Nguyễn Anh Vũ: Văn chương không buông tha tôi

Thứ sáu - 18/09/2009 13:20 4.010 0

Nguyễn Anh Vũ

Nguyễn Anh Vũ
Nguyễn Anh Vũ, xuất thân là một kiến trúc sư, anh thử sức ở nhiều lĩnh vực và gặt hái một số thành công bước đầu. Anh được biết đến với giải thưởng Mỹ thuật xuất sắc nhất trong vở kịch "Sang sông" trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm năm 2008.

So với bạn văn cùng thời, anh trẻ, xuất hiện chưa nhiều trên văn đàn, cũng không nổi tiếng như các cây bút Dili, Đặng Thiều Quang, Nguyễn Quỳnh Trang v.v…, chưa có đầu sách riêng nhưng anh là người đến với văn chương bằng tất cả sự nghiêm túc và coi trọng. Truyện ngắn mới đây nhất có tên: "Cửa Bắc" in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho thấy Anh Vũ không hề chỉ muốn ghé chơi với văn chương sau những thử thách nhọc nhằn.

- So với những người cùng thời của bạn, một số đã thành danh, sự bắt đầu của bạn có vẻ muộn màng?

-  Tôi bắt đầu viết văn thực sự cách đây khoảng 10 năm nhưng khi đấy cũng chán nản với văn chương nhiều vì mình chưa định hình được mình viết cái gì. Sau đó tôi dừng viết rồi đến cuối năm 2007 lại bắt đầu viết lại.

- Đã chán rồi, đã bỏ rồi, sao lại còn quay lại với văn chương?

- Có người bảo rằng món nợ văn chương như cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra. Nếu đã có duyên với văn chương thì kiểu gì nó cũng sẽ trở lại, mình không thể chạy trốn nó được, vì thế mà tôi trở lại với văn chương

- Trong cái chán liệu có nỗi sợ không chinh phục được văn chương?

- Mười năm trước khi tôi viết văn tôi có thời gian cảm thấy sợ văn chương, thấy được cái chông chênh nhọc nhằn của nghề nghiệp, tôi thấy không đủ sức.

- Vậy là thất bại cũng dẫn người ta đến chán nản. Có khi ta chán chính mình lại cứ đổ lỗi chán văn chương?

- Đúng là tôi chán sự thất bại của mình. Tôi có gửi một hai truyện ngắn đầu tay đến các báo và các cuộc thi nhưng không thấy phản hồi gì, không hiểu là truyện mình viết chưa hay, hay là không phù hợp. Tôi coi thất bại ban đầu như là cuộc tập dượt, sau đó tôi tập trung vào nghề mình đang học, rồi lại có một số đam mê khác về nghệ thuật, mỹ thuật, sân khấu, hội họa. Tôi cố dồn vào đó cho nó quên đi nhu cầu viết văn nhưng thực ra trong mười năm đó văn chương cứ hối thúc mình, sinh sôi trong mình. Ý nghĩ về chuyện sẽ cầm bút viết văn trở lại rất nhiều. Tôi luôn theo dõi thời sự văn học trong và ngoài nước. Tất cả những thông tin về văn chương, những tác phẩm mới tôi đều đọc và đọc rất kĩ, kể cả phê bình. Thời gian đó, ngoài sách văn học, tôi cũng thích và đọc nhiều sách về văn hóa dân gian, triết học, tôn giáo… Đến thời kì viết lại mình cũng không hiểu do cớ gì. Có lẽ là do tôi thiết kế bìa sách, đọc rất nhiều tác phẩm của những người trẻ, có cái hay cũng có, dở cũng có, linh tinh cũng có. Rồi nghĩ rằng, mình có thể viết được văn ít ra là cũng bằng như thế. Sau đó tôi viết thử một truyện ngắn trong thời gian rất nhanh. Truyện được đăng và được ghi nhận ngay.

- Tại sao lại phải chọn văn chương mà không phải một nghề nào khác?

- Văn chương chọn tôi chứ tôi không chọn nó, tôi đã chạy trốn nhưng sau cũng phải quay lại. Tôi không dám coi nó là một nghề, chỉ xem nó là nghiệp, là khát vọng theo đuổi. Gọi là nghề thì phải kiếm cơm bằng nó nhưng hiện tại tôi chưa kiếm cơm được bằng văn chương và cũng không có ý định đó.

Công việc chính là làm kiến trúc và mỹ thuật, nhưng tôi dành nhiều thời gian và con người mình cho sáng tác văn chương, biên kịch, làm thơ. Nghệ thuật luôn có mối giao hoà, nó bổ sung hỗ trợ nhau.

Trong kiến trúc có thơ, trong văn chương có cái giống kiến trúc là cách dẫn dắt tâm lý, cảm xúc của con người. Và quan trọng nhất, từ văn chương tôi có được lý giải cắt nghĩa về con người, về số phận… trong văn chương những nỗi đau, niềm vui, hạnh phúc, nỗi buồn của cuộc đời được nói lên đẹp nhất. Tôi có thể ngập trong văn chương, sống trong đó để quên đi những cái khác, có một không gian văn chương như thế tồn tại trong tôi. Cảm giác cực nhọc nhưng khoan khoái đó chỉ có khi ta viết.

Tác giả: Như Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây