Khác với những năm trước, Ngày thơ Việt Nam năm nay ở TPHCM không tập trung vào một địa điểm mà chia ra tổ chức cùng lúc tại Cung Văn hóa Lao động và Nhà văn hóa Thanh niên. Mỗi nơi dành cho những đối tượng yêu thơ ở những lứa tuổi khác nhau nhưng ở cả hai nơi đều có chung một chủ đề là tình yêu quê hương đất nước.
Đất nước vào xuân
Là tên của chương trình ngày thơ tại Cung Văn hóa Lao động, nơi tập hợp 12 CLB thơ của TPHCM. Khác với ngày thơ Hà Nội thường mạnh thơ trẻ, ngày thơ TPHCM hàng năm lại là nơi ghi đậm dấu ấn của các CLB thơ quận huyện, trường ĐH với các lều thơ, sạp thơ, quán thơ… mời bạn yêu thơ ghé dừng chân đọc thơ, bình thơ.
Đặc biệt, các CLB thơ quận huyện đã gây bất ngờ khi tổ chức những cuộc trình diễn thơ với quy mô lớn trên sân khấu, thậm chí còn tái hiện lại một phần hình ảnh chợ Đồng Xuân vào những ngày xưa. Có đơn vị còn mời cả nghệ sĩ chuyên nghiệp trong các thể loại như chèo, cải lương, ca nhạc… để cùng biểu diễn gây ấn tượng mạnh với người xem thơ. Chính vì thế, năm nay bạn thơ lại trông chờ các CLB sẽ tiếp tục gây bất ngờ trong ngày thơ.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết, khuôn viên Cung Văn hóa Lao động không phải là nơi xa lạ với thơ, đây là nơi đã từng nhiều lần tổ chức ngày thơ trước đây. Năm nay, toàn bộ phần đường phía trước sẽ là nơi để các CLB mở các quán thơ. Phối hợp với các cây xanh lớn của khu vực này, đường thơ ở đây sẽ giúp bạn thơ tránh được cái nắng gay gắt của TP mùa này. Phần sân khấu hóa thơ, trình diễn thơ sẽ được tổ chức tại sân khấu chính của Cung Văn hóa Lao động.
Đây là một ưu thế so với ngày thơ các năm trước thường được tổ chức ngoài trời, rất khó khăn khi xây dựng sân khấu. Ngày thơ còn được tổ chức trùng với chương trình “Giai điệu thứ 7” dự kiến sẽ đem lại sự đa dạng cho khán giả đến với ngày thơ khi thơ sẽ được biểu diễn xen kẽ với âm nhạc đầu xuân.
Bám sát chủ đề của ngày thơ, các đơn vị tham dự đều tập trung tuyển lựa những bài thơ nói về tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt là vấn đề chủ quyền, từ đất liền đến biển đảo. Các CLB thơ quận huyện có ưu thế nhiều tác giả là các cựu chiến binh, nhà giáo, nhà nghiên cứu… nên thơ giới thiệu, trưng bày thường mang phong cách truyền thống, đậm chất riêng, chiêm nghiệm, suy tư và hồi niệm.
Tuổi trẻ với Tổ quốc
Được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên, là sự liên kết với Thành đoàn TPHCM, phần còn lại trong ngày thơ tập trung hướng đến thế hệ trẻ với chương trình có nhan đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc”. Theo nhà thơ Phan Hoàng, Trưởng ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP thì mục tiêu của chương trình nhằm tôn vinh những giá trị thơ bám sát với đời sống thực tại của thành phố, đất nước, đề cao trách nhiệm của tuổi trẻ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thông qua những bài thơ tiêu biểu có giá trị nghệ thuật cao của lực lượng thơ trẻ thành phố.
Đến với người trẻ không gì bằng người trẻ, trẻ không chỉ ở tuổi đời mà còn ở sáng tác. Tuy nhiên, khác với bên Cung Văn hóa Lao động duy trì hoạt động liên tục với các gian thơ, chương trình ở Nhà văn hóa Thanh niên chỉ chính thức bắt đầu vào 19 giờ tối ngày 23-2. Đến với chương trình, bạn trẻ sẽ có dịp gặp gỡ các nhà thơ quen thuộc như nhà thơ Phạm Sỹ Sáu với tác phẩm Viết ở Cao Bằng đầy trăn trở, nhà thơ Phan Hoàng có Tiếng hát trên đảo Sơn Ca, Nguyễn Công Bình (tặng thưởng thơ của Hội Nhà văn TP năm 2012) day dứt Mẹ ơi, Tổ quốc, nhạc phổ từ các bài thơ về biển đảo của nhà thơ Lê Tú Lệ, ngoài ra còn có nhiều nhà thơ khác như Trương Nam Hương, Huỳnh Dũng Nhân, Trúc Thuyên, Trương Chính Tâm…
Đêm thơ dành nhiều thời gian cho các nhà thơ trẻ, nhất là những cây bút có các sáng tác về biển đảo, quê hương. Mở đầu sẽ là nhà thơ nữ Trần Mai Hường, người trong năm 2012 đã cùng đoàn văn nghệ sĩ TPHCM thăm Trường Sa. Hoa sóng, tác phẩm đem đến ngày thơ của Trần Mai Hường cũng khá đặc biệt, dành riêng tặng vợ của những chiến sĩ nhà giàn đã hy sinh trên thềm lục địa.
Đến với ngày thơ, các bạn trẻ yêu thơ sẽ có dịp giao lưu với một số nhà thơ trẻ tiêu biểu của TPHCM hiện nay như Trần Lê Sơn Ý, Phùng Hiệu, Trần Huy Minh Phương, Nguyễn Phong Việt… Không chỉ nghe thơ, các bạn trẻ còn có dịp trao đổi về kinh nghiệm làm thơ, cách đọc thơ, hiểu thơ…
Là một sự kiện văn hóa quy mô cả nước, lại có chủ đề tập trung nhiều vào giới trẻ, ngày thơ tại TPHCM được mong chờ sẽ là một sự kiện văn hóa đặc sắc, góp phần đưa thơ đến với tuổi trẻ, đưa tuổi trẻ qua thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm của người trẻ trong những vấn đề trọng đại của dân tộc.
Tác giả: Tường Vy
Nguồn tin: SGGP
Ý kiến bạn đọc