"Con trai" Vũ Trọng Phụng: Nhận cha hay trục lợi?

Thứ sáu - 18/09/2009 12:40 3.621 0

Ông Nghiêm Xuân Sơn - con rể của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng

Ông Nghiêm Xuân Sơn - con rể của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng
"Nếu ông ta nhận mình là con rơi của nhà văn thì còn có thể chấp nhận được, đằng này ông ta lại đường đường chính chính nhận mình là con đầu lòng, từ những năm nhà văn Vũ Trọng Phụng mới 16 tuổi là bịa đặt hoàn toàn".

Ông Nghiêm Xuân Sơn - con rể của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng chia sẻ về việc sau gần 70 năm sau ngày mất của nhà văn, bất ngờ trên nhiều trang web có một người đàn ông tên Vũ Trọng Khanh (đang sinh sống tại Mỹ) tự nhận mình là con trai duy nhất của cố nhà văn.

Tuy nhiên, những thông tin mà ông Khanh viết về cuộc đời và gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng có nhiều điểm khác biệt với những tư liệu từ trước tới nay. Theo đánh giá của gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng, có lẽ việc một số tổ chức quốc tế chuẩn bị trả tiền bản quyền cho các nhà văn có thể là nguyên nhân để ông Khanh lên tiếng tự nhận cha, đây là mục đích nhằm trục lợi chứ hoàn toàn không phải vì quá yêu quý nhà văn.

Có hay không chuyện trục lợi?

Trong những ngày này, căn nhà nhỏ của gia đình ông Nghiêm Xuân Sơn (con rể cố nhà văn Vũ Trọng Phụng) đồng thời là nơi lưu giữ mộ phần của nhà văn, tấp nập người vào ra. Họ là những người yêu mến văn chương của Vũ Trọng Phụng và đều muốn tìm hiểu rõ thực hư chuyện nhà văn có một người con trai độc nhất đang lưu lạc bên nước Mỹ xa xôi đang lên tiếng nhận cha. Ngoài 70 tuổi, ông Sơn còn rất minh mẫn, ông cho biết gia đình có đầy đủ chứng cứ để chứng minh những thông tin ông Vũ Trọng Khanh đưa ra hoàn toàn là sai lệch, bịa đặt và đang xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sơn cho biết: “Trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày mất nhà văn Vũ Trọng Phụng, tôi tham gia một cuộc toạ đàm về nhà văn Vũ Trọng Phụng tại TP HCM. Thời điểm đó, tôi được một người bạn cho biết có thông tin về một người họ Vũ đang sinh sống tại Mỹ tự nhận là con của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Người đàn ông này từng có 3 đời vợ. Sự việc đưa ra khiến tôi hoàn toàn bất ngờ nhưng vì không có chứng cứ nên nhanh chóng rơi vào quên lãng. Nhưng khi ông Khanh tự nhận là con trai duy nhất của nhà văn, lại có quá nhiều chi tiết sai lệch thì tôi không thể im lặng được. Tôi là người con rể duy nhất, là chồng của người con gái độc nhất của nhà văn, người đang trông nom nhà thờ và mộ phần của ông cụ. Tôi rất bất bình khi thấy những thông tin sai về gia đình chúng tôi. Những thông tin xúc phạm đến nhà văn và cả đại gia đình.

Ông Khanh nói bố tôi tên thật là Vũ Văn Tý, còn tên Vũ Trọng Phụng chỉ là bút danh mà bút danh này do ông Phụng quá yêu mẹ ông tên là Phụng mà đặt ra. Ông Khanh cho biết, gia đình ông ta đang giữ những 2 giấy khai sinh nhưng 2 giấy khai sinh đó lại khác nhau năm sinh và nơi sinh (ông nói: 1 cái có ghi ngày sinh là 20.10.1919 nơi sinh là làng Hảo, 1 cái có ghi ngày sinh là 20.10.1912 nơi sinh là Hà Nội).


Cố nhà văn Vũ Trọng Phụng lúc sinh thời (Ảnh cung cấp)

Về giấy khai sinh và ngày sinh của Vũ Trọng Phụng: Hiện nay, gia đình tôi có lưu giữ giấy khai sinh in bằng ba thứ chữ (Tiếng Pháp, Tiếng Hoa, Tiếng Việt). Giấy này đã cho in trong Tuyển tập Vũ Trọng Phụng. Trong đó ghi rõ: Tên khai sinh là Vũ Trọng Phụng. Nơi sinh là: Số nhà 23, phố Hàng Vôi, Hà Nội. Ngày sinh là ngày 20 tháng 10 năm 1913, có đầy đủ chữ ký của người đứng khai: Vũ Văn Ba- cha của nhà văn, chữ ký của các người làm chứng, của Lý trưởng và trưởng khu là ông Nhã ký, đóng dấu. Việc ông Khanh nói nhà văn Vũ Trọng Phụng vì quá yêu mẹ của ông ta nên tự đổi tên thật từ Tý sang là Phụng là không đúng. Tên Vũ Trọng Phụng là tên ghi rõ trong giấy khai sinh của ông và do mẹ nhà văn đặt tên cho. Khi bà nội chúng tôi (mẹ Nhà văn Vũ Trọng Phụng) còn sống, ở với gia đình tôi mười mấy năm trời không thấy cụ nói gì về mẹ con ông Khanh, nhất là cụ có cháu đích tôn, có người nối dõi tông đường thì sao cụ lại bỏ qua? Tại sao suốt cả những năm tháng đó, từ lúc ông Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939 cho đến năm 1954 (coi như năm đó ông di cư vào Sài Gòn), không một lần nào ông Khanh xuất hiện với gia đình nhà văn? Nếu ông ta nhận mình là con rơi của nhà văn thì có thể chấp nhận được, đằng này ông ta lại đường đường chính chính nhận mình là con đầu lòng, từ những năm nhà văn mới 16 tuổi là bịa đặt hoàn toàn.”

Nhiều ngày qua, ông Sơn đã nhờ những người bạn trong nước và nước ngoài dò tìm thông tin, địa chỉ của người đàn ông có tên Khanh để trao đổi, xác minh và “ba mặt một lời” cho rõ trắng đen. Đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể và người đàn ông này vẫn im lặng một cách khó hiểu. Theo ông Sơn phỏng đoán, việc nhận cha này không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà nó trùng với dịp các nhà văn chuẩn bị được trả tiền tác quyền trên mạng Internet. Vũ Trọng Phụng là nhà văn có nhiều tác phẩm, phải chăng đây là lý do để ông Khanh tự nhận mình là con trai của nhà văn? Rõ ràng đây là mục đích trục lợi, vì theo một số người họ hàng của gia đình ông Sơn bên Mỹ, hiện có khá nhiều tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng được in bằng tiếng Việt trên đất Mỹ, phải chăng người đàn ông tên Khanh (với danh nghĩa là con trai độc nhất của Vũ Trọng Phụng) đã lợi dụng điều này để in sách..

Sẽ xét nghiệm ADN để tìm ra sự thật!

Ông Sơn khẳng định rằng ông Khanh bịa đặt chuyện mẹ vợ ông, bà Vũ Mỵ Lương là người đàn bà xấu người, răng đen, nhà quê, có tật bẩm sinh, hai chân khập khiễng. Theo ông Sơn, sự thật là bà Lương rất xinh đẹp, di ảnh vẫn còn đó. Hay như chuyện ông Khanh kể bố ông mắc bệnh lao chết và bắt buộc phải chôn cất ngay trong ngày nên bà nội và kế mẫu ông phải vội vã đem xác bố đi chôn tại nghĩa trang Quảng Thiện thuộc huyện Ngã Tư Sở, tỉnh Hà Đông. “Thật đau lòng khi ông ta lại dựng chuyện đến cả cái chết của nhà văn Vũ Trọng Phụng ông cũng không tha. Ông ta đã nói sai sự thật 100%, cụ thể là: ông Vũ Trọng Phụng chết ngày 13 và là ngày thứ sáu nhưng đến ngày 15 là ngày chủ nhật mới đưa tang, có đông đủ họ hàng và các nhà văn, bạn đọc yêu văn chương ông cũng có những 2 người đọc điếu văn bên mộ ông là Lưu Trọng Lư và Nguyễn Vỹ.


Gia đình ông Nghiêm Xuân Sơn bên phần mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Cụ Nguyễn Bá Đạm - nhà sưu tập tiền cổ nay đã 90 tuổi - là một trong những nhân chứng sống về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ông là người từng nhiều năm gắn bó với nhà văn Vũ Trọng Phụng tại làng Giáp Nhất (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) đã lên tiếng phản ứng lại những thông tin mà ông Vũ Trọng Khanh đưa ra. Cụ Đạm cho biết: “Ông Khanh đã có rất nhiều thông tin sai lệch về cuộc sống của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Những người yêu mến văn chương đều biết đến năm 1931 nhà văn Vũ Trọng Phụng mới bắt đầu nghiệp viết, nhưng ông Khanh đã “gắn” nghiệp này cho nhà văn từ năm 1927. Và tệ hại hơn là ông Khanh đã viết những chi tiết không hay về bà Vũ Mỵ Lương - vợ chính thức của Vũ Trọng Phụng, bà Lương là một cô gái đẹp, nết na và từng được tuyển chọn vào hội đánh cờ người của làng Mọc năm 1934, hay như phần lớn những địa danh từ trước 1945 đến nay ông Khanh đưa ra đều sai lệch”.

Ông Sơn cho rằng, nếu thực sự có chuyện ông Khanh là con thì hãy nhận họ hàng một cách đàng hoàng với đủ bằng chứng. “Tôi mời ông Khanh về quê hương để nhận họ cho rõ, trong trường hợp khó khăn về tài chính, tôi sẽ giúp đỡ, chỉ cần ông ta có địa chỉ, số điện thoại cụ thể. Trong trường hợp không về Việt Namđược, chúng tôi sẽ sang Mỹ để đàm đạo với ông Khanh, thậm chí chúng tôi chấp nhận xét nghiệm ADN để tìm sự thật. Với gia đình chúng tôi, ông Khanh hay bất cứ ai tôn trọng nhà văn Vũ Trọng Phụng, có ý muốn thờ phụng, tưởng nhớ thì ông và gia đình đều vui lòng. Trong trường hợp ông Khanh đúng là con trai nhà văn, thậm chí không phải con trai nhưng vì quá yêu quý nhà văn mà tự nhận là con, nếu có lời cải chính, xin lỗi mà muốn về đây, chăm lo hương khói cho nhà văn thì gia đình tôi cũng sẵn lòng đón nhận...” Ông Sơn chân thành nói.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc trên, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết:

“Tôi đã đến nhà anh chị Vũ Mỹ Hằng nhiều, có lần đến ăn giỗ nhà văn Vũ Trọng Phụng nhưng tôi chưa từng nghe nói có chuyện này. Kể cả trong đám giỗ là lúc người ta hay nhắc đến thân nhân người quá cố, cũng không ai nhắc đến chuyện này. Phải thận trọng, hết sức thận trọng. Bởi vì nếu chuyện này là thật, đó sẽ là việc lớn của nhà văn lớn. Nhưng nếu không có thật, thì lại thêm một chuyện buồn, buồn và hài hước là điều không ai muốn có đối với nhà văn mà hết thẩy chúng ta đều kính yêu.”

Tác giả: Hồng Hà

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây