Trời hôm ấy, thơ hôm nay

Chủ nhật - 03/03/2013 09:48 2.560 0
Một tập thơ bán hết 10.000 bản trong 50 ngày, một tập sách giễu nhại chuyện giáo dục bán hết 2.000 bản trong hai tuần đang là sự kiện của giới đọc trẻ tuổi. Đằng sau bề nổi của sự kiện này, xin giới thiệu những bước đi, tâm sự và công việc bình thường của hai tác giả.
Nhà thơ Phan An - Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà thơ Phan An - Ảnh nhân vật cung cấp
“Vui là vui gượng kẻo là”

Có một chút giễu nhại thường trực trong cách nói của Phan An mỗi khi bù khú với bạn bè. Ấy là lúc anh ta sống thật với mình, ăn nói tự nhiên, và những va đập với cuộc đời cũng được phản ứng tự nhiên trong những lúc trà dư tửu hậu với người thân.

Nhưng, Phan An vẫn cho rằng tự nhiên nhất là lúc mình viết. Chẳng thế mà trong quyển sách đầu tiên (Quẩn quanh trong tổ), anh đã kêu gọi mọi người “bớt bớt chửi nếu đọc thấy những gì không thích”, chẳng qua là anh ta đã viết rất tự nhiên với những suy nghĩ và khả năng diễn đạt thực tế của mình. Và đến quyển sách thứ hai, Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, thì cách giễu nhại đã trở thành liệu pháp cân bằng cho những vấn đề đau xót và bức xúc mà anh đề cập trong toàn bộ 213 trang sách.

Có nhiều người thấy sách Phan An bán được (ừ thì cứ cho là thế với 2.000 bản bán hết trong hai tuần) bèn nghĩ là anh ta nổi tiếng từ khi làm trang Lá Cải (lacai.org) - một trang web điểm báo nhằm giễu nhại tính lá cải trên báo chí Việt Nam. Trang này thì nhiều người biết, nhưng chính Phan An thú thật là người ta biết Lá Cải, chứ chẳng mấy người tìm biết chủ trang Lá Cải làm gì.

Tất nhiên là anh có một cộng đồng bạn bè cộng gộp với fans trên mạng, điều buồn cười là khi đặt vấn đề này, Phan An hồn nhiên ngơ ngác: tôi chẳng biết họ ở đâu ra. Ừ, họ ở đâu ra? Có lẽ mạng Internet và thời gian sống trong môi trường mạng khiến người ta kết bạn dễ hơn ở môi trường  - địa lý xã hội truyền thống. Và mặc dù Phan An không biết những người hâm mộ mình “từ đâu ra” nhưng anh biết rất rõ cộng đồng này đã tăng từ 1.000 người khi anh xuất bản quyển sách thứ nhất lên 1.500 người sau khi anh phát hành quyển sách thứ hai.

Đừng vội nghĩ Phan An khéo léo nắm bắt các mối quan tâm, sở thích đọc nói chung của những bạn đọc tiềm năng, rồi viết sách thật đúng khớp với thị hiếu của họ. Thật ra Phan An viết toàn những thứ khó nhằn. Các mẩu vụn vặt cay đắng tuổi thiếu thời ở vùng quê của anh. Những chuyện bức xúc của môi trường đại học, hay nói như một nhà báo, chuyện giới trẻ bị vây quanh bởi một hệ thống giáo dục tồn tại quá nhiều gian dối… Viết như thế nào để người ta đọc. Con số 2.000 bản bán trong hai tuần là chuyện nhiều người thấy, nhưng cũng nên thấy Phan An tìm cách chuyển tải cái nỗi khổ của học sinh trong trường phổ thông bị nhồi nhét các loại hình ảnh lên gân kiểu đất nước ta rừng vàng biển bạc, ta sắp vươn lên dẫn đầu thế giới… bằng câu chuyện thằng bạn tên Phan và câu nói bất hủ trong giờ địa lý: “Răng nghèo mà dóc kinh rứa hỉ”. Mọi người theo dõi diễn biến những tình tiết câu chuyện như thế lắm khi bật cười, và cũng lắm khi quên là tác giả đã kỳ công kéo những vấn đề nghiêm trọng vào khuôn khổ của cách trình bày hài hước.

Điều đó hóa ra lại chẳng ăn nhập gì với công việc hằng ngày mà anh ta phải đối diện ngay từ khi mở mắt ra: chỉ huy một đội ngũ lập trình (coder) với chức danh giám đốc kỹ thuật của một công ty thuộc lĩnh vực quảng cáo. Phan An diễn đạt vắn tắt công việc của mình: “Tất cả những vấn đề kỹ thuật dẫn đến việc làm ra sản phẩm là liên quan đến tôi”. Cho nên mỗi ngày anh phải lên công ty, theo dõi tiến trình các dự án, họp phân chia công việc cho các nhân viên, hò hét đốc thúc, góp ý chỉnh sửa và… nếu có rảnh thì thức khuya tự làm mấy dự án riêng. Nói vậy nhưng vẫn nhiều áp lực, đó là các yêu cầu đến từ phía khách hàng và bộ phận nhân viên làm việc với khách hàng. “Có những yêu cầu rất phức tạp và nhiệm vụ của kỹ thuật là kiểu gì cũng phải tìm ra giải pháp để thỏa mãn”, Phan An cho rằng chính điều đó ngốn mất thời gian của anh.

Còn sách là một không gian khác. Có người đọc Trời hôm ấy không có gì đặc biệt xong, lên Facebook viết: “Đọc một quyển sách mà lúc rớt nước mắt, lúc lại bật cười, xong thì đi mua thêm mấy quyển tặng anh em đây”. Anh coi đó là niềm vui. Có người đọc xong bảo: ơ, anh viết truyện thiếu nhi à, anh viết vui nhộn à, sao không buồn buồn như cái Quẩn quanh trong tổ nhỉ, thì Phan An cũng lấy đó làm vui. Và vui nhất là đang khi nói chuyện, An nhớ ra và bảo: bên Sài Gòn Media vừa báo trong tuần này có sách tái bản rồi đó, vui không.

Nhà thơ cũng phải biết… bán thơ

Khi giới truyền thông xôn xao với tin sốt dẻo: 10.000 tập thơ bán hết trong 50 ngày, tác giả Phong Việt vẫn tỉnh queo: “Chưa đâu, tôi còn đang làm 500 bản đặc biệt cho tập Đi qua thương nhớ này nữa”.

Thừa nhận mình rất lý trí, nhà báo Phong Việt cho rằng cả quãng thời gian 10 năm làm Mực Tím và hai năm làm báo điện tử Xzone đều có ảnh hưởng đến thơ anh. “Đó là một bước ngoặt hoàn toàn khác thuở ở quê nhà Tuy Hòa, đọc Mực Tím và làm thơ kiểu học trò” - anh nói về thơ của mình trong loạt tuyển in thành tập Đi qua thương nhớchính là sản phẩm của những tháng năm làm báo, cọ xát nhiều, yêu thương và chiêm nghiệm, cảm xúc và khô lạnh… tất cả được bản năng của nghề báo và tâm hồn thơ làm nên tác phẩm. “Có lẽ, mọi người chia sẻ được với thơ tôi là vì khi viết tôi gọi tên được cảm xúc của mình. Chỉ gọi đúng tên thôi, không cố tình làm cho cảm xúc trở nên lộng lẫy hơn hay bi kịch hóa. Nếu chân thật với cảm xúc của mình mà lại chia sẻ được với nhiều người thì thật là vui”.


Nhà thơ Nguyễn Phong Việt - Ảnh: tmc2

Dường như Phong Việt chủ động trong mọi thứ có thể. Anh cho biết 95% thơ trong tập Đi qua thương nhớ đã được đưa dần lên mạng từ năm năm trước. “Có thể nói mọi tương tác cùng bạn đọc đã hình thành từ trước” - anh khẳng định. Tiếp đó, anh thuyết phục Công ty Phương Đông - một đơn vị làm sách tư nhân - nhận in bản thảo thơ trong thời buổi cơm cao gạo kém này. Sau đó, bằng kinh nghiệm bán hàng qua mạng của vợ - nhà thơ Thanh Xuân - cộng với khả năng làm sự kiện của mình, đôi vợ chồng nhà thơ tạo chú ý về tập Đi qua thương nhớ bắt đầu từ trên mạng.

“Thật ra, mọi thứ đều cần phải chú ý và gia công cẩn thận. Chẳng hạn như chọn khổ sách, trình bày bìa; trả lời cho các câu hỏi tại sao phải để tập thơ xuất hiện trong hình thức như thế là dụng ý: muốn tập sách này như một món quà của tác giả gửi đến mọi người, và hi vọng mọi người cũng xem đây là món quà để gửi tặng nhau. Chính vì vậy nên thay vì để chữ “thơ” trên bìa 1, tôi cố gắng nhặt trong thơ mình ra một câu “Có bao nhiêu người đã đi qua thương nhớ mà quên được nhau?” để đưa ra bìa. Đấy chính là hướng đến điểm chung nhất của những bạn đọc từ 20-30 tuổi. Họ đã từng yêu thương, từng đi qua thương nhớ và từng quen biết với thơ Phong Việt. Điều may mắn là chính sự chọn lựa này kết nối được mọi người”.

Và khi 3.000 tập đầu tiên bán hết, Phong Việt dùng cả món nhuận bút đầu tiên ấy đi Hà Nội làm một cuộc gặp gỡ bạn đọc, ký tặng và lắng nghe, và loan tin trên mạng, lại bắt gặp sự cộng hưởng từ các trang hâm mộ (fan page) do bạn đọc tự lập ra để thảo luận và phổ biến tập thơ. Từ đó, Đi qua thương nhớgây được sự chú ý của giới truyền thông, chính sự vào cuộc của các báo, đài tiếp theo đã đẩy lượng bạn đọc đến với Đi qua thương nhớ tăng lên trông thấy.

Bây giờ, bên cạnh niềm vui chính thức làm bố được hơn tuần, Phong Việt lại nhận tin tập thơ đầu tay của mình sẽ được tái bản 3.000 quyển nữa, trong tuần này sẽ in xong. “Vậy là có khi tôi phải làm một cuộc gặp gỡ bạn đọc nữa, cho lần tái bản và ra mắt bản đặc biệt sắp tới” - anh nhẩm tính. Trong khi hiện tại đã nghỉ việc ở Xzone, anh vẫn cười tươi: “Sắp tới tôi sẽ tiếp tục vào làm cho một báo điện tử, báo chí như nghiệp của mình rồi, không bỏ được đâu”. Ừ nhỉ, khác với nhiều người làm thơ không nhằm để bán, Phong Việt vừa bán xong 10.000 tập thơ vẫn không coi thơ là nghiệp dĩ.

Tác giả: Lam Điền

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây