Loay hoay thu phí đọc thơ online

Chủ nhật - 03/03/2013 09:51 1.842 0
Bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ vừa bán được với giá 300 triệu đồng làm dư luận xôn xao về giá trị của thơ. Song theo Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, con số trên là bình thường nếu luật bản quyền được thực thi nghiêm túc trên môi trường mạng. Năm nay, Hiệp hội sẽ tìm cách thu tác quyền thơ online, trả lại quyền lợi chính đáng cho các nghệ sĩ.
Nhà báo, nhà thơ Trần Đình Chính (trái) tại lễ trao bản quyền thơ diễn ra ở Hà Nội
Nhà báo, nhà thơ Trần Đình Chính (trái) tại lễ trao bản quyền thơ diễn ra ở Hà Nội
Trao đổi với phóng viên, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho biết thêm, trong năm 2013 này, Hội sẽ xử lý mạnh tay các website xâm phạm bản quyền thơ.

Như chưa hề có... Công ước Berne

Thoạt nghe chuyện phải trả tiền để đọc thơ trên mạng, mọi người đều cảm thấy "nghịch nhĩ". Song theo bà Đoàn Thị Lam Luyến: "Chúng ta quen với sự xâm phạm trắng trợn tới mức ta coi đó là điều bình thường. Nạn sao chụp và sử dụng nội dung số trái phép ở Việt Nam cực kỳ nghiêm trọng nhưng việc ngăn chặn, xử lý chưa được quan tâm thích đáng. Nên vấn nạn ngày càng phát triển với quy mô lớn hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn".

Hơn thế, năm nay là năm thứ 9 kể từ khi Việt Nam ký Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật nhưng vấn đề quản lý tác quyền thơ ca ở môi trường mạng dường như bỏ ngỏ.

Nhân trường hợp Ở hai đầu nỗi nhớ, bà Đoàn Thị Lam Luyến chia sẻ: "Trong môi trường Internet, mỗi người chịu bỏ 1.000 đồng cho một lần truy cập, thì cứ 1.000 người đọc là nhà thơ đã thu được 1 triệu đồng. Bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ nếu có 300.000 người truy cập là tác giả thu được 300 triệu đồng, không nhất thiết phải "bán đứt" bản quyền. Trên thực tế, có nhiều bài thơ có vài triệu lượt đọc".

Nói vậy, một bài thơ hay chưa công bố lần nào, nếu như biết quản lý và khai thác thương mại tốt có thể đạt doanh thu một đôi tỷ đồng. Nhà thơ có đưa dẫn chứng là bài thơ Đôi dép có hơn 2 triệu người đọc trên một website chuyên về văn học. Và trên nguyên tắc bản quyền, tác giả bài thơ ấy sẽ thu được hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng buồn là website này đã không thu phí bản quyền cho tác giả.

Cũng theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, hiện tại theo thống kê của hội, có khoảng trên 100 website xâm phạm nghiêm trọng, 36 website vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quyền tác giả trong văn chương.

Sẽ xử phạt các website vi phạm

Trước thực trạng này, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến cho hay: "Chúng tôi nhất định không để yên chuyện này. Song trở ngại lớn lại nằm ngay trong đội ngũ nhà thơ. Bởi số đông người nắm giữ tác quyền chưa giác ngộ đầy đủ về quyền lợi của mình. Họ chịu đựng nạn xâm phạm mà không liên kết với nhau trong hành động tập thể".

Theo bà Nguyễn Thị Lam Luyến, nhiều tác giả còn quan niệm rằng, việc phổ biến tác phẩm của mình đến công chúng là khoản thù lao đáng giá hơn hết thảy. Nên họ sẵn sàng "cho không, biếu không" quyền tài sản.

Tuy nhiên, hiện tại, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đã có trên 120 tổ chức đại diện cho người nắm quyền và trên 2.000 tác giả ủy quyền. "Số lượng này tuy chưa phải đa số so với cộng đồng sáng tạo tại Việt Nam hiện nay song cũng đủ để chúng tôi liên kết với nhau trong hành động tập thể để lên tiếng" - nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đánh giá.

Khi được hỏi các nhà thơ định "lên tiếng" bằng cách nào? Bà Đoàn Thị Lam Luyến cho hay: Hiện có 36 website vi phạm quyền sao chép chúng tôi đang tìm cách để lập hồ sơ xử lý. Chúng tôi đã gửi công văn tới chủ sở hữu các website trên để tìm cách giải quyết nhưng họ vẫn "trơ như đá, vững như đồng". Nếu họ vẫn cố giữ im lặng như vậy, chúng tôi đành phải nhờ cơ quan chức năng và pháp luật can thiệp và dùng những biện pháp mạnh để xử lý những website này.

Khó như đòi tác quyền thơ

Bên cạnh sự bất đồng quan điểm ngay trong đội ngũ người cầm bút, Hiệp hội Quyền sao chép phải đối mặt với vấn đề công nghệ. Bởi muốn bảo vệ hữu hiệu quyền tác giả trong thời đại công nghệ số, người nắm giữ quyền phải có giải pháp công nghệ. Điều kiện tiên quyết của giải pháp công nghệ này là hệ thống tin học quản lý. Song để xây dựng được hệ thống này cần nhiều công sức và rất nhiều tiền của (thứ các nhà thơ không có nhiều).

"Trên thực tế, đã có những website ngỏ ý với chúng tôi xin cấp phép sử dụng hợp pháp các tác phẩm viết, trong đó có thơ ca. Song sau một thời gian, họ phải bỏ cuộc vì quá nhiều đối thủ cạnh tranh không lành mạnh"- bà Đoàn Thị Lam Luyến chia sẻ.

"Đối thủ cạnh tranh không lành mạnh" mà nhà thơ nói tới ở trên không chỉ đến từ các website văn chương thu lời bất hợp pháp mà còn đến từ các blog, trang cá nhân, mạng xã hội. Việc các chủ blog đăng những bài thơ hay (mà không xin phép chủ sở hữu) là chuyện "ngày nào cũng có". Các cá nhân đăng những bài thơ tâm đắc lên trang mạng xã hội là chuyện "giờ nào cũng có". Còn việc trích đăng các câu thơ trên khắp các phương tiện là chuyện "phút giây nào cũng có". Vậy thế nào là vi phạm? Xử phạt nổi không? Thu tác quyền kiểu gì? Chuỗi câu hỏi hóc búa này buộc Hiệp hội Quyền sao chép phải tìm cho được câu trả lời nếu muốn đòi công bằng cho các nhà thơ.

Bà Đoàn Thị Lam Luyến nói: "Trước mắt, cuối quý I/2013, chúng tôi sẽ có những động thái mạnh để ngăn chặn các website vi phạm nghiêm trọng quyền sao chép. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tính tới các blog (những đối tượng hồn nhiên không biết mình vi phạm quyền tác tác giả). Khi đã biết luật, nếu mình vô ý vi phạm quyền tác giả, các chủ blog sẽ điều chỉnh hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật về quyền tác giả. Tôi tin vào ý thức của người sử dụng blog".

Quả vậy, trong việc đòi lại quyền lợi chính đáng này, niềm tin là sức mạnh lớn nhất của các nhà thơ.

Nguồn tin: TT&VH

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây