'Vua lặn' ở đảo Lý Sơn

Thứ tư - 08/05/2013 23:42 1.111 0
Hít thở thật sâu, ông Thượng ôm cục đá nặng hơn 9 kg lao xuống biển. Hai tay sải rộng, chân quẫy đạp mạnh, ông xuyên sóng nước đến độ sâu 67 m.
Dù ở tuổi 72 nhưng sáng nào
Dù ở tuổi 72 nhưng sáng nào "Vua lặn" Bùi Thượng vẫn ra vùng biển đảo Lý Sơn phía trước nhà bơi lặn để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Trí Tín.

Men theo đường làng về xã An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi), căn nhà cổ ba gian của ông Bùi Thượng chỉ cách mép biển vài chục mét. Sáng nào ông cũng ra biển bơi, tập thể dục đón bình minh cho thỏa nỗi nhớ những ngày tháng vẫy vùng ở đại dương. Dù ở tuổi 72 nhưng cơ bắp của ông vẫn chắc nịch, giọng nói sang sảng.

Mân mê chiếc cúp vàng sáng rực, ông Thượng kể, tháng 8/1963, đặc phái viên của tổng thống Việt Nam Cộng hòa, bác sĩ Nguyễn Thành Nhơn dẫn đầu đoàn công tác ra đảo Lý Sơn tổ chức cuộc thi lặn sâu, tuyển chọn thợ lặn giỏi nhất. Từng đoàn thuyền nối nhau về đông vui như hội, cờ xí tung bay cổ vũ những thợ lặn trong vùng duyên hải miền trung thi thố tài năng.

Cuộc thi lặn gồm các môn tự do, sải tay và đạp chân xem ai xuống biển sâu nhất, tính thời gian ai nín thở dưới nước lâu nhất. 60 thanh niên từ khắp nơi tụ hội về đảo. Khi ấy mới 22 tuổi, nhìn ai cũng cuồn cuộn cơ bắp, Thượng lo lắng lắm, nhất là khi có sự xuất hiện của Lê Luân vốn là thanh niên nổi tiếng lặn giỏi ở Cù Lao Ré.

"Luân về nhất nội dung nín thở dưới nước đến 25 phút, còn tôi chỉ được 20 phút nên về nhì. Trên bờ, mọi người vỗ tay ca ngợi Lê Luân không tiếc lời", ông Thượng kể và cho biết đến phần thi lặn sâu, các đối thủ khắp nơi dần bị loại chỉ còn ông so tài với Luân.

Nghệ nhân Võ Hiển Đạt (80 tuổi) ở xã An Vĩnh nhớ lại, lúc đó, Luân lao mình xuống nước như con rái con, chẳng mấy chốc đã đến độ sâu 65 m. Còn Thượng có vẻ lo lắng nhiều. Sau khi hít thở thật sâu, Thượng ôm cục đá nặng hơn 9 kg lao ùm xuống biển.

"Hai tay sải rộng, chân quẫy đạp mạnh, ông ấy xuyên sóng nước đến độ sâu 67 m. Mọi người vỗ tay rần rần. Nhờ thành tích lặn biển sâu nhất nên ông Thượng vinh dự đoạt cúp vàng Quốc gia. Từ ấy về sau, nhân dân địa phương thán phục thường gọi ông là 'Vua lặn Lý Sơn'", cụ Đạt kể.

Ông Bùi Thượng tự hào bên cúp vàng Quốc gia vì thành tích lặn biển sâu nhất. Ảnh: Trí Tín.
Ông Bùi Thượng tự hào bên cúp vàng Quốc gia vì thành tích lặn biển sâu nhất. Ảnh: Trí Tín.

Vô địch cuộc thi lặn sâu, ngoài phần thưởng là cúp vàng Quốc gia và khoản tiền lớn, ông Thượng còn được Ban tổ chức đưa vào đất liền tiếp tục huấn luyện kỹ thuật lặn miễn phí. Sau chuyến tập huấn trở về, ông Thượng truyền đạt kinh nghiệm cho bạn chài ở đảo Lý Sơn rồi cùng góp vốn đóng tàu ra khơi. Suốt 30 năm ngang dọc vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, trong vai trò tổng chỉ huy, chuyến biển nào trở về tàu của ông Bùi Thượng cũng đầy ắp thủy sản.

"Lúc đầu, chúng tôi ra khơi trên tàu nhỏ khoảng 20 CV, chứa khoảng 6 tấn cá. Vừa ra đến Hoàng Sa làm vài giờ là cá đã đầy khoang. Vùng biển ấy cá nhiều vô kể nên các tàu của ngư dân Lý Sơn vào ra như đi chợ hàng ngày", ông Thượng ví von.

Hơn 25 năm hành nghề lặn biển, ngư dân Bùi Lý lúc nào cũng "nằm lòng" những bài học thực tế do ông Thượng tận tình truyền đạt. "Nhờ ông ấy bày cho kỹ thuật lặn biển mà nhiều năm qua, bà con ngư dân ra khơi hạn chế được rủi ro, liên tục trúng lớn có của ăn của để, nuôi con cái ăn học đàng hoàng", ông Lý cho biết.

Ngư dân này còn nhớ như in những chuyến đi biển do ông Thượng làm thuyền trưởng đã "trúng đậm" cá. Nào là cá hồng, cá mú nặng 20-30 kg, có khi câu được cá mập nặng đến 350 kg. Ngư dân ra Hoàng Sa lúc ấy chủ yếu câu tay, dùng mồi cá nục, cá đỏ củ để nhử cá lớn. Mỗi khi cá mập dính câu, 10 anh em trên tàu phải thay phiên kéo suốt 5 giờ liền chờ cho cá kiệt sức. Sau đó dùng sợi cước to, khoanh tròn làm thòng lọng thả xuống tròng dưới bộ vi cùng một số ngư dân lặn dưới nước hợp sức kéo cá lên tàu.

Nhờ bơi, lặn giỏi, ngư dân Lý Sơn liên tục
Nhờ bơi, lặn giỏi, ngư dân Lý Sơn liên tục trúng đậm mẻ cá ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Trí Tín.

Giờ đây, dù ông Thượng đã nghỉ nghề biển nhưng lúc nào cũng hướng dẫn kỹ thuật lặn cho các ngư dân trẻ Lý Sơn. Ông giảng giải, lặn biển mà ỷ lại sức khỏe thì dễ rước họa vào thân. Chẳng hạn như lặn sâu 60 m, trước khi ngoi lên mặt nước thì phải giảm áp gấp đôi thời gian lặn. Lặn càng sâu thì nước càng lạnh, áp suất nước càng cao. Các lỗ chân lông bị lực ép của nước hở rộng ra, nếu không tuân theo quy trình giảm áp thì bị teo cơ, bại liệt, nặng thì tử vong.

Nói về "Vua lặn Lý Sơn", ông Mai Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, ông Thượng là người đức độ, gần gũi và được bà con ngư dân nể phục vì lặn biển giỏi. Nhiều lần xã mời ông dự các cuộc họp để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn phương pháp lặn để ngư dân trẻ yên tâm bám biển dài ngày.

Trí Tín

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây