Cuối những năm 1980, tình hình chủ quyền biển đảo trở nên căng thẳng. Thực hiện nhiệm vụ Bộ Quốc phóng giao phó, ngày 7/11/1987, Tư lệnh Quân chủng Không quân ra lệnh cho Sư đoàn 372 cơ động một phi đội Su-22 của trung đoàn 923 vào sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) để huấn luyện làm quen với địa hình, hiệp đồng với Vùng 4 Hải quân sẵn sàng chiến đấu, đánh địch trên biển.
Trung tá Hoàng Đình Dũng, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 923 cho biết, đơn vị đã lựa chọn phi công có nhiều giờ bay, trình độ bay khá để huấn luyện bay biển xa. Công tác này được thực hiện một cách thận trọng. Những chuyến bay biển đầu tiên được tổ chức tới các đảo gần bờ. Cự ly cách bờ được đẩy dần ở các chuyến bay sau, lúc đầu là 100 km, 200 km và nâng dần lên 500 km...
Máy bay từng tham gia bảo vệ quần đảo Trường Sa và khu vực kinh tế biển. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đầu tháng 2/1988, trung đoàn tổ chức chuyến bay đầu tiên ra quần đảo Trường Sa. Phi đội trưởng Phi đội cơ động Vũ Xuân Cương lái máy bay Su-22 số hiệu 8502 thực hiện chuyến bay này. Tổ trưởng máy bay Nguyễn Đình Tiến và thợ máy đã lắp thêm bốn thùng dầu phụ cho máy bay.
Chiếc Su-22 do phi công Vũ Xuân Cương và một phi công chuyên gia điều khiển được lệnh cất cánh lúc 8h sáng 10/2/1988. Cách hơn 30 km, các phi công đã phát hiện ra đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa. Hạ thấp độ cao, phi công cho máy bay bay qua đảo và trở về căn cứ an toàn.
Chuyến bay đầu tiên thành công, trung đoàn tổ chức rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho những chuyến sau ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ tuần tiễu, bay trong đội hình biên đội hai chiếc, bay trinh sát và cả bay ứng dụng chiến đấu bảo vệ khu vực quần đảo và vùng kinh tế biển.
Từng có mặt ở Phan Rang để làm nhiệm vụ bay quan sát, trinh sát khu vực nhà giàn DK1 và quần đảo Trường Sa, phi công Phạm Như Xuân nhớ, lần đầu tiên bay ra Trường Sa và nhà giàn DK1, anh cất cánh ở sân bay Thành Sơn với máy bay Su-22, bay biên đội. Chuyến đầu tiên dù chỉ được giao nhiệm vụ bay một vòng quanh đảo, nhưng biên đội đã xuống rất thấp và vòng hai vòng, bởi người dân, bộ đội ngoài quần đảo nghe tiếng máy bay đã ùa ra đón.
"Mình thấy bộ đội và nhân dân thì rất vui, ngược lại họ cũng rất yên tâm khi những cánh bay của Trung đoàn đã vươn tới Trường Sa. Đó là lời khẳng định bất cứ khi nào quần đảo cần thì đất liền sẽ kịp thời có mặt", anh Xuân nói.
Đại tá Phạm Như Xuân có gần 30 năm gắn với nghiệp lái máy bay, từng có hai năm bay tuần tiễu, trinh sát, bảo vệ quần đảo Trường Sa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong những chuyến bay tuần tiễu, trinh sát ra Trường Sa, phi công Xuân nhớ nhất một chuyến có điều kiện khí tượng phức tạp. Khi ra gần quần đảo thì có một cột mây dựng cao không thể vượt qua, bắt buộc phải vòng tránh, sau đó bay ngược lại, vòng và tính toán để đi đến Trường Sa.
Thời điểm đó phương tiện dẫn dắt và quản lý máy bay chỉ trong vòng 300 km nên sau đó phi công phải tự đi. Giữa mênh mông biển nước, việc xác định vị trí càng khó. Thế nhưng anh Xuân vẫn tính toán đến đúng các đảo theo yêu cầu. Khi bay về hạ cánh, lượng dầu còn lại là 700 kg, tức là chỉ bay được khoảng 10 phút nữa.
Là phi công trẻ của Trung đoàn 923 nhưng Đỗ Trung Dũng đã nhiều lần bay ra Trường Sa khi còn lái Su22 ở trung đoàn 937 (sư 370). Theo Dũng, bay biển cực kỳ phức tạp vì thời tiết thay đổi đột ngột, hơn nữa nền trời và biển giống nhau, lại không có địa tiêu nào để phi công dựa vào phán đoán tọa độ, phương vị, so sánh giữa vị trí của mình với khu vực cần đến. Nếu dựa vào thiết bị dẫn đường trên máy bay thì đòi hỏi phải giữ số liệu chính xác.
Chuyến đầu tiên bay ra Trường Sa năm 2011 khi mới 28 tuổi, Dũng bay cùng giáo viên trên chiếc Su-22. "Mọi người trên đảo chạy ùa ra vẫy chào chúng tôi, dù không nói được với nhau nhưng chúng tôi cảm thấy yên tâm vì ngoài đó vẫn yên bình tốt đẹp", Dũng nhớ lại.
Phi công trẻ Đỗ Trung Dũng cũng đã nhiều lần bay tuần tiễu Trường Sa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Từng bay trinh sát, tuần tiễu ở các đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Đông, kết hợp quan sát được nhiều đảo khác, Dũng chia sẻ, bên cạnh khó khăn về thời tiết, địa tiêu, phi công còn phải đối mặt với các tình huống như gặp máy bay quân sự nước ngoài trên bầu trời khu vực quần đảo Trường Sa...
Nếu như phi công lái Su-22 chỉ biết hướng và cự ly đi đến Trường Sa, trung thành với hướng bay đến đó thì hiện với Su-30 hiện đại, việc bay ra Trường Sa được thực hiện dễ dàng hơn bởi loại máy bay này có thời gian bay dài, có định vị vệ tinh, cài đặt tọa độ trong vi tính, tính được thời gian góc dạt và thời gian còn lại đến mục tiêu là bao nhiêu.
"Với Su-30 và nghệ thuật tác chiến trên không, chúng tôi tự tin đủ sức mạnh để bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển Tổ quốc", phi công Đỗ Trung Dũng nói.
Hoàng Thùy
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc