Thoát khỏi thuỷ thần trong gang tấc

Thứ năm - 13/06/2013 00:54 1.807 0
"Mình chỉ kịp la ầm lên kêu mọi người thức dậy rồi chạy ra cái cây trước nhà leo lên thật cao. Ở trên nhưng mình cứ sợ cây sẽ đổ do nước chảy quá siết, cuốn đồ vật đi rào rào...", anh Kpă Pui kể lại giây phút thoát khỏi dòng nước dữ.
Xót xa nhìn nương rẫy, hoa màu bị dòng nước dữ từ đập thuỷ điện Ia Krêl 2 cuốn phăng tất cả. Ảnh: Tuỳ Phong

Một ngày sau khi đập thủy điện Ia Krêl 2 (làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai) bị vỡ, cảnh tượng tan hoang phủ đầy vùng hạ lưu của con đập bởi có nhiều nông dân canh tác hoa màu và cây công nghiệp ở đấy.

Cũng như rất nhiều người dân ở xung quanh đập thủy điện Ia Krêl 2, em Rơ Châm Hương (17 tuổi) tưởng rằng mình không thể sống sót khi sự cố xảy ra. "Như là thoát khỏi tay tử thần đó", vẻ mặt thiếu nữ còn nguyên vẻ bàng hoàng.

Hương kể, gia đình em có 2 ha rẫy ở dưới hạ lưu đập thủy điện. Trước hôm xảy ra sự cố, tổng cộng 20 người trong gia đình em đã lên rẫy làm và ngủ luôn ở đó. Rạng sáng 12/6, trong lúc mơ màng, Hương ghe rõ tiếng nước chảy rất mạnh nên nói với cha nhưng ông lại cho rằng đó là tiếng xe chạy. Khi tiếng "ầm ầm" càng lúc càng dữ dội, cha Hương bật đèn pin soi thử thì thấy dòng nước đang dâng rất nhanh, cuồn cuộn.

Hốt hoảng, cả gia đình phải hè nhau chạy lên đồi cao. Nhiều người ngã lên ngã xuống vì quá sợ, mấy đứa nhỏ cũng kêu khóc inh ỏi do bị đánh thức lúc còn ngái ngủ. Khi đã an toàn ở trên đồi, mọi người nhìn lại thì thấy chiếc lều (nằm cách xa mặt suối hàng chục mét) cùng toàn bộ lúa và mì do gia đình vất vả làm lụng bị đã dòng nước cuốn phăng.

"May mà phát hiện kịp thời chứ không mất mạng như chơi. Nhưng bao nhiêu công sức cả nhà làm trong mấy tháng trời giờ đã mất tất cả. Chẳng biết sắp tới cả hơn 20 người sẽ sống bằng gì", Hương nói.

Hoa màu ngả rạp. Ảnh: Tuỳ Phong

Cũng may mắn thoát khỏi tay thủy thần, ông Siu Deo (53 tuổi) bảo đến bây giờ vẫn còn sợ. Chẳng biết nước ở đâu đổ về mà nhiều quá, cây cối cứ run cầm cập tưởng chừng như bật gốc. Lúa rẫy, mỳ cùng căn chòi rẫy của ông đã bị dòng nước lôi đi hết sạch. "Nhờ phát hiện sớm chứ nếu không mấy đứa con đang ngủ say trong rẫy của mình về với Yang rồi. Giữ được tính mạng nhưng rồi sắp tới đây, chẳng biết gia đình mình lấy gì mà ăn", ông Deo buồn bã.

Còn anh Kpă Pui (ngụ xã Ia Dom) kể lại, khoảng 6h anh thức dậy, nhìn quanh thấy nước đã lênh láng, đổ rất mạnh. "Mình chỉ kịp la ầm lên kêu mọi người thức dậy rồi chạy ra cái cây trước nhà leo lên thật cao. Ở trên nhưng mình cứ sợ cây sẽ đổ do nước chảy quá siết, cuốn tất cả đồ vật, lúa, mỳ đi rào rào. Đến giờ mình vẫn còn sợ, từ thời cha sinh mẹ đẻ mới thấy cái nước hung hãn như vậy. Ở trên cây một lúc lâu thì tôi được cán bộ đến cứu", anh Pui nói và cho biết sau đó mới biết có rất nhiều người cũng may mắn thoát chết do trèo lên cây cao như mình.

Thiếu tá Đàm Đức Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cho biết, sau khi xảy ra sự cố vỡ đập, bộ đội Biên phòng đã tham gia giải cứu được 8 người ở trên ngọn cây tránh lũ. Trong đó có 2 công nhân công ty cao su 72 và 6 người dân thuộc các thôn, làng, xã Ia Dom. Ngoài ra, bộ đội biên phòng cũng đã đưa được 30 người dân khác tại khu vực nguy hiểm về nơi an toàn.

Đá cũng bị cuốn theo dòng nước rào rào. Ảnh: Tuỳ Phong

Liên quan đến việc xây dựng thủy điện Ia Krêl 2, nhiều người dân có đất nằm trong lòng hồ bức xúc rằng, cho đến giờ này, chủ đầu tư sau khi lấy đất của họ đã chẳng đền bù hay bố trí tái định canh thỏa đáng. Họ đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ bởi "dân đã làm đơn kiến nghị nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết".

Lão nông Võ Thanh Nhi (xã Ia Dom, chủ hộ 7 miệng ăn) cho hay, ông có 2,3 ha đất rẫy thuộc loại màu mỡ nằm trong dự án thủy điện Ia Krêl 2 của công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai. Phó giám đốc công ty này là Bạch Đức Nam đã bố trí cho ông 1,3 ha đất khác cằn cỗi, đầy sỏi đá không thể canh tác được. "Tôi đã nhiều lần đề nghị xem xét đền bù thiệt hại trong thời gian không có công ăn việc làm cũng như bố trí đất để gia đình ổn định cuộc sống, đại diện công ty đã hứa sẽ đáp ứng nguyện vọng nhưng đến giờ vẫn chẳng thấy thực hiện", ông Nhi bức xúc.

Tương tự là trường hợp của ông B’Hem (xã Ia Dom) có 3 ha đất nằm trong lòng hồ, nhưng công ty Bảo Long chỉ bố trí định canh cho ông 8 sào đất xấu. Cả nhà đã làm cật lực nhưng không đủ ăn.

Về vấn đề này, Đảng ủy xã Ia Dom xác nhận, dân kiện đúng bởi công ty Bảo Long đã không hỗ trợ thỏa đáng cho họ. Xã đã nhiều lần tổ chức hòa giải giữa công ty với người dân. "Công ty đã hứa khắc phục, song đến giờ này người dân vẫn chưa được đáp ứng nguyện vọng. Chúng tôi đã chuyển vụ việc ra huyện giải quyết mà đến giờ vụ việc vẫn chưa đâu vào đâu", một lãnh đạo xã cho biết.

Ruột đập thuỷ điện Ia Krêl 2 chỉ toàn đất, có nhiều vết nứt nhưng chủ đầu tư khẳng định "rất chắc chắn". Ảnh: Tuỳ Phong

Liên quan đến thiệt hại của việc vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2, theo thống kê ban đầu của UBND tỉnh Gia Lai, tính đến thời điểm này chưa phát hiện thiệt hại về người. Tuy nhiên đã có 69 ngôi nhà bị ngập, 1 cây cầu đang thi công bị trôi, thiệt hại khoảng 200 ha hoa màu.

Trao đổi với VnExpress, ông Bạch Đức Quang, giám đốc công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai (chủ đầu tư thủy điện Ia Krêl 2) cho rằng nguyên nhân vỡ đập "là sự cố chứ không phải do chất lượng công trình không đảm bảo chất lượng" như nhận định ban đầu của cơ quan chức năng.

Theo ông Quang, trong thân đập phía dưới đáy có một cống dẫn nước. Trong quá trình sử dụng, cống này có thể có đoạn bị yếu, sau này khi đắp đập thì đập trùm lên cống đó luôn. Quá trình đắp đập, độ lu rung khi thi công đến mấy chục tấn khiến tạo ra một vết nứt nào đó trên thân cống dẫn đến nước luồn qua đó phá thân đập. "Chúng tôi đang tập trung xử lý nhanh sự cố. Tôi đang đi công tác nhưng sẽ nhanh chóng về Gia Lai để giải quyết đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do đập bị vỡ", ông Quang nói..

Tác giả: Tùy Phong

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây