'Dạy trẻ học thuộc văn mẫu là bót nghẹt tư duy sáng tạo'

Thứ năm - 09/05/2013 01:43 701 0
"Nhiều giáo viên tiểu học bắt học sinh phải học thuộc văn mẫu để viết theo. Như thế là chạy theo thành tích, bóp nghẹt tư duy sáng tạo của trẻ", cô Vũ Thị Mai Chi (giáo viên giỏi Tiểu học Nam Thành Công) chia sẻ.

Có hơn 20 năm kinh nghiệm dạy học sinh tiểu học, cô Vũ Thị Mai Chi, giáo viên Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) cho biết, dạy văn cho trẻ cấp 1 rất nan giải. Học sinh còn bé, phải nói nhiều và tìm phương pháp để các em có thể tiếp thu. Mặt khác, việc dạy kiêm nhiệm nhiều môn ở tiểu học cũng khiến giáo viên khá vất vả.

"Tiếng Việt, tập đọc đã khó rồi, tập làm văn lại càng khó hơn. Đặc biệt, để truyền cảm hứng yêu văn cho trẻ đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp và thật khéo léo", cô Chi nói và kể, khi mới vào nghề cô phải loay hoay tìm cách giảng dạy sao cho học sinh dễ hiểu nhất. Có tiết tập làm văn chỉ 40 phút nhưng cô dạy gấp rưỡi thời gian vẫn chưa hài lòng.

Theo cô Chi, tất cả áp lực trên khiến một số giáo viên thiếu kiên nhẫn, chọn cách bắt học sinh phải học thuộc văn mẫu rồi viết lại y nguyên. Cô Chi kiên quyết phản đối cách dạy trên bởi "đó không phải là phương pháp mà là cách giáo viên chạy theo thành tích, bóp nghẹt tư duy sáng tạo của trẻ". Ngoài ra, vốn từ của trẻ chỉ bó hẹp trong khuôn khổ bài văn mẫu, khi gặp những đề khác chưa được đọc, được làm, các em sẽ không biết triển khai hoặc viết rất ngô nghê.

Đồng quan điểm, nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại (nguyên giáo viên Văn, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều) cho rằng việc bắt học sinh học thuộc văn mẫu làm trẻ mất khả năng cảm nhận, khả năng diễn đạt kém. Hơn nữa, để học thuộc bài văn mẫu là vô cùng khó, nếu đang viết dở trẻ quên mất thì không biết làm tiếp thế nào.

Vợ thầy, cô Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên chuyên Văn trường Trưng Vương kể, khi đón học sinh tiểu học lên, hầu hết không biết viết văn. Cho đề miêu tả về hồ Gươm thì 40 em đều viết "hồ như một chiếc gương hình bầu dục". "Đó là câu văn mẫu, một người viết thì hay nhưng nhiều người viết đọc lên rất khó chịu", cô Dung nói và cho rằng văn mẫu không hay bởi đó là văn của người lớn, trau chuốt, lung linh. Bằng cái nhìn của trẻ, văn sẽ thật, xúc cảm và hay hơn nhiều.

"Thực tế có nhiều giáo viên tiểu học bắt học sinh phải học thuộc văn mẫu để viết theo. Đây không phải là phương pháp dạy mà là cách các cô chạy theo thành tích", cô Chi nói. Ảnh: Hoàng Thùy.

Cho rằng việc dạy tập làm văn cho học sinh tiểu học không phải dễ, song cô Kim Dung chia sẻ, chỉ cần chịu khó tìm tòi, biết cách sắp xếp thời gian thì việc dạy tốt không phải là khó. Khi dạy trẻ làm văn, hãy giúp các em xây dựng từ điển mini. "Bố mẹ, thầy cô nên hướng dẫn trẻ cách sử dụng văn mẫu như tài liệu tham khảo, học cách bố cục, triển khai vấn đề chứ không phải bê nguyên văn mẫu ra viết lại. Cá biệt có một vài em quá kém mới hướng dẫn học thuộc văn mẫu để viết theo trong trường hợp bí quá, để dần dần các em quen với làm văn và tự làm được", cô Kim Dung nói.

Cô Mai Chi thì chia sẻ, trong các giờ dạy văn, giáo viên nên tìm cách truyền cảm hứng học cho học trò. Mỗi buổi học, cần tạo các nhóm để học sinh thi đua nhau, tạo chủ đề học tập để hệ thống lại kiến thức. Ngoài ra, việc tổ chức các trò chơi tiếng Việt như mở rộng vốn từ, đố vui… sẽ khiến học sinh thêm hào hứng.

* Bài văn được điểm 10 của học sinh chuyên Toán Trưng Vương

Còn theo thầy Đặng Đình Đại, trong quá trình dạy, giáo viên cần linh hoạt hướng dẫn học sinh làm bài. Ví như bài đọc tả về hồ Gươm, học sinh cả nước đều học chung. Nhưng ở từng địa phương giáo viên nên đưa trẻ đi thực tế, hướng dẫn cách quan sát, miêu tả và từ đó uốn nắn. Nên hướng dẫn các em tả những gì gần gũi, có thể quan sát được. Như ở Huế nên tả sông Hương, ở buôn làng thì tả hồ ở bản..., không nên để các em miêu tả trong tưởng tượng.

"Nói trẻ viết ngô nghê nhưng đó là theo cách nhìn của người lớn, thực ra nó rất thật theo cái nhìn của trẻ. Giáo viên hãy khuyến khích, khen sự tiến bộ của trẻ so với nó chứ đừng so với em khác. Từ đó trẻ thấy mình tiến bộ, thấy thích học hơn. Vai trò của giáo viên là định hướng và giúp trẻ miêu tả hay, đúng về kiến thức", thầy Đại nhấn mạnh.

Theo thầy Đại, ở cấp một nên yêu cầu học sinh viết đoạn văn, nhiều đoạn sẽ thành bài vì văn miêu tả ít khi đứng riêng biệt. Với tư duy non nớt của trẻ, nếu yêu cầu viết một bài từ đầu đến cuối là quá nặng.

Thầy Nguyễn Quang Ninh, khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, có nhiều con đường để người dạy giúp học sinh học giỏi môn văn. Nhưng trước hết phải giúp các em biết cách tiếp cận đối tượng, cách làm bài. Muốn học giỏi văn cũng cần học thuộc văn mẫu để lấy ý tưởng, cách triển khai, câu từ, nhưng không có nghĩa là viết lại mà phải biến những chất liệu đó thành của mình.

“Ở nhà tôi cũng cho cháu nội đi học thuộc văn, nhưng không phải thuộc từng dấu chấm, phẩy mà là tổng quan về một bài văn. Ví dụ như tả người thì cần giới thiệu về người đó, ngoại hình, nội tâm, tình cảm của con dành cho người đó”, thầy Ninh nói và cho hay, ở trường đại học, những giáo viên văn tương lai được trang bị lý luận cơ bản về việc dạy học nhưng một số em sau khi ra trường vận dụng chưa tốt trong quá trình giảng dạy.

Hoàng Thùy

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây