Đồng tiền chi phối thói quen đọc sách tại Trung Quốc

Chủ nhật - 06/03/2011 04:11 2.349 0

Minh họa của tờ Shanghaidaily.

Minh họa của tờ Shanghaidaily.
Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sự tăng trưởng kinh tế trở thành chủ đề nóng, thành mối quan tâm hàng đầu của người dân Trung Quốc. Làm sao để trở nên giàu có là câu chuyện được nói đến nhiều nhất đối với người dân lúc bấy giờ.

Sự thay đổi trong đời sống xã hội ở Trung Quốc 30 năm qua được đánh giá là “gây ngỡ ngàng”.

Ở Trung Quốc ngày nay, người giàu trở nên rất giàu, còn người nghèo lại rất nghèo. Khoảng cách giàu nghèo đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp - chúng trở thành nguồn đề tài phong phú cho văn chương đương đại.

Thế giới phương Tây ngày càng để ý nhiều hơn đến đời sống chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Nhưng nền văn học nước này vẫn chưa thực sự được quan tâm.

30 năm trước, Trung Quốc vừa thoát ra khỏi cơn náo loạn của cuộc Đại cách mạng Văn hóa (1966- 76). Đây là thời kỳ văn hóa truyền thống bị chối bỏ, văn hóa phương Tây bị tẩy chay.

Rất nhiều giá trị bị phá hủy trong suốt một thập kỷ cần phải được phục hồi lại. Đó là nguyên cớ làm khởi phát một phong trào khai sáng mới ở Trung Quốc vào những năm 1980 nhằm nhìn nhận lại tình trạng kém phát triển; thúc đẩy cải cách và mở cửa; thức tỉnh ý thức về phẩm giá và cái tôi cá nhân…

Với phong trào khai sáng, rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển trong và ngoài nước đã được xuất bản tại Trung Quốc. Trong số đó có kịch, tiểu thuyết của những bậc thầy như Shakespeare, Victor Hugo, Balzac, Dickens, Hemingway và thơ ca của các cây bút Lord Byron, Shelley, Pushkin, Walt Whitman, Yeats, Tagore…

Hàng chục nghìn đầu sách được in và tái bản nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của đông đảo công chúng. Những người ở vào độ tuổi 40 bây giờ hẳn sẽ vẫn còn nhớ khung cảnh hỗn độn tại các hiệu sách và thư viện. Người ta chen lấn, xô đẩy để được mua và mượn sách.

Sau đó, những cuốn sách chưa từng được giới thiệu tại Trung Quốc nhưUlysses của Jamé Joyce và Remembrance of Things Past (Đi tìm thời gian đã mất) của Marcel Proust cũng được in đi in lại nhiều lần. Rất nhiều tác phẩm của các nhà triết học Đức như Nietzsche, Schopenhauer, Heidegger và Walter Benjamin xuất hiện ồ ạt trên giá sách, bên cạnh tác phẩm của các nhà tư tưởng Trung Quốc.

Người ta thậm chí còn phải xếp hàng cả đêm tại hiệu sách để mua được các ấn phẩm mới bởi sách bán ra quá nhanh.

Đó là thời kỳ mà người ta đọc sách không vì một mục đích nào cả. Đơn giản, nó là sự ý thức cần bù đắp cho những thiếu hụt của đời sống tinh thần sau một thập kỷ bị cấm đoán. Dường như vào thời kỳ ấy, cả đất nước Trung Quốc cùng có chung một niềm đam mê sách.

Thập kỷ 80 là thời kỳ hoàng kim của văn học, văn hóa đọc ở Trung Quốc.

Thời kỳ này báo và tạp chí cũng còn rất ít. Nhưng chúng đặc biệt có uy tín và tạo được ảnh hưởng lớn đối với độc giả. Lấy 3 tạp chí văn học ở Thượng Hải làm ví dụ: Harvest, Shanghai Literature và Budding. Mỗi tờ có lượng phát hành lên tới hàng chục nghìn thậm chí có lúc tiêu thụ được cả triệu bản.

Bất cứ tác giả nào có tác phẩm, truyện ngắn, tản văn, thậm chí chỉ là một bài thơ, đăng trên ba ấn phẩm này cũng đã có thể nổi tiếng trên khắp thế giới.

Giữa những năm 1980, có hai trào lưu văn học nổi lên tại Trung Quốc: Văn học tầm căn và Văn học tiên phong.

Các nhà văn thuộc trường phái tầm căn chủ trương tìm về nguồn cội với hy vọng mang những giá trị văn học truyền thống của Trung Quốc đến với thế giới phương Tây. Theo họ, văn học đương đại Trung Quốc từ lâu đã bị phương Tây lãng quên và điều đó làm tổn thương đến lòng tự hào dân tộc của những cây bút chân chính.

Trong khi đó, các nhà văn tiên phong lại chú trọng nhiều hơn đến việc thử nghiệm trong văn học. Họ quan tâm đổi mới phong cách, ngôn ngữ, nghệ thuật trần thuật… Họ nhấn mạnh đến vai trò của tưởng tượng trong quá trình sáng tác để văn học thực sự là sản phẩm của nghệ thuật hư cấu chứ không phản ánh hiện thực đơn thuần.

Tuy nhiên, theo Shanghaidaily, đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sự tăng trưởng kinh tế trở thành chủ đề nóng, thành mối quan tâm hàng đầu của người dân Trung Quốc. Làm sao để trở nên giàu có là câu chuyện được nói đến nhiều nhất đối với người dân lúc bấy giờ.

Đói sách trở thành một thói quen cũ, một niềm đam mê của quá khứ. Thậm chí người ta còn cho rằng, đọc sách là chuyện lỗi thời, là thứ tiêu tốn thời gian vô ích. Lớp trẻ cũng không coi viết văn là một nghề có khả năng kiếm tiền. Vị thế của nhà văn vì vậy bị tụt dốc thảm hại.

Rất nhiều nhà văn đánh mất nhiệt huyết sáng tác vào thời kỳ này. Một số thậm chí còn bỏ phòng văn để lao vào thương trường.

Đầu những năm 1990, khi đến thăm Thượng Hải, nhà văn Anh cho biết, ở Anh lúc bấy giờ có ngày càng nhiều “người dã man có bằng cấp”. Bà giải thích, đó là những kẻ có học vị cao, am hiểu khoa học kỹ thuật, làm việc với những thứ máy móc hiện đại nhưng lại rất khô khan, thiếu cảm xúc bởi họ không đọc sách văn học.

Ý kiến của Lessing đã chỉ ra một thực trạng không chỉ riêng ở Anh mà còn cả ở Trung Quốc. Mà có lẽ, nó là hiện tượng toàn cầu trong thời đại kinh tế khủng hoảng như hiện nay.

Tác giả: Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây