Nỗi buồn nhạc Việt

Thứ ba - 19/11/2013 04:35 2.438 0
Live show 6 chương trình Giọng hát Việt đêm 17/11 vừa qua các thí sinh "người lớn" cùng nhau hát các ca khúc của trẻ con.

Live show 6 chương trình Giọng hát Việt đêm 17/11 vừa qua có một sự “đảo chiều”. Nếu trong loạt chương trình Giọng hát Việt nhí trước đây, công luận lên tiếng ngại ngần về việc trẻ con hát những bài hát của người lớn không phù hợp với sự phát triển của tâm sinh lý trẻ con, thì đêm 17/11 vừa qua các thí sinh “người lớn” cùng nhau hát các ca khúc của trẻ con (hay nói chính xác hơn trong liên khúc Bụi phấn có 2 ca khúc của lứa tuổi “ô mai”, 2 ca khúc của trẻ con).

Ca khúc cho thiếu nhi hiện nay được cho là “vừa yếu vừa thiếu” không đáp ứng được nhu cầu của một cuộc thi lớn như Giọng hát Việt nhí. Nhưng để kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 “người lớn” cũng không có bài để hát, đành phải lấy bài của thiếu nhi. Các anh chị thí sinh Giọng hát Việt phải thắt thêm khăn quàng đỏ (xanh, tím, vàng… đủ thứ) để “trẻ lại”, có lẽ để cho phù hợp với độ tuổi thể hiện các bài hát? Phải chăng đó là nỗi buồn quá lớn của nhạc Việt?


Hợp ca thí sinh Giọng hát Việt trình diễn liên khúc Bụi phấn. Ảnh: BTC

Tuy nhiên, điều đáng nói là: Ngoại trừ yếu tố phản cảm khi trẻ con phải hát nhạc người lớn, đá có khá nhiều cháu thể hiện ca khúc người lớn khá xuất sắc. Phương Mỹ Chi tỏ ra là một giọng hát ngọt ngào khơi gợi hứng cảm cho hàng triệu khán giả yêu nhạc dân ca; Quang Anh được cho là đã “xô đổ tượng đài Tùng Dương” với ca khúc Chiếc khăn Piêu trên một tờ báo… Thì liên khúc Bụi phấn của các thí sinh Giọng hát Việt được xem là khiên cưỡng và biểu diễn kém hiệu quả.

Người dàn dựng tiết mục này đã dùng kỹ thuật mash-up, kỹ thuật được xem là thời thượng trên thế giới hiện nay. Đó là việc “trộn” nhiều ca khúc vào nhau, giai điệu từng bài hát đi độc lập nhưng hài hòa về tiết tấu và hòa thanh, hoặc giai điệu các bài hát xen kẽ, rượt đuổi nhau… rất thú vị.

Tuy nhiên, mash-up của liên khúc Bụi phấn không gây được ấn tượng, có đoạn hát còn chênh phô, các bè “loạn” cả lên mạnh ai nấy hát. Rõ nhất là đoạn “trộn” giữa 2 ca khúc Bụi phấnBông hồng tặng cô, giai điệu của Bông hồng tặng cô mất tăm sau các chữ “em trồng giàn bông”. Và điều quan trọng nhất là “hợp ca” của các thí sinh Giọng hát Việt trong tiết mục này không có được “emsemble” (ở đây tạm gọi là hòa giọng) cần thiết. Một tiết mục không xứng tầm với một cuộc thi như Giọng hát Việt, nếu không nói đó là… thảm họa.

HẢI LONG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây