Ngô Thị Hạnh viết thơ tình cho Sài Gòn

Thứ năm - 27/02/2014 03:03 10.463 0
Được phát hành đúng Ngày thơ Việt Nam (rằm tháng Giêng) và ngày Tình yêu (14/2) năm nay, Thơ tình với Sài Gòn (NXB Thanh niên, quý 1/2014) của Ngô Thị Hạnh đã dành rất nhiều bài thơ cho Sài Gòn - một thành phố bị cho là kém thi vị, rất ít được đưa vào thơ. Ít nhất, trong tập này có 25/40 bài về Sài Gòn.
Tập Thơ tình với Sài Gòn phát hành đúng ngày Tình nhân năm nay
Tập Thơ tình với Sài Gòn phát hành đúng ngày Tình nhân năm nay
“Sài Gòn nó lạ. Nó hút người ta như nam châm. Ghét nó mà không rời nó được; thương nó mà không gần nó được. Đôi khi nó hững hờ, đôi khi nó quấn quít. Nó nắng đó rồi mát đó: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát” (Nguyên Sa), nó con đường đó rồi dòng sông đó: “Phố bỗng là dòng sông uốn quanh” (Trịnh Công Sơn)… Cho nên người ta khó mà làm thơ cho Sài Gòn, nhất là thơ tình như cho Huế, cho Hà Nội. Sài Gòn ồn ào, Sài Gòn hồng hộc, Sài Gòn huỵch toẹt, Sài Gòn toang hoác, và… Sài Gòn tự do” - nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc viết trong lời tựa Thơ tình với Sài Gòn.  

Sài Gòn - thử thách của tình yêu

Trong bài Lô cốt tình yêu, Ngô Thị Hạnh có mấy câu chân thực: “Anh tặng em bản đồ lô cốt/ để cho em di chuyển được đúng giờ/ đường Sài Gòn dạo này đang thẩm mỹ/ chạm chỗ nào cũng nhạy cảm, rất khó… yêu”. Để có kết quả thì mối tình ấy: “Em vẫn thường không đúng giờ đã hẹn/ với lý do lô cốt đổi thay hoài/ thuộc lô cốt đường này, đường kia đã mọc/ bản đồ tình yêu nay lại khác rồi…”.

Trong ít nhất 25 bài thơ tình về Sài Gòn, Ngô Thị Hạnh dường như chỉ ra rằng: thành phố này đang thử thách tình yêu; hay ít ra nó đang “vô trách nhiệm” với tình yêu. Nó thử thách không chỉ vì phố phường xa lạ, khó đi lại, khó gặp nhau, không đủ sự thơ mộng, mà còn vì ở đó đang có quá nhiều người đang yêu, nên rất khó chu toàn hạnh phúc cho tất cả. Đây quả là một cái tứ lạ, nên thơ.

Nhưng cũng chính từ cái ý “đổ lỗi” chuyện tan vỡ, cách ngăn cho Sài Gòn mà tập này có nhiều câu tinh tế: “Chiều nhớ anh hay phố mà da diết/ cầu Khánh Hội, cầu chữ Y, cầu chữ Yêu ai có thể lường/ yêu người quận Tư đến với người quận Tám/ mánh khóe nào em biết thật lòng em?” (Mánh khóe của trái tim). Hoặc: “Con hẻm gầy làm nên hồn của phố/ em mỏng manh như ngọn nắng hanh vàng/ chẳng biết níu giữ anh bằng gì khi trời tối/ phố có là anh, em có phải hẻm gầy?” (Hẻm gầy).

Rõ ràng đây là cách để nói ngược, ngoài miệng thì “đổ lỗi” cho Sài Gòn, nhưng trong sâu thẳm, lại mượn Sài Gòn để làm dấu ấn, làm chứng tích và cả sự bảo đảm cho tình yêu. Chính tâm thế như vậy mà tập thơ có nhiều điểm nhìn phát hiện về Sài Gòn, dường như tiếp nối được tinh thần thi vị trong “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát” của Nguyên Sa từ nửa thế kỷ trước.

Tại sao làm thơ về Sài Gòn?

Khi được hỏi như vậy, Ngô Thị Hạnh tâm sự: “Lắng lòng với thành phố Sài Gòn hoa lệ, tôi viết những bài thơ thể hiện sự đắn đo, trăn trở và chộn rộn của tâm mình. Khi xa Sài Gòn, nhất là ở Huế hoặc Hà Nội, tôi lại nhớ và yêu Sài Gòn hơn bởi thời tiết ấm áp và nồng nàn nắng của nó. Con người Sài Gòn càng đáng yêu hơn, ai đã sống ở đây trên 5 năm, 10 năm… hẳn sẽ được Sài Gòn tác động, không còn biết giận dai, không còn biết câu nệ kiểu cách hay khách sáo không đáng. Người Sài Gòn rất quý trọng thì giờ, nên làm gì, nói gì chẳng cần vong vo…”.

Ngô Thị Hạnh gần đây dành nhiều thời gian biên tập sách, khai thác bản thảo và viết kịch bản phim… nhưng dường như đây chỉ là công việc của bề nổi. Bề chìm vẫn dành cho thơ, ngấm ngầm mà sâu đậm.

“10 năm 4 tập thơ, không nhiều, nhưng là những chắt chiu của tôi. Có thể có người thích, người không, nhưng thơ vẫn là tình yêu đối với tôi. Khi có tứ thơ thì không thể không viết dù lúc đó có đang bận đi chăng nữa. Nhất là khi lắng lại, sau những công việc chộn rộn, tôi vẫn luôn có một cuốn sổ viết tay dành riêng cho thơ”.

Nguồn tin: TT&VH

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây