Người đọc từng biết đến một Nguyễn Vĩnh Nguyên nhạy cảm và ma mị trong từng câu chữ với hai tập truyện Khu vườn lưu lạc và Năm mười mười lăm hai mươi hay một Nguyễn Vĩnh Nguyên gai góc trong các trang viết khác. Với tập tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa ra mắt, độc giả sẽ biết thêm một Nguyễn Vĩnh Nguyên luôn tìm kiếm thể nghiệm đa dạng trong con đường viết lách.
Tập tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên khá mỏng, với gần 30 bài viết. Trong đó, ở mỗi bài, tác giả chọn lựa điểm nhìn, phương pháp khảo sát, kiến giải về tâm tính của người Việt Nam đương đại thông qua quan niệm, cách thức sử dụng, thói quen hành xử với những đồ vật quen thuộc thường ngày. Những vật dụng như: cái tăm xỉa răng đến thanh bookmark, từ cái tivi đến xe máy, từ chén nước mắm trên mâm cơm đến vườn tược, nhà cửa... đều trở thành những điểm “mã hóa” câu chuyện về lịch sử, văn hóa, tâm thức, tập tính con người qua góc nhìn của Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Bìa tập tản văn mới của Nguyễn Vĩnh Nguyên. |
Đối với các hiện tượng xã hội (nhạc chế, sự lạc quan hão, cà phê cóc vỉa hè…), Nguyễn Vĩnh Nguyên lại thể hiện thái độ bao dung, tự tại, đôi khi với giọng điệu đầy hài hước, truyền tải được những dữ liệu cho thấy sự tồn tại phi - lý - đương - nhiên của chúng trong đời sống. Tác giả muốn gửi gắm vào trang viết của mình tinh thần trào lộng. Tinh thần ấy đôi khi không tránh khỏi những dẫn dắt cực đoan nhưng có thể là sự gợi mở nhiều khám phá.
Ấn phẩm này cũng là cuốn sách đánh dấu giai đoạn đầu trong "dự án riêng” của Nguyễn Vĩnh Nguyên là thực hiện 100 tản văn, tiểu luận về tâm tính người Việt đương đại khảo sát xuyên qua thế giới những đồ vật quen thuộc hàng ngày.
Khi đọc xong tập sách này, dịch giả Lâm Vũ Thảo nhận xét: đây là "Tản văn của một người đọc sách". "...Trong 25 bài tản văn trong tập, gần như bài nào Nguyên cũng trích dẫn một cuốn sách nào đó - cho dù đó là khi Nguyên khảo sát cái “tư duy mặt bằng” của người Việt, hay khi anh bình luận truyền thống cà phê quán cóc của dân Sài thành, hay làm một cuộc trò chuyện trên yên xe máy. Các trích dẫn ấy, với một liều lượng vừa phải: không quá nhiều đến nỗi làm bạn đọc hoa mắt, không quá ít để có thể bị rơi vào cảnh vô tình mượn ý người khác, đã mang đến cho tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên một chút riêng. Chút riêng ấy, thiết nghĩ, là điều quan trọng, nhất là trong thời đại mà hầu như ai cũng có thể viết “tản văn” dưới dạng note trên Facebook hoặc entry trên blog", Lâm Vũ Thảo chia sẻ cảm nhận.
Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979, hiện sống và sáng tác tại Sài Gòn.
Tác giả: Bạch Tiên
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc