Jiji - dấu ấn của văn chương phi lý

Thứ năm - 18/11/2010 03:43 2.139 0

Jiji - dấu ấn của văn chương phi lý

Đọc xong “Jiji”, hẳn sẽ có nhiều người ngạc nhiên vì sự già dặn của một cây bút còn rất trẻ. Những trường đoạn bất tận đậm chất văn học Nam Mỹ cũng như cách dùng từ của thập niên trước dễ làm độc giả lầm tưởng đây là cuốn sách của một tác gia lão luyện. Tuy nhiên, trong bài bình luận này, tôi tạm thời không bàn tới độ tuổi của tác giả, vì một khi đã đứng trước văn học thì nhà văn dù già hay trẻ cũng đều có một sứ mệnh như nhau: chuyển tải cái đẹp của ngôn ngữ, và đều phải có trách nhiệm với ngòi bút của chính mình.

Điều tôi muốn nói ở đây, chính là yếu tố mới mẻ trong phong cách hành văn của Hồ Minh Long. Cái mới dĩ nhiên sẽ có người thích kẻ không, cũng như thử nghiệm sẽ dẫn tới thành công hay thất bại, thậm chí cả hai. Nhưng chắc chắn rằng một khi đã chấp nhận rủi ro để thử thách bản thân, thử thách độc giả, thì người thử nghiệm luôn luôn “được” chứ không “mất”. Cái được ở đây chính là kinh nghiệm - thứ mà bất cứ nhà văn nào cũng cần để hoàn thiện bút lực của mình. Trong những năm gần đây, văn đàn Việt Nam chứng kiến ngày một nhiều những cây bút phá cách, đổi mới, tự bứt mình ra khỏi văn chương truyền thống và rất nhiều trong số họ đã thành công. Có thể kể ra vài cái tên quen thuộc như Nguyễn Ngọc Thuần với “Chuyện tào lao”, Nguyễn Danh Lam với “Giữa vòng vây trần gian”, Lê Anh Hoài với “Tẩy sạch vết yêu”, Phong Điệp với “Blogger”.

Phong cách chung của những gương mặt kể trên, chính là chủ nghĩa hậu hiện đại với những câu chuyện hầu như không có nội dung rõ ràng hay cốt truyện cụ thể, mà có khi chỉ là những mảnh ghép vụn vặt về những vấn đề hết sức tầm thường. Tuy nhiên, bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, những nhà văn trên đã dựng lại những câu chuyện tưởng như vu vơ dưới những góc nhìn vô cùng thú vị. 10 truyện ngắn trong tập “Jiji” cũng có chung một tư tưởng như vậy. Với giọng văn phi lý rất Kafkaesque, người đọc dễ dàng bị shock bởi sự kỳ quặc ngự trịở tất cả các trang sách. Trong truyện “Một chuyến du lịch khác”, cái gọi là “chuyến du lịch” của nhân vật chỉ kéo dài từ phòng ngủ tới… cửa ra vào. Hay như trong truyện “Điều chưa bao giờ”, nhân vật suýt chết ngộp trong một căn nhà-tưởng-như-đóng-kín-cửa.

Có thể kể ra đây hai điều phi lý tạo nên sức hấp dẫn cho cuốn “Jiji”:

Điều phi lý thứ nhất: khác với những tác phẩm thông thường, những mấu chốt quan trọng trong các câu chuyện của Hồ Minh Long được tác giả giấu rất kỹ dưới những câu văn sơ sài, thậm chí chỉ nhắc lướt qua một lần. Trong khi đó những chi tiết ảo hay các sự vật tượng trưng lại được miêu tả bằng những ngôn từ hoa mĩ nhất. Ví dụ trong các truyện “Người đàn bà béo biết bay”, “Chiếc xe đạp của quý bà”, “Những ghi chép đáng kinh ngạc về một căn bệnh”, Hồ Minh Long dẫn dắt độc giả đi qua vô vàn chi tiết, hình ảnh để khẳng định nội dung của truyện; thế nhưng khi đến đoạn chót, người đọc mới bật ngửa vì những nội dung đó thực ra không hề tồn tại. Cái duy nhất tồn tại là óc tưởng tượng được đẩy đến tận cùng và cảm giác chới với vì ý nghĩa bị đánh cắp. Có thể coi đây là một bút pháp cực kỳ táo bạo, khi tác giả từ đầu đến cuối viết về cái không đúng, rồi đến phút chót tung hê tất cả, giống như lật úp một cái đồng hồ cát cho suy nghĩ của độc giả chảy ngược chiều để tìm ra cái chân lý sau cùng.

Điều phi lý thứ hai chính là ở cách hành văn và xây dựng tình huống hết sức quái gở. Nếu độc giả tìm kiếm một cuốn sách suôn sẻ, vui tươi, dễ đọc, thì có lẽ “Jiji” không phải là sự lựa chọn hợp lý. Bởi trong hầu hết các truyện, Hồ Minh Long dùng lối viết “quay cuồng” như một kẻ “say văn”. Không những thế, cách dùng từ của tác giả cũng không hề bình thường. Dường như Hồ Minh Long không đặt nặng vấn đề ngữ nghĩa, mà bâng quơ nhặt ở đây một từ, nhặt ở đó một chữ, sắp xếp lại rồi đưa vào đoạn văn. Rõ ràng nhà văn không hề có ý định để độc giả của mình đọc hết câu chuyện một cách dễ dàng, mà buộc họ phải dừng lại, nghiền ngẫm tại sao dùng từ này, tại sao chi tiết này lại nằm ở đây v.v… Lối viết thử thách độc giả này có thể sẽ khiến nhiều người ghét “Jiji”, nhưng cũng có thể làm cho một số người khác thích nó.

Trong số 9 truyện ngắn, tôi đặc biệt yêu thích truyện “Thăm em Tuổi Nhỏ” bởi yếu tố thơ mộng của nó. Những hình ảnh được sử dụng trong truyện đều mang ý nghĩa tượng trưng, từ những thân cây, hương hoa huệ trắng, cho đến ấm trà và cơn mưa phùn bất chợt ghé qua. So với 9 truyện còn lại của “Jiji”, ngôn từ trong “Thăm em Tuổi Nhỏ” giản dị hơn nhưng cũng không kém phần tinh tế, đủ khiến người đọc xúc động về câu chuyện một ngày mưa lành lạnh, nhân vật quay lại chốn cũ thăm thời thơấu của mình. Đây không chỉ đơn giản là một truyện ngắn tự sự, mà còn là một bài bình luận đầy chất thơ mà Hồ Minh Long dành tặng cho một trong những tác phẩm đáng nhớ nhất của “ông hoàng thơ tình Việt Nam”.

Với cách viết công phu, đầy bản lĩnh, mỗi một truyện ngắn trong “Jiji” đều có nhiều tầng ý nghĩa, phản ánh nhiều mặt trong nội tâm con người cũng như các vấn đề xã hội. Nhìn từ một góc độ này, vài truyện có thể coi như một dạng “tiểu thuyết mini” bởi sức nặng của những thông điệp mà nó chuyển tải. Với cuốn sách đầu tay, hy vọng con đường văn học của Hồ Minh Long sẽ còn dài và sẽ ghi dấu ấn thêm nhiều thử nghiệm mới mẻ khác nữa.

Tác giả: Nguyễn Sỹ Phú

Nguồn tin: Tôn vinh văn hóa đọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây