Săn gỗ dưới lòng sông Krông Ana

Thứ sáu - 12/04/2013 23:43 1.088 0
Mỗi năm cứ đến mùa nước cạn, hàng trăm thanh niên xã Eatrul, Krông Bông (Đăk Lăk) lại mang cuốc xẻng, xà beng... men theo dòng Krông Ana tìm những cây rừng bị lũ vùi lấp.
Lênh đênh tìm gỗ. Ảnh: Công an TP HCM.

Trước đây, hầu như trai tráng nơi này đều coi việc lên rừng cưa, xẻ gỗ làm nhà hay đem bán là nghề chính, đem lại nguồn thu nhập lớn. Thế nên khi có chủ trương cấm rừng của nhà nước, họ cảm thấy chới với. Cuộc sống ngày một khó khăn hơn do vùng đất trũng này hàng năm đều bị lũ lụt hoành hành, chỉ làm được một vụ lúa, màu...

Với bản tính cần cù, ngoài việc cố gắng đạt năng suất cao mỗi vụ, người dân nơi đây còn chèo ghe dọc sông Krông Ana vớt những cành củi trôi dạt sau lũ bán kiếm thêm thu nhập. Bỗng một ngày đẹp trời năm 1995, vài người phát hiện nhiều cây gỗ to bị vùi dưới cát có thể làm gỗ xây dựng được, bèn kéo nhau ra sông trục vớt đem về bán cho các xưởng mộc, thương lái kiếm tiền. Nghề săn gỗ (bà còn thường gọi là xăm gỗ) ra đời từ đấy. “Trời thương cho mình cái nghề kiếm thêm thu nhập mà không chặt cây, phá rừng thì mình chỉ biết cố gắng làm thôi”, ông Hai Cư tâm sự.

Mặt trời vừa ló dạng, cuốc xẻng, xà beng, rựa... trên vai, những thợ xăm gỗ xã Eatrul cuốc bộ hơn 3 km ra bờ sông Krông Ana bắt đầu một ngày làm việc với bao hy vọng. Trên chiếc thuyền nhỏ chòng chành, các tay thợ chầm chậm ngược dòng. Mặc cho cái nắng cái gió gay gắt phả vào mặt, họ vẫn chăm chú nhìn tứ phía với mong muốn tìm được những cây gỗ trôi dạt đâu đó sát bờ. Khi phát hiện ra mục tiêu, tất cả thành viên (2 hoặc 4 người) dùng những cây sắt có mũi nhọn chọc xuống cát (mà họ gọi là xăm) nghe âm thanh để đoán có gỗ hay không và liệu có thối, rỗng...

Sống với “thổ công” nhưng tìm của “hà bá” nên hiểm nguy luôn rình rập. Suốt ngày trầm mình dưới làn nước lạnh, làm việc giữa mùa khô nắng gắt nên da người thợ xăm nào cũng đen như cột nhà cháy. “Công việc này chỉ dành cho những người có sức khỏe dẻo dai, gan dạ. Nếu không biết bơi và nhanh trí thì dễ bị vọp bẻ, sụp hố sâu chết như chơi”, anh Văn Thường, một tay xăm gỗ lâu năm, cho biết.

Đang mải mê kể chuyện, bỗng anh Tư Săn thốt lên: “Trúng mánh, có gỗ!”. Thế là bốn tay xăm lao vào đào xới cát, trục gỗ, quên cả những phần cơm đạm bạc nguội ngắt vợ con gói sẵn. “Cái nghề này hên xui may rủi lắm. Nếu trời thương chỉ nơi có gỗ, mới ra sẽ thấy ngay. Nhưng cũng có khi cả tuần, thậm chí mười ngày, tốn bao công sức mà chẳng tìm được thanh nào”, thợ săn Xuân Lâm bộc bạch.

Dùng lực đòn bẩy để nảy gỗ. Ảnh: Công an TP HCM.

Hai nhóm của xã Eatrul là Hai Thường và Ba Tỵ đã lên đường từ mùng 10 Tết đến nay. Dẫu nước sông còn lớn, việc tìm gỗ rất vất vả nhưng họ vẫn đi với mong muốn kiếm chút tiền mua phân thuốc cho vụ tới. Nghề xăm gỗ nhộn nhịp nhất là vào khoảng rằm tháng 2 âm lịch khi nước sông Krông Ana cạn. Vào ngày này, hàng trăm tay xăm gỗ ngược xuôi dọc sông hăng say kiếm tìm. Đây cũng là thời điểm họ vất vả nhất vì phải đi xa hơn, có khi phải chèo thuyền gần 10 km mới tìm được gỗ.

Gỗ mà những tay xăm trục vớt lên rất tốt do bị vùi dưới cát sông lâu ngày, vừa đưa lên là có chủ xưởng đến mua ngay. Nhờ xăm nhiều gỗ mà nhóm Hai Thường, Ba Tỵ... đã dành dụm được tiền dựng những căn nhà khang trang, có tiền nuôi đàn con ăn học.

Theo đánh giá của những người am hiểu thủy lưu, thợ xăm trục vớt gỗ dưới lòng sông Krông Ana đã vô tình làm khơi thông dòng chảy, giúp nước lũ rút nhanh. Còn các thợ xăm gỗ lâu năm cho biết, thợ phải là người địa phương để tránh tình trạng tham gỗ phá hành lang bảo vệ bờ sông, khiến lũ đến nhanh, gây hại mùa màng cuốn trôi nhà cửa...

Theo Công an TP HCM

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây