những người nghèo”. Lời của một nhà văn tên tuổi như Nam Cao không chỉ là sự khích lệ lớn, mà còn định hướng cho Thy Ngọc cầm bút.

Năm 1944 NXB Tam Kỳ in cuốn truyện thiếu nhi thứ hai của ông  là Hai lần thoát xác, nhân vật là con bọ dừa. "Thú thực, mình là học sinh, viết rồi được in thì nó gây cho mình men say, khiến mình yêu nghề chứ cũng không nghĩ mình sẽ là nhà văn đâu. Nhưng sau này khi đã về công tác tại NXB Kim Đồng, tôi thấy viết cho thiếu nhi là nghề phù hợp với mình", Thy Ngọc chia sẻ trong một lần trò chuyện với báo chí.

Thy Ngọc từng nhận các giải thưởng văn học như: Giải thưởng loại A về truyện và thơ cho lứa tuổi nhi đồng do ủy ban Thiếu niên nhi đồng Việt Nam tặng (1969). Bằng khen của Bộ Giáo dục vì "Ðã có nhiều sáng tác tốt phục vụ sự nghiệp giáo dục thiếu nhi" (1987).

Với 88 tuổi đời, nhà văn đã có tròn 70 năm chuyên sáng tác cho trẻ em. Ngoài viết văn, làm thơ, ông còn làm bìa, vẽ minh họa cho gần 300 cuốn sách Kim Đồng. Các tác phẩm của ông được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. Tác phẩm Lớp học của anh bồ câu trắng hiện được Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể thành 8 tập phim hoạt hình.

Nhà văn luôn quan niệm, viết cho thiếu nhi trước hết phải có tính giáo dục, song lại phải giản dị mà vẫn hấp dẫn. Trong ba danh xưng: nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, Thy Ngọc luôn mong được gọi với cái tên thân thương: "Người bạn của trẻ em".
 

Tác phẩm chính của Thy Ngọc:

Tuổi ngây thơ (truyện, 1943)

Hai lần thoát xác (truyện, 1944)

- Cu Tý (truyện, 1954)

Khúc ca thơ ấu (thơ, 1954)

Lớp học của anh Bồ Câu Trắng (truyện, 1957)

Tiếng hát chim non (thơ, 1962)

Cô bé mê truyện (truyện, 1963)

Chiếc nhãn vở in tay (truyện, 1969)

Tên lửa bút chì (thơ, 1972)

Ðôi cánh của ngựa trắng (truyện, 1976)

Bài ca trong hẻm (truyện, 1986)

Có một khoảng trời (truyện, 1991)

Thơ tặng cháu (thơ, 1994)

Trang viết tuổi thơ (tuyển tập, 1995).

Học dưới trời xanh (thơ, 1995)

Chuyện trò với cháu (thơ, 2007)

Nhà không người lớn (2005)

Trăm tay ngàn mắt (2008)

Lời hứa với ngày mai (2009)

Tác giả: Thất Sơn

Nguồn tin: VN Express

 Từ khóa: thy ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây