Sáng 5/3, Bộ GD&ĐT làm việc với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Trao đổi với báo chí chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, hai bên đã trao đổi thẳng thắn để tìm hướng tháo gỡ, giúp các trường ngoài công lập tránh nguy cơ tan rã. Nguyên tắc được Bộ khẳng định là giúp các trường này vượt qua khó khăn nhưng không thể hy sinh chất lượng để đảm bảo ổn định toàn hệ thống.
Hai vấn đề lớn được đưa lên bàn tranh luận suốt 4 giờ là việc hỗ trợ để các trường tuyển được sinh viên, đủ chỉ tiêu và cơ chế, chính sách giúp các trường phát triển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như đất đai, thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo báo cáo của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, những năm gần đây tuyển sinh các trường gặp khó khăn. Năm 2012, nhiều trường chỉ tuyển được số lượng rất ít nên đứng trước nguy cơ dừng hoạt động vì không đủ người học, tài chính yếu. Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội đề xuất nên nhập hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học lại làm một, yêu cầu Bộ Giáo dục phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc để lấy kết quả xét vào đại học.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cho rằng, nên bỏ điểm sàn hoặc xây dựng ở nhiều mức độ khác nhau, dành cho các tốp trường tương ứng hoặc giao các trường tự xác định điểm sàn theo khu vực, ngành nghề; nên giao cho các trường tự xây dựng phương án tuyển sinh riêng.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết một số trường đại học sẽ được sáp nhập để đảm bảo chất lượng và có thể tuyển sinh. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Phản hồi về đề nghị này, Bộ Giáo dục khẳng định, hiện tại không thể ghép hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một bởi tính chất thi khác nhau. Nếu bỏ một trong hai thì đề thi, công tác chấm thanh tra sẽ phải thay đổi. Hơn nữa, điều này cũng cần có bước chuẩn bị, nghiên cứu thận trọng. Ít nhất, đến năm 2015 vẫn sẽ thi ba chung và sự thay đổi chỉ ở khâu kỹ thuật để các trường thuận lợi, thí sinh có nhiều điều kiện học tập hơn.
Thứ trưởng Ga cho biết, có thể sau năm 2015, khi chất lượng phổ thông và thi tốt nghiệp cải thiện, sách giáo khoa cũng đã đổi mới, một số trường mới có thể xét tuyển. Khi đó, thi đầu vào chỉ áp dụng các trường tốp trên và có thể thi nhiều môn.
Bộ Giáo dục đồng ý kiến nghị để các trường tự lên phương án tuyển sinh riêng rồi trình lên Bộ. Tuy nhiên, Bộ cũng nhắc nhở phương án cần thuyết phục, đảm bảo công bằng, không xảy ra tình trạng học thêm, dạy thêm, không phát sinh căng thẳng mới cho xã hội và phải để xã hội giám sát về chất lượng bởi điều quan trọng cuối cùng là chất lượng đầu ra.
Theo Thứ trưởng Ga, Bộ Giáo dục đã cho phép các trường nghệ thuật xét tuyển môn Văn nhưng một bộ phận nhân dân phản đối vì cho rằng nếu không thi chất lượng sẽ kém. Nếu các trường ngoài công lập mà xét tuyển cả ba môn thì dư luận sẽ đánh giá thấp chất lượng của sinh viên.
"Hiện nay, một số địa phương từ chối nhận sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập nhưng Bộ đang bênh vực vì chất lượng hai loại bằng là như nhau. Nếu trường ngoài công lập tuyển sinh kém, lợi được vài năm nhưng hậu quả lâu dài, xã hội không chấp nhận thì khó khăn lặp lại, giải quyết càng khó hơn", Thứ trưởng Ga nói.
Lãnh đạo Bộ cũng dẫn chứng, việc tuyển sinh kém không phải xảy ra ở tất cả các trường ngoài công lập vì nhiều trường đã tạo được uy tín, thu hút thí sinh như ĐH Hoa Sen, Duy Tân, Thăng Long, Võ Trường Toản... Đó là vì họ có sự đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, xây dựng được uy tín, được người học tín nhiệm.
Trước kiến nghị xem xét lại điểm sàn, Bộ khẳng định sẽ nghiên cứu để chọn mức điểm sàn hợp lý. Mức điểm này phải đảm bảo đạt ngưỡng tối thiểu để học sinh có thể học được trình độ đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ cân nhắc để đảm bảo chất lượng dồi dào, nguồn tuyển không khó khăn.
Bộ sẽ yêu cầu các địa phương giao đất sạch cho trường, gần khu dân cư để tuyển sinh dễ hơn. Hiện, các trường phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 25% và chỉ được nhận ưu đãi nộp 10% khi đảm bảo diện tích 55 m2 cho mỗi sinh viên. Với yêu cầu này, không trường nào đủ điều kiện nhận ưu đãi nên Bộ Giáo dục sẽ gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính và Chính phủ đề xuất tất cả các trường được phép tuyển sinh đều được ưu đãi nộp 10% thuế. Điều này sẽ giúp các trường có thêm điều kiện về tài chính để hoạt động tốt hơn.
Bộ Giáo dục thừa nhận, thời gian qua, vì quá nóng vội, chạy theo quy mô nên các trường đại học ồ ạt thành lập trong khi cơ sở vật chất, cán bộ, đội ngũ không đào tạo kịp để đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 2 đã chuyển mô hình theo chiều rộng sang chiều sâu. Bộ Giáo dục cũng sẽ đề xuất Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới phát triển các trường dựa trên khả năng thực tế của xã hội để đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực.
"Thời gian tới, một số trường phải sáp nhập lại để đủ năng lực tuyển sinh, tránh manh mún. Đang xảy ra tình trạng vài trường trên một địa bàn tranh nhau tuyển sinh nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu. Việc sáp nhập sẽ tăng chất lượng và đảm bảo yêu cầu đào tạo", Thứ trưởng Ga khẳng định.
Trước đó, Hiệp hội các trường ngoài công lập đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng về một số nội dung khẩn cấp liên quan đến vấn đề tồn tại, phát triển hay tan rã của hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập. Tiếp nhận công văn, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục làm việc trực tiếp với Hiệp hội để trao đổi các đề nghị, thống nhất và đề xuất Thủ tướng xem xét, giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền, báo cáo trước ngày 15/3.
Hoàng Thùy
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc