Xu hướng "giấu mặt" làm nghệ thuật

Thứ ba - 19/11/2013 04:44 4.325 0
“Street football là nơi tốt nhất để bạn phát triển kỹ năng đá bóng của mình, và đó cũng chính là nguyên do tại sao tôi lại đặt hết đam mê của mình vào street football” - Edgar Davids chia sẻ.

"Trong tương lai, ai cũng có thể nổi tiếng thế giới trong vòng 15 phút" - đó là câu nói nổi tiếng của nghệ sĩ đại chúng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20 Andy Warhol, cũng là người mà Lady Gaga rất ngưỡng mộ.

Theo The Atlantic, nghệ sĩ ngày nay ít ai không "sống vì những tràng pháo tay" của khán giả (lời ca khúc Applause của Lady Gaga, vì thế chẳng có gì là độc đáo), nhưng vẫn có những người thầm lặng như nghệ sĩ đường phố Banksy, hoàn toàn giấu mặt và sáng tác vì công chúng.

Cũng trang The Atlantic nêu ý kiến "Đã đến lúc Lady Gaga nên biến mất?" vì những chiêu trò quái của nữ ca sĩ ngày càng không gây được hiệu ứng như cô mong đợi và công chúng bắt đầu thấy nhàm chán.

Khi ca sĩ, diễn viên thích "diễn"

Khi nghệ sĩ kỳ cựu Lou Reed qua đời (hôm 27/10 ở tuổi 71), người ta nhắc đến ông như một ca sĩ, nhạc sĩ rock tiên phong của Mỹ. Nhưng lúc còn sống, Reed là nhà nhiếp ảnh, cộng sự của nghệ sĩ Andy Warhol (được xem là người sáng lập nghệ thuật đại chúng - "pop art").

Cũng gần thời điểm Reed qua đời, nữ ca sĩ Lady Gaga ra mắt album mới Artpop chịu rất nhiều ảnh hưởng của Warhol. Ngoài ra, Gaga vài lần hợp tác với nghệ sĩ đại chúng danh tiếng Marina Abramovic. Trong đó, có một video art quay hình Gaga khỏa thân, thành thử chi tiết đó làm lu mờ thông điệp của tác phẩm.

Hồi tháng 8, rapper Jay-Z cũng gây chú ý với màn trình diễn đương đại, cũng với Marina Abramovic. Màn trình diễn được báo chí chú ý, nhưng cũng hướng đến việc tô đậm dấu ấn của 2 người tham gia hơn là khiến ý nghĩa của tác phẩm đến được với người xem.

Trước đó, hồi tháng 4, nam diễn viên James Franco làm tiết mục sắp đặt và trình diễn đương đại tại New York. Franco, luôn được biết đến như một diễn viên có học vấn cao, đặt nhiều tham vọng trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng anh cũng không tránh khỏi gặp vấn đề như các nghệ sĩ danh tiếng khác: Họ được biết đến vì bản thân mình nhiều hơn là vì sản phẩm sáng tạo.

Lady Gaga (trái) và một tác phẩm tranh vẽ đường phố của nghệ sĩ Banksy

 

"Phe đối lập": Giấu mặt làm nghệ thuật

Tất nhiên, Reed hay Warhol hay nhiều nghệ sĩ tiền bối khác cũng coi bản thân và trung tâm và đã quen với việc xuất hiện trên truyền thông. Nhưng, điều thành công ở họ là không trưng bản thân mình ra mọi lúc, mọi nơi, vẫn cảm thấy chút bất tiện khi là tâm điểm và chút miễn cưỡng với truyền thông.

Ở phía đối lập, nghệ sĩ đường phố đang nổi như cồn Banksy (người Anh) là ví dụ tiêu biểu nhất cho một nghệ sĩ thành công khi dẹp danh tiếng cho bản thân sang một bên. Gần đây, nghệ sĩ này lên báo hầu như mỗi ngày khi từ Anh sang Mỹ, tạm trú New York 1 tháng và công bố hàng loạt tác phẩm mới.

Tuyên bố quen thuộc của Banksy là "nghệ thuật nên sống tốt mà không cần các phòng trưng bày và vẫn có thể tìm đến đông đảo công chúng".

Nghệ sĩ này che giấu diện mạo và nhân thân nhưng không hoàn toàn bí ẩn, vẫn công khai các quan điểm chính trị và văn hóa, viết blog và báo, thỉnh thoảng trả lời phỏng vấn giấu mặt. Người hâm mộ anh vẫn ngưỡng mộ và tìm mua tác phẩm dù không biết nhiều về thần tượng.

Tóm lại, mẫu nghệ sĩ như Banksy hoàn toàn trái ngược với mẫu nghệ sĩ kiểu Gaga - kiểu đang chiếm số đông. Anh đi ngược lại xu hướng tự thổi phồng bản thân và phô trương hình ảnh quá mức của giới nghệ sĩ hiện nay.

Cũng phải nhắc đến nhà văn nổi tiếng Thomas Pynchon với khả năng ẩn mình đáng khâm phục, khi ông sáng tác tiểu thuyết gần 1.000 trang Bleeding Edge khi đang sống ở ngay Manhattan, New York.

Nhà văn là một nhóm nghệ sĩ cực kỳ tài giỏi trong việc ẩn mình, giỏi trốn tránh truyền thông và công chúng cho đến khi hoàn thành tác phẩm, so với các nghệ sĩ thuộc các loại hình nghệ thuật đại chúng khác. Nhiều người còn viết với bút danh khác (J.K. Rowling gần đây) hoặc thậm chí không đề tên.

Hướng sự chú ý về phía tác phẩm chứ không phải bản thân nghệ sĩ là một tín hiệu tốt lành cho sáng tạo. Hoặc ít nhất, hiện tượng tự thổi phồng, phong thánh bản thân ở giới nghệ sĩ, nhất là trong âm nhạc, sẽ giảm đi.

Qua báo chí phương Tây, có một thực tế rất rõ ràng: thời trước, khi cái tôi và cá tính nghệ sĩ được đề cao, tự tôn là hành động được cổ vũ. Nhưng thời nay, khi cái tôi và thói tự yêu mình bộc lộ không ít hệ lụy, việc nghệ sĩ né tránh hào quang danh tiếng mới là xu hướng tích cực.

Hạ Huyền

 Từ khóa: nghệ thuật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây