Nhà thơ Vi Thuỳ Linh: Tôi “trẻ nhất” đến bao giờ?

Thứ tư - 04/08/2010 22:07 3.553 0

Nhà thơ Vi Thùy Linh -  Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo

Nhà thơ Vi Thùy Linh - Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo
Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII hội tụ 921 hội viên, diễn ra tại Hà Nội từ 4-6/ 8. ThoTre.Com giới thiệu bài viết của nhà thơ Vi Thùy Linh - hội viên trẻ nhất của Hội về thế hệ những người viết trẻ hiện nay.

Các bạn trẻ của tôi đâu?

“Trong giấc mơ/Ta mải kiếm tìm/ Một vầng trăng không bao giờ khuyết/Một mùa trăng lênh thênh”. Không đề, bài thơ đầu in báo Tiền Phong 9/1995, vẫn là một giấc mơ kéo dài trong tâm hồn tôi mỗi khi cầm bút. Tôi tự do, bay bổng, thuần cảm nhất khi tạo ra một thế giới vô biên giữa thế giới hiện thực này.

Một nhà văn đàn anh chia sẻ: “Đội ngũ trẻ các em thua các nhà văn già, bị áp đảo về số lượng rồi còn đâu”. Có 70% số hội viên trên tuổi 60, tức 645 người tuổi hưu trí. Tuổi từ 40, sinh từ 1970 về sau, chỉ vẻn vẹn 16 người, chiếm 1,73%. Ôi đầu xanh quá ít ỏi, nhỏ nhoi giữa trập trùng tóc bạc. Hay tự vỗ về rằng 16 người trẻ là “của hiếm”, sẽ được nâng niu, họ mạnh mẽ như tuổi trẻ của mình.

Đội ngũ trẻ với thủ lĩnh là BCH Hội Nhà văn

Kết nạp tháng 12/2007, ba năm tôi vẫn đương kim là hội viên trẻ nhất Hội Nhà văn VN. Năm đầu, tôi hãnh diện về sự “nhất” này. Nhưng rồi tôi tự nhìn lại: Các bạn trẻ của tôi ở đâu? Tôi muốn đua sáng trong đội hình những người trẻ tuổi sung sức như mình. Khi cầm bút sáng tác, khi xuất bản, tôi chỉ thuần khiết vì thơ, vì công chúng. Hai điều đó, như vòng tay siết chặt, đòi hỏi tôi phải quyết liệt đổi mới. Sáng tạo là làm mới, mang dấu ấn riêng. Vì áp lực với bản thân từ câu chữ đến chuyện phải in sách đẹp, mà lần nào làm sách, tôi cũng sụt 3 - 4 kg. Nghệ thuật và độc giả chắp cánh cho tôi. Tôi nuôi dưỡng sự lãng mạn và niềm tin cả khi bị bút chiến, “đánh quây”, những tháng ngày long đong xin giấy phép, tìm tài trợ. Song đâu phải các cây bút trẻ đều có năng lực, nhiệt huyết đủ mạnh để vượt áp lực, mưu sinh, cạnh tranh và chấp nhận trả giá trên con đường đến với văn chương.

Nghệ thuật là sáng tạo cao nhất của con người, nó chỉ có thể tỏa sáng và giá trị, khi nghệ sĩ tự do đam mê cao độ với một năng khiếu được bồi đắp có ý thức. Tri thức văn hóa không chỉ do ADN di truyền hay trời cho, nó phải được nạp thường xuyên cùng bản lĩnh được rèn luyện. Chúng tôi, những người trẻ, chưa hợp được thành một đội ngũ tinh nhuệ nhất, mạnh nhất, với thủ lĩnh là BCH Hội Nhà văn, bởi không phải những người trẻ nào cũng liều lĩnh, dấn thân, dù tuổi trẻ đời vô giá - có quyền và có thời gian để phiêu lưu, tìm tòi, thử nghiệm, đối mặt thách thức.

Ít ai cũng năng động để tự xã hội hóa chuyện xuất bản - phát hành, khuấy động công chúng. Viết 1 - 2 tác phẩm đã tưởng ghê, rồi mất tiêu, cạn vốn. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp nhận định: “Lực lượng trẻ nhiều tiềm năng, ý tưởng sáng tạo, nhưng cần nội lực thâm hậu. Thế hệ trẻ có nhiều bứt phá, song nếu bình tĩnh nhìn lại 60 năm trước so với Vũ Trọng Phụng, Nam Cao ở văn xuôi, Hàn Mặc Tử ở thơ ca, thì cần đột phá mạnh hơn nữa. Hãy bỏ lệ thuộc tuổi tác, phải bình đẳng khi đánh giá tác phẩm”.


Hội cần rộng mở đón những tài năng mới. Trong ảnh là các nhà thơ trên sân thơ trẻ 2009

Gần 200 cây bút đến Hội An dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần VII, tháng 4/ 2006, đã rơi rụng nhiều phần. Mạng được khá đông chọn làm con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để nổi tiếng. Sự ham hố này được một số khai thác điên đảo, tìm đủ mọi cách bằng mọi giá để “nổi”, gây chú ý. Họ không phân biệt, không cần biết nổi tiếng và tai tiếng hoàn toàn khác nhau. Nổi tiếng, là phải có tài và có ảnh hưởng được công nhận, chứ không phải phát tán tứ tung trên mạng, tuyên bố tuyên ngôn gây sốc trước đám đông.

Nhiều cây bút trẻ nói dỗi: “Không muốn vào. Cứ viết, xuất bản có độc giả là thành tác giả, cần gì vào Hội”.

Một số người trẻ xét theo tiêu chuẩn vào Hội, tôi nghĩ là xứng đáng, mà không làm đơn, khi thấy tiền lệ những người trẻ chỉ được dành cánh cửa hẹp. Họ không vào, có thể không được nhìn nhận sòng phẳng. Có tuyển tập đã và định làm, về văn học thế hệ 20, không nhắc thế hệ 7x, 8x, dù chúng tôi sinh ra viết và được biết đến trong thế kỷ 20. Chúng tôi khao khát sự sòng phẳng, trung thực khi đánh giá, căn cứ vào tác phẩm. Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây nhất, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định về cơ hội của những người viết trẻ sáng tạo tự do, về xác lập bản thân: “Một số nhà văn trẻ cứ đòi hỏi phải ưu ái, quan tâm, đó là những người yếu hèn, chưa đủ bản lĩnh. Rất bi hước khi các nhà văn già nghĩ phải ban phát điều gì đó cho lớp trẻ. Lớp sóng này kế lớp sóng khác, không ai có quyền chống lại những quy luật đó”.

Đến khi nào, 16 người trẻ trong Hội sẽ liên tài thành một làn sóng mãnh liệt với các bạn mà tôi trìu mến: Trần Tuấn, Lê Anh Hoài, Nguyễn Quyến, Đặng Thiều Quang, Bình Nguyên Trang, Cao Việt Dũng...?

Sang năm, tôi bắt đầu trung niên…

“Vừng ơi mở ra!”, câu thần chú có thể mở ra kho báu cho Alibaba của “Nghìn lẻ một đêm”, giờ đây cũng đặt ra với cánh cổng số 9 Nguyễn Đình Chiểu của ngôi nhà vôi vàng 5 tầng của Hội Nhà văn VN - cần rộng mở đón những tài năng mới.

Tôi đã tuổi 30, sang năm bắt đầu trung niên. Thời gian, cơ hội không chờ ai. Tôi không biết các bạn tôi, lứa đàn em tôi sẽ mở cửa nào để ngày liên tài hội tụ dịp ĐH khóa IX, tận 5 năm sau sẽ là ngày hội thực sự?!

Chợt liên tưởng một câu phương ngôn, vận vào văn chương đương đại VN, mà thảng thốt: “Mọi con đường có thể dẫn tới thành Rome, nhưng đến Hội Nhà văn thì khó!”.

Tác giả: Vi Thùy Linh

Nguồn tin: TT&VH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây