Có nên lấy lục bát làm “quốc thơ”?

Thứ ba - 08/03/2011 11:08 3.119 0

Có nên lấy lục bát làm “quốc thơ”?

Nghe tin website lucbat.com vận động lấy chữ ký để đề nghị phong tặng "quốc thơ" cho lục bát Việt Nam, vốn yêu lục bát, cái tin ấy ám ảnh tôi suốt một ngày.

Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, nếu phải tìm ra một thể thơ mang đậm phong vị Việt Nam thì đó không thể là Ðường luật xưa, càng không thể là thơ tự do bây giờ, mà phải là lục bát. Bởi lẽ trong cái nhịp 6/8 khoan nhặt của lục bát, ta chợt nhận ra nhịp đập tâm hồn Việt Nam.

Và ở trong đề tài, tư tưởng của phần lớn những bài thơ lục bát, ta cũng chợt nhận ra những mảnh đời - những số phận - những tâm tình Việt Nam không lẫn đi đâu được. Hiểu rõ như thế nên lục bát được tôn vinh là xứng đáng.

Nhưng rồi một câu hỏi chợt lóe lên: giữa việc tôn vinh một thể thơ dân tộc với việc nâng nó thành "quốc thơ" như cách người ta đang suy nghĩ liệu có gì khác nhau? Liệu có cần phải dùng khái niệm "quốc thơ" để gán vào một thể thơ dân tộc như vậy hay không?

Ðể trả lời những câu hỏi như vậy cần phải trở lại một sự thật: hiện nay đang có phong trào mà tôi tạm gọi là phong trào "quốc hóa..." diễn ra trong nhiều lĩnh vực văn hóa ở nước ta. Chẳng hạn như trong lĩnh vực thời trang, người ta đang cất công đi tìm "quốc phục", trong lĩnh vực ẩm thực lại rộ lên việc đi tìm "quốc tửu"...

Rồi nào là "quốc hoa", tiếp nữa có thể còn là "quốc cây", "quốc lá", "quốc môi", "quốc miệng"... cũng chưa biết chừng! Chao ôi, nhìn vào đâu cũng thấy khát vọng tôn vinh và điển hình hóa những đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.

 Ðiều đó tốt, rất tốt, vì một khi đã gắn chữ "quốc" vào một khái niệm - một lĩnh vực cũng là khi chúng ta tìm ra được đặc tính riêng của mình trong sự tồn tại với các quốc gia khác trên thế giới.

Nhưng trong phong trào "quốc hóa..." đang ngày một rầm rộ đó, nếu như "quốc hoa", "quốc phục" có thể được thế giới thẩm định ngay bằng thị giác, nếu như "quốc tửu" có thể được nhận ra ngay bằng vị giác thì "quốc thơ" (nếu có) sẽ được thẩm định bằng gì đây?

Khác với trang phục hay rượu chè, thơ là một phạm trù phi vật chất. Ðể có thể thẩm thấu một câu thơ lục bát đặc chất Việt Nam người ta cần phải sống, phải thở với cái hồn Việt Nam thứ thiệt. Mà đó rõ ràng là một điều bất khả kháng với tất cả những ai không mang trong mình dòng máu Việt Nam.

Thật ra có nhiều dân tộc tự hào với những thể thơ riêng của họ, đặc trưng cho tâm hồn và tính cách dân tộc họ. Chẳng hạn như người Trung Quốc tự hào với thơ Ðường, người Nhật Bản tự hào với thể thơ haiku.

Và bản thân người Việt Nam, nhờ sự gần gũi văn hóa với hai dân tộc này nên cũng đã ít nhiều đồng cảm được với những thể thơ này. Nhưng chắc chắn dù có cố gắng đến mấy chúng ta cũng không thể hiểu thấu nó như cách hiểu của chính những người Nhật Bản hay Trung Quốc.

Dường như biết rõ những điều như thế nên người Nhật Bản và Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức tôn vinh những thể thơ truyền thống của mình, chứ không mang ý định nâng nó lên hàng "quốc thơ" với những đề cử Unesco như cách chúng ta đang thực hiện.

Thơ ca cũng như cuộc đời thú vị ở chỗ: có những thứ giá trị chỉ có thể nảy nở trên mảnh đất của sự mộc mạc.

Thơ lục bát đã chảy trong dòng chảy tâm linh văn hóa của dân tộc ta hàng ngàn năm nay. Hãy cứ để nó chảy một cách giản dị mà sâu thẳm, thiêng liêng như thế, thay vì cứ phải cố thổi phồng nó lên, rồi gắn vào nó những khái niệm đao to búa lớn kiểu như "quốc thơ" hay những gì gì đó tương đương vậy.

Tác giả: Phan Đăng

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây