Thương và vợ chồng anh Gilberto đến thăm chùa Một cột. |
Gọn gàng và năng động, Tống Hồ Song Thương, sinh viên năm cuối ĐH Ngoại thương, tới đón khách trên phố Đào Duy Từ. Đôi vợ chồng trẻ đến từ London, anh Gilberto Ruiz và chị Citlali Plasse, thích thú khi biết đồng hành cùng mình trong chuyến khám phá Hà Nội hôm nay là một nữ sinh xinh xắn nói tiếng Anh lưu loát.
Dẫn hơn 100 tour trong vòng 2 năm làm tình nguyện viên, Song Thương giờ trở thành một trong những thành viên "lão làng" của câu lạc bộ sinh viên Hà Nội (Hanoi Kids) chuyên nhận tour dẫn khách đi tham quan thủ đô miễn phí. Thông thường, các thành viên có thể ghép đôi để cùng dẫn đoàn nhưng Thương thích đi một mình vì muốn có cơ hội nói tiếng Anh nhiều và tạo sự yên tâm, tin tưởng cho khách.
Do hai người khách gốc Venezuela không thông báo trước lịch trình nên Thương chỉ biết họ muốn đi đâu khi tới đón ở khách sạn. Điểm đến đầu tiên khách muốn viếng thăm là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn bác Hồ, chùa Một Cột rồi đi bộ dạo hồ Tây và thưởng thức các món đặc sản. Để tạo sự thoải mái và thu hút khách vào câu chuyện của mình, Thương chia sẻ chỉ có cách... luôn nở nụ cười.
Cũng được xếp vào lứa "thâm niên" ở Hanoi Kids, Đường Hồng Anh, sinh viên năm 2, ĐH Bách khoa Hà Nội, dẫn tour từ năm lớp 11. Sau hơn 3,5 năm, Hồng Anh tự hào vì tích lũy được nhiều kinh nghiệm và khả năng tiếng Anh lưu loát. Cậu chia sẻ, trước đây nhút nhát, ngại giao tiếp nhưng giờ đã tự tin và trò chuyện thoải mái với bất kỳ người nước ngoài nào. Hiện Hồng Anh là Chủ tịch của Hanoi Kids.
Hà (áo đỏ) thường đi cùng một kid khác khi dẫn tour. Mỗi chuyến đi giúp nữ sinh này học hỏi thêm nhiều điều và ý thức cần phải tích lũy kiến thức hơn nữa để không 'xấu hổ' với khách. |
Chưa có nhiều kinh nghiệm như Song Thương và Hồng Anh, Đinh Thu Hà, khoa Tài chính - Kế toán, ĐH Hà Nội là thành viên của Hanoi Kids mới gần 4 tháng và dẫn được 20 tour. "Muốn được nói chuyện với Tây" và luyện tập kỹ năng nói, Hà thi tuyển vào câu lạc bộ với ba vòng: hồ sơ, kiểm tra kiến thức cơ bản và phỏng vấn. Vượt qua hơn 700 ứng viên, cô trở thành một trong số 40 người được chọn làm thành viên của Hanoi Kids tháng 12/2012.
Với slogan "Be a little ambassador of Hanoi", mỗi thành viên của Hanoi Kids ý thức mình như đại sứ nhỏ tuổi giới thiệu với du khách nước ngoài về Hà Nội. Theo Hồng Anh, mặc dù không tính phí nhưng theo phép lịch sự, khách nước ngoài thường để lại chút tiền dịch vụ. Số tiền ấy, Hanoi Kids dành để duy trì hoạt động và tổ chức các đợt tuyển tình nguyện viên. Mỗi năm, câu lạc bộ có hai đợt tuyển và mỗi lần chỉ chọn 40-45 bạn.
Trước khi được đi dẫn chính, thành viên mới trải qua gần 2 tháng đào tạo. Trong thời gian này, kid cũ có kinh nghiệm sẽ dẫn từng nhóm 10 người tới lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hoặc Bảo tàng ở Hà Nội để hướng dẫn và kiểm tra kiến thức các thành viên. Các kid mới sẽ lần lượt trình bày trước đông người qua câu hỏi đã chuẩn bị sẵn để rèn sự tự tin khi đứng trước đám đông.
Sau khóa training, kid mới sẽ được đi 2 tour thử (trail tour) cùng với một thành viên cũ để "học việc". Việc thành viên mới có trở thành người của Hanoi Kids hay không đều phụ thuộc vào hai tour thử này. Mỗi kid đều có định mức 10 tour một quý. Nếu không đủ, bạn đó sẽ bị cảnh cáo và quá hai lần nhắc nhở, kid đó sẽ bị loại. Hiện tại, số sinh viên nhận tour thường xuyên khoảng 70-80. Mỗi tháng, Hanoi Kids nhận khoảng 100 tour, phần lớn đến từ Australia, Mỹ, Singapore, Malaysia hoặc Indonesia.
"Các kid sẽ đăng ký đi tour cả ngày hoặc nửa ngày tùy theo thời gian rảnh rỗi của mình. Có bạn đợt này bận thi, đợt sau sẽ đi liên tục, miễn sao đủ 10 tour định mức. Nhiều thành viên trở thành super kid vì số lượng đi tour vượt quá mức đề ra rất nhiều", Hồng Anh cho biết.
Sau vài tour đầu lúng túng, hầu hết kid đều bắt nhịp công việc và ứng biến nhanh khi gặp tình huống bất ngờ. Thu Hà vẫn nhớ như in lần đầu tiên đi tour dẫn khách Singapore. Trước đó cả tuần, cô ở nhà tìm hiểu và học thuộc thông tin về một số địa điểm rồi tự tập nói sao cho tự nhiên. Hồi hộp và mong đợi nhưng đến hôm đi, Hà bắt xe buýt muộn và thêm chặng xe ôm nữa mới tới khách sạn của khách.
Lần dẫn một gia đình 4 người đến từ Malaysia cũng là kỷ niệm đáng nhớ của cô sinh viên quê Thái Bình. Thay đổi lịch trình bất ngờ, hai cô gái thích đến làng rắn Lệ Mật để xem màn giết rắn moi tim thả vào chén rượu. Nghĩ các nhà hàng ở Việt Nam thanh toán bằng thẻ tín dụng, người mẹ chỉ mang theo 80 USD tiền mặt. Lần đó, cô phải mặc cả "gãy lưỡi" chủ nhà hàng mới đồng ý giảm giá cho khách.
Hiện tại dù không dẫn khách nữa nhưng Hồng Anh vẫn luôn hào hứng chia sẻ những trải nghiệm. Tour cuối cùng trước khi chấm dứt công việc của một hướng dẫn viên, Hồng Anh vinh dự được đưa đại diện bộ thương mại Mỹ đến thăm nhà tù Hỏa lò khi ông này tới Việt Nam. Nam sinh Bách khoa tâm sự, cậu không ngờ vị khách lại dễ tiếp xúc và thân thiện đến thế. Trong suốt thời gian đồng hành cùng họ, Hồng Anh được thoải mái trò chuyện, thậm chí trêu đùa ông.
Các thành viên của Hanoi Kids trong một lần đi chơi tại Mai Châu, Hòa Bình. |
Hồi mới dẫn, Hồng Anh bị lạc đường vì khách muốn đi lòng vòng trong phố cổ. Đang say sưa giới thiệu, cậu giật mình khi nhìn thấy tên đường lạ hoắc. Google map một hồi không ra, để tránh bị những vị khách thích đi bụi nhận ra vẻ bối rối, cậu nghĩ ra cách hỏi xe ôm. "Sau khi hỏi bác xe ôm, biết đường đi, em dẫn họ ra khỏi khu phố cổ. Trong tình huống khó, các kid phải tìm cách ứng biến nhanh", Hồng Anh nói.
Hồng Anh cho biết thêm, hầu hết các kid đều đi theo cặp để hỗ trợ và đỡ nguy hiểm. Không ít các kid nữ khi dẫn khách bị xe ôm, hàng rong chửi bới, thậm chí đánh vì dám "phá đám". Theo Hồng Anh, khách mỗi nước có đặc điểm riêng, khách Đức, Nhật phóng khoáng, dễ chia sẻ nhưng khách Singapore chặt chẽ, hay "nâng lên đặt xuống". "Nhiều lúc mặc cả xong rồi, khách lại không mua. Lúc ấy mình phải bình tĩnh xử lý để không phá hỏng không khí đang vui vẻ của buổi đi chơi. Điều quan trọng là phải bảo vệ khách và tiết kiệm nhất cho họ", Hồng Anh nói.
Với Hồng Anh, khách đến từ miền Nam Australia nói tiếng Anh rất khó nghe. Bởi vậy, cậu thường phải chăm chú ở màn chào hỏi và phải mất 1-1,5 tiếng mới quen được với ngữ điệu của họ. Còn Thu Hà, tour nào có người Anh là cô phải xin lỗi liên tục và chỉ hiểu tầm 50-60%. Làm hướng dẫn viên miễn phí, với Hồng Anh, Thu Hà hay Song Thương, lời khen ngợi, góp ý của khách là sự khích lệ lớn với họ. Nhiều vị khách, sau chuyến đi đã trở thành những người bạn của các kid.
Sau mỗi tour, khách đều để lại lời nhận xét của mình trên trang tripadvisor. Ở phần xếp hạng, mục Excellent (xuất sắc) chiếm hầu hết lời khen của khách. Tới Hà Nội vào tháng 3 vừa rồi, vị khách đến từ Malaysia có nickname Dianakpg viết: "Đây là một dịch vụ hướng dẫn du lịch miễn phí của các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau với mục đích nâng cao khả năng nói tiếng Anh. Các hướng dẫn viên rất tuyệt vời. Họ hiểu biết, lịch sử, tận tình và là người bạn đồng hành thực sự. Họ sẽ đưa bạn tới nhiều nơi và kể cho bạn nghe lịch sử địa danh ấy. Bạn nên đặt họ trước chuyến đi vài tháng bởi họ rất nổi tiếng".
Ngày 25/5/2006, 10 bạn trẻ yêu Hà Nội và thích học tiếng Anh rủ nhau thành lập một nhóm chuyên dẫn khách du lịch đi tour. Ý tưởng này ra đời sau câu chuyện của một bạn trẻ có nickname Xubu viết lên diễn đàn chia sẻ lần viết lên tấm bìa rồi đi quanh hồ Gươm 'quảng cáo'. Cuối cùng, Xubu thành công khi hai người khách Canada đồng ý để cô là hướng dẫn viên miễn phí. Ban đầu, Hanoi Kids có tên là Hanoi Friends nhưng sau được đổi thành tên như hiện giờ. Hiện tại, câu lạc bộ trở thành ngôi nhà của các tình nguyện viên sinh viên đam mê học tiếng Anh, muốn được cải thiện kỹ năng giao tiếp và là người bạn đồng hành miễn phí của du khách. |
Bình Minh
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc