Phát hiện 14 thanh đá giống đàn đá Tuy An

Thứ năm - 13/06/2013 21:15 1.912 0
14 thanh đá lạ vừa được phát hiện có nhiều hình dạng và màu sắc, khi dùng đá hay gỗ gõ vào thì phát ra âm thanh rất giống bộ đàn đá Tuy An (Phú Yên) được tìm thấy năm 1990.

Ngày 13/6, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Yên đã cử cán bộ Bảo tàng Phú Yên đến nhà vợ chồng anh Đinh Hải Hưng thôn Trung Lương 1, xã An Nghiệp (huyện Tuy An, Phú Yên) để xác minh thông tin và hiện vật.

14 thanh đá được anh Hưng phát hiện trong khi đang đào tìm cây dược liệu. Ảnh: Thiên Lý.

Hiện chưa có kết luận chuyên môn đối với 14 thanh đá. Lãnh đạo huyện Tuy An và xã An Nghiệp cũng làm việc và đề nghị vợ chồng anh Hưng bảo quản không để thất thoát hiện vật.

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy An cho biết, huyện đã báo cáo tỉnh và đề nghị các cơ quan chức năng, chuyên môn sớm thẩm định giá trị các thanh đá nói trên.

Trước đó, trong khi đang đào tìm cây dược liệu (xáo tam phân), vợ chồng anh Hưng phát hiện 14 thanh đá cách mặt đất khoảng 30 cm ở khu vực rừng Đá Đen (thuộc thôn 1, xã An Xuân, huyện Tuy An). Thấy những thanh đá có hình thù khác lạ, phát ra âm thanh hay nên mang về nhà.

Các thanh đá có màu trắng ngà, lõi màu xanh đen, nhiều hình dạng (chữ nhật, hình thang, hình cánh cung) và kích thước lớn, nhỏ không đều nhau, khá giống với bộ đàn đá Tuy An được phát hiện năm 1990, nhưng kích thước nhỏ hơn. Anh Hưng cho biết thanh đá lớn và dài nhất khoảng 38 cm, rộng 13 cm, nặng 4,5 kg; thanh nhỏ và ngắn nhất có chiều dài 18 cm, chiều rộng 4,5 cm, nặng 0,6 kg.

Khi dùng đá hoặc gỗ gõ vào các thanh đá thì phát ra âm thanh.

Địa điểm anh Hưng phát hiện 14 thanh đá này cách nơi phát hiện bộ đàn đá Tuy An (năm 1990) khoảng 15 km.

Bộ đàn đá Tuy An được nông dân Huỳnh Ngọc Hồng phát hiện năm 1990 ở vùng núi Hòn Một (xã An Nghiệp, huyện Tuy An). Nguyên gốc gồm 8 thanh, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Phú Yên. Đàn đá Tuy An có niên đại khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên, đây được xem là bộ đàn đá có thang âm hoàn chỉnh nhất được phát hiện ở Việt Nam.

Đến năm 1994, ông Đỗ Phán (xã An Mỹ) phát hiện cặp kèn đá ở vùng núi thôn Phú Cần (xã An Thọ, huyện Tuy An). Trong đó, kèn “cái” nặng 75kg, kích thước đáy 40cm, cao 35cm, chiều cong của lưng 55 cm, lỗ thổi rộng 2,5 cm. Kèn “đực” nặng 34,5kg, kích thước đáy 29cm, cao 35cm, chiều cong của lưng 52cm; lỗ thổi rộng 1,8cm.

Hiện UBND tỉnh Phú Yên và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang trình Thủ tướng công nhận bộ đàn đá, kèn đá Tuy An là báu vật quốc gia, đồng thời lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản ký ức của nhân loại.

Thiên Lý

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây