Năm 2013 có thể có hai mức điểm sàn

Thứ năm - 04/04/2013 04:47 806 0
Bộ GD&ĐT tính toán, số thí sinh chênh lệch giữa 2 mức điểm sàn khoảng 200.000, nhưng chỉ tiêu tuyển thêm chỉ 30.000 nên các trường phải xét đến kết quả tốt nghiệp phổ thông của thí sinh.

Trao đổi với VnExpress sáng 4/4, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sau khi tham khảo ý kiến tại các diễn đàn điểm sàn, hội nghị tuyển sinh và các trường ngoài công lập, Bộ Giáo dục dự kiến phương án hai mức điểm sàn năm 2013. Mức thứ nhất là xác định như trước đây và mức thứ hai thấp hơn khoảng 2 điểm.

Mức điểm sàn thứ nhất sẽ áp dụng xét tuyển trong hai đợt đầu tiên (nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2) với trên 90% chỉ tiêu. Những năm trước, theo tính toán của Bộ, thí sinh trên mức sàn thứ nhất mà không đỗ sẽ chuyển dịch về các trường địa phương hoặc trường ngoài công lập, nhưng thực chất các em không lựa chọn con đường đó, nên dù số dư dôi khá lớn, một số trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Để giải quyết vấn đề này, năm nay, Bộ Giáo dục sẽ mở rộng khung điểm sàn thứ hai, là điểm bình quân thống kê ba môn thi của thí sinh các khối tương ứng. Theo thống kê những năm gần đây thì điểm sàn thứ hai sẽ thấp hơn điểm sàn thứ nhất khoảng 2 điểm.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết năm 2013 có thể có 2 điểm sàn để giúp các trường tuyển đủ chỉ tiêu. Ảnh: Hoàng Thùy.

Với phương án này, số thí sinh chênh lệch giữa 2 mức điểm sàn là rất lớn, khoảng 200.000, nhưng chỉ tiêu tuyển thêm chỉ 30.000 nên các trường có nhu cầu phải xét đến kết quả tốt nghiệp phổ thông của thí sinh. Như vậy, chất lượng tuyển sinh sẽ không giảm sút.

"Việc xét tuyển dựa vào điểm sàn thứ hai kết hợp với xét học bạ phổ thông sẽ tạo điều kiện tối đa cho những em học phổ thông rất giỏi nhưng quá trình thi không may mắn hoặc do nguyên nhân nào đó mà làm bài không tốt vẫn có cơ hội được vào học đại học, cao đẳng", Thứ trưởng Ga nói.

Theo Thứ trưởng Ga, một số trường ngoài công lập đề xuất phương án lấy 20% kết quả điểm thi tốt nghiệp, dựa vào điểm phổ thông và tổ chức thi thêm, không quan tâm đến điểm sàn, nhưng như vậy rất phức tạp, khó thực hiện và không đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, nếu dùng kết quả phổ thông phải thông báo từ khi học sinh bước vào cấp 3 để các em chuẩn bị, đảm bảo công bằng.

Ông Ga cho hay, Nghị quyết Quốc hội cũng nói cải cách thi cử phải đơn giản nhẹ nhàng, tạo sự công bằng, nghĩa là không nên tổ chức kiểm tra phỏng vấn thêm, thi ba chung xong còn bắt thí sinh thi thêm nữa thì rất phức tạp và không tạo cơ hội cho xã hội giám sát.

Vì vậy phương án hai mức điểm sàn được xem là có tính khả thi nhất vì trung hòa được tất cả phương án, vừa đảm bảo được chất lượng sinh viên, vừa giúp các trường không bị lãng phí về cơ sở vật chất đã đầu tư.

"Tuy nhiên, đây chỉ là một phương án, nếu có được sự đồng thuận lớn mới áp dụng trong năm nay. Nếu độc giả, các nhà khoa học và nhân dân có những phương án nào hay, thiết thực và đơn giản, phù hợp hơn thì Bộ rất mong tiếp thu để chọn một phương án tốt nhất", Thứ trưởng Ga chia sẻ.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây