Ra mắt sách về tình bạn Quách Tấn, Nguyễn Hiến Lê

Thứ ba - 21/12/2010 04:03 2.517 0

Cuốn "Những bức thư đầm ấm" thể hiện tình bạn văn chương sâu sắc giữa Nguyễn Hiến Lê và Quách Tấn.

Cuốn "Những bức thư đầm ấm" thể hiện tình bạn văn chương sâu sắc giữa Nguyễn Hiến Lê và Quách Tấn.
14h30 ngày 18/12, tại cà phê sách Phương Nam, số 2A, Lê Duẩn, quận 1, TP HCM diễn ra buổi giới thiệu cuốn 'Những bức thư đầm ấm'. Sách tập hợp nhiều bức thư (viết tay) của hai người bạn, hai trí thức văn chương nổi tiếng của Việt Nam.

Buổi ra mắt sách có sự tham gia của gia đình các nhà thơ Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê... vốn là những người cùng thời với Quách Tấn và Nguyễn Hiến Lê, cùng nhiều độc giả.

Nguyễn Hiến Lê tự là Lộc Đình sinh ngày 8/1/1912 tại Hà Nội, quê làng Phượng Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây. Gia đình ông thuộc dòng Nho học, thân phụ và bá phụ vì tham gia phong trào Duy Tân ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục nên phải ẩn mình tại Đồng Tháp Mười. Nguyễn Hiến Lê tốt nghiệp cao đẳng Công Chánh Hà Nội năm 1934, được bố trí làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và định cư luôn ở đây. Ông là nhân viên thuộc ngành công chánh (về thủy lợi). Sau Cách mạng tháng Tám ông thôi việc, đi dạy học rồi năm 1952 thôi dạy lên Sài Gòn sống bằng ngòi bút. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1935, với các thể loại du ký, ký sự, tiểu luận, dịch thuật… Tác phẩm đầu tay là cuốn du ký Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười.

Nguyễn Hiến Lê sáng tác trên nhiều lĩnh vực như: văn học, ngôn ngữ học, triết học, sử học, gương danh nhân, giáo dục, tự luyện đức trí, cảo luận, dịch thuật, du ký. Ngoài ra ông còn viết bài trên các báo tại Sài Gòn. Tính đến năm 1975, ông xuất bản đúng 100 tác phẩm. Ông là văn sĩ đầu tiên ở miền Nam từ chối giải thưởng văn chương của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Năm 1980 ông về cư trú tại Long Xuyên và mất tại Sài Gòn ngày 22/12/1984, hưởng thọ 72 tuổi.

Quách Tấn tự Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, tiểu hiệu Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão Giữ Vườn. Ông sinh ngày 4/1/1910 tại thôn Trường Định, huyện Bình Khê (Tây Sơn) tỉnh Bình Định. Thân phụ là Quách Phương Xuân, thông thạo chữ Pháp, thân mẫu là Trần Thị Hào giỏi chữ Hán. Ông mất tại Nha Trang vào ngày 21/12/1992, hưởng thọ 83 tuổi.

Ông học tại trường Pháp Việt Quy Nhơn và đậu bằng thành chung năm 1929, vì hoàn cảnh gia đình nên không học lên mà đi làm việc để nuôi hai em. Năm 1930 làm phán sự tại tòa Khâm sứ Huế, sau chuyển lên Đà Lạt rồi về Nha Trang. Năm 1945, ông tản cư về Bình Định tham gia kháng chiến với chức vụ thủ quỹ cho Ủy ban ủng hộ kháng chiến và Mặt trận liên hiệp quốc dân huyện Bình Khê. Năm 1949, nhà thơ chuyển sang ngành giáo dục rồi về Nha Trang sau hiệp định Geneve năm 1954, làm lại nghề thư ký hành chánh. Năm 1965 khi về hưu, ông sống chuyên về nghề viết văn.

Quách Tấn tập làm thơ từ lúc học lớp đệ nhất trường Quy Nhơn. Lúc ra trường đã thông thạo các thể thơ Đường luật và Việt Nam. Ông bước vào làng văn thơ từ năm 1932, chuyên về thơ Đường luật, được Tản Đà dìu dắt và làm bạn với Hàn Mặc Tử. Nhờ có thầy có bạn mà ông vững bước trên đường sáng tác dù lúc bấy giờ phong trào thơ mới đang nở rộ. Ông cũng là người từ chối giải văn học của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 như nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Về văn, ông có viết địa phương chí, ký, bàn về luật thơ… Năm 1939, ông xuất bản tập thơ đầu tay Một tấm lòng (Tản Đà đề tựa, Hàn Mặc Tử đề bạt).

Tác giả: B.T.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây