Mạc Ngôn kể về người mẹ thất học trong diễn từ Nobel

Thứ ba - 18/12/2012 21:42 1.722 0
Diễn từ nhận giải của nhà văn như một cuốn phim quay chậm về cuộc đời ông. Trong đó, trung tâm là người mẹ - một phụ nữ không biết chữ, đói nghèo và đã mất trước khi nhìn thấy vinh quang của con trai út.

Lễ trao giải Nobel 2012 diễn ra hôm 10/12 tại Stockholm, Thụy Điển. Mạc Ngôn, lĩnh vực văn học, là một trong số những người nhận được giải thưởng từ Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf. Trong diễn từ ngắn gọn, tác giả "Báu vật của đời" nhắc nhiều đến mẹ với những lời đầy xúc động.

m4-jpg-1355458862-1355459138_500x0.jpg
Mạc Ngôn nhận giải thưởng từ nhà vua Thụy Điển.

“Quý vị có thể đã biết người cha 90 tuổi của tôi, anh chị em, vợ và con gái, thậm chí là cháu gái mới hơn một tuổi của tôi. Nhưng người tôi nghĩ đến nhiều nhất lúc này, mẹ tôi, là người quý vị không bao giờ thấy nữa. Rất nhiều người đã cùng tôi chia sẻ niềm tự hào khi nhận giải thưởng này. Nhưng mẹ thì không. Mẹ tôi sinh năm 1922 và qua đời năm 1994. Chúng tôi chôn cất bà tại một vườn đào phía đông làng. Năm ngoái­, chúng tôi buộc phải di dời mộ phần của mẹ để nhường đất cho một dự án đường sắt. Khi đào mộ lên, tôi thấy chiếc áo quan đã mục nát, thi thể mẹ đã lẫn vào đất. Chúng tôi bốc ít đất, một hành động mang tính chất tượng trưng, để đưa vào phần mộ mới”, ông viết.

Dòng ký ức của nhà văn sau đó đi qua những ngày tháng của cuộc Đại cách mạng văn hóa. Trong thời gian đó, người mẹ nghèo khổ của ông đã phải "bò ra đồng" để làm lụng nuôi gia đình. Một lần, bà bị quân cảnh đánh đập ngay trước mặt cậu con trai út là Mạc Ngôn. Nhiều năm sau, khi lớn lên, hai mẹ con gặp lại người đàn ông nọ - nay đầu đã bạc - trong siêu thị. Mạc Ngôn định đánh lại để trả thù nhưng bà mẹ nói: “Đây đâu phải là người năm xưa đánh mẹ”.

Mẹ nhà văn thất học, nên bà rất trọng chữ. Nhà văn kể: “Nhà tôi nghèo đến độ chạy ăn từng bữa, nhưng mẹ chưa bao giờ từ chối khi tôi xin tiền mua một cuốn sách hay cây viết”. Chính bà là người truyền niềm đam mê đọc sách cho con trai.

m5-jpg-1355458897-1355459138_500x0.jpg
"Tôi sinh ra là một kẻ xấu trai". Trong ảnh là nhà văn tại bữa tiệc chiêu đãi hậu Lễ trao giải.

Mẹ cũng là điểm tựa tinh thần vỗ về Mạc Ngôn trong mọi chuyện. Ông kể tiếp: “Tôi sinh ra là một kẻ xấu trai. Người làng thường cười nhạo tôi ngay trước mặt. Bọn bạn thỉnh thoảng còn đánh tôi vì tôi xấu. Tôi đã chạy về nhà và khóc với mẹ. Nhưng bà nói: Con không xấu, con trai ạ. Con có một cái mũi và hai con mắt. Chân tay con không làm sao cả. Vậy thì con xấu ở đâu nào? Nếu con tốt bụng và luôn làm việc tốt thì người ta sẽ thấy con thật đẹp thôi”.

Như một hệ quả tất yếu, người mẹ trở thành nguồn cảm hứng trong sáng tác quan trọng nhất của Mạc Ngôn - tiểu thuyết "Báu vật của đời". Nhiều chi tiết trong truyện, được nhà văn lấy từ cuộc đời của bà và hư cấu thêm. “Dù tôi viết ‘Dành tặng linh hồn mẹ’ trong trang đầu, thì tiểu thuyết là viết về tất cả người mẹ trên khắp thế giới này”.

Bất kể câu chuyện về mẹ gây xúc động, diễn từ của Mạc Ngôn vẫn vấp phải chỉ trích của các đồng nghiệp phương Tây. Bởi cũng trong tiểu luận nhỏ này, nhà văn tỏ ra bênh vực kiểm duyệt văn học. Ông cho rằng kiểm duyệt văn học là cần thiết, cũng như người ta cần kiểm tra an ninh ở sân bay.

Mạc Ngôn, sinh năm 1955 tại Cao Mật, Sơn Đông, Trung Quốc, là tác giả của những tác phẩm như Báu vật của đời, Đàn hương hình, Ếch… Ông là nhà văn mang quốc tịch Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel.

Tác giả: Huyền Anh

Nguồn tin: VN Express

 Từ khóa: mạc ngôn, nobel văn học

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây