Tái hiện hàng loạt nghi lễ cung đình triều Nguyễn

Thứ hai - 04/03/2013 21:28 884 0
Ngoài phục dựng và đưa vào hoạt động thường xuyên lễ đổi gác dưới cung vua Nguyễn, du khách đến tham quan Hoàng thành Huế còn có cơ hội thưởng thức những bản Nhã nhạc cung đình.

Trao đổi với VnExpress.net sáng 5/3, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đơn vị đã phục dựng và đưa vào hoạt động hàng loạt nghi thức cung đình từ lễ đổi gác đến các đội đại nhạc, tiểu nhạc phục vụ khách tham quan. Từ ngày 26/3, các nghi lễ này sẽ được tái hiện từ 9h đến 9h30 sáng hàng ngày.

Đám rước từ chân Kỳ Đài tiến vào Hoàng Thành làm lễ đổi gác. Ảnh: Trương Hải
Đám rước từ chân Kỳ Đài tiến vào Hoàng Thành làm lễ đổi gác. Ảnh: Trương Hải

Nghi lễ đổi gác có từ thời đầu triều Nguyễn với việc các đội lính kiểm tra đổi gác cho nhau để canh giữ Tử Cấm thành 24/24h. Khi được phục dựng, nghi lễ sẽ được mô phỏng bằng một đám rước nhỏ gồm quan và lính ngự trong trang phục quan, lính, áo, mão Trân thủ Bát dật Võ, đi từ Kỳ Đài vào Ngọ Môn, sau đó từ Ngọ Môn đến nhà hát Duyệt Thị Đường và các điểm di tích...

Cùng với lễ đổi gác, trong Hoàng thành sẽ có các buổi biểu diễn Nhã nhạc với đội đại nhạc tại sân Thế Miếu, đội tiểu nhạc tại sân điện Thái Hòa; trưng bày chuyên đề tại Tả Vu, điện Thái Hòa, Tây Khuyết đài, Thái Bình lâu, điện Thọ Ninh, Trường lang Tử Cấm thành. Vào tháng 4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiếp tục đưa ca Huế vào hoạt động tại cung Trường Sanh.

Theo ông Phan Thanh Hải, lễ đổi gác đã được một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc phục dựng thành công, tạo cho du khách sự lý thú khi chứng kiến nghi lễ cung đình xưa. Đây là xu hướng tích cực trong việc phát triển, quảng bá du lịch cung đình.

Du khách nước ngoài thích thú khi được chứng kiến lễ đổi gác. Ảnh: Trương Hải
Du khách nước ngoài thích thú khi được chứng kiến lễ đổi gác. Ảnh: Trương Hải

"Hiện các công trình kiến trúc tại cố đô Huế về cơ bản đã hoàn thành việc phục dựng. Nhưng các hoạt động cung đình còn khá nghèo nàn, thiếu phần hồn. Do đó, việc phục dựng và đưa vào hoạt động lễ đổi gác hay các đội Nhã nhạc có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo không gian, diện mạo xưa, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của hệ thống di tích cố đô Huế", ông Hải nói.

Dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng lễ dựng cây nêu (dựng cây tre đực vót cành, chỉ để lại phần ngọn với ý nghĩa đề phòng ma quỷ) tại cửa Hiển Nhơn đến Thế Miếu. Nghi thức này được tái hiện bằng các đội lính, nhạc.

Tác giả: Nguyễn Đông

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây