Sáng 24/2, nhân chuyến làm việc tại miền Trung, ông Lê Khả Phiêu đã đến thăm Bảo tàng Đà Nẵng. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và xã hội Đà Nẵng đã giới thiệu bản gốc ba tập Atlas: Trung Quốc địa đồ xuất bản năm 1908, Trung Hoa bưu chính dư đồ xuất bản năm 1919 và 1933.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu xem tài liệu lịch sử khẳng định Trung Quốc không có Hoàng Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh:Nguyễn Đông. |
"Những bản đồ này cho thấy hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, người Việt Nam đã xác lập chủ quyền và quản lý về mặt nhà nước liên tục tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thứ hai, Trung Quốc đến cuối năm 1933 không thừa nhận lãnh thổ của mình tại hai quần đảo này. Đến chế độ Tưởng Giới Thạch (1949) Trung Quốc mới rầm rộ quảng bá bản đồ không có giá trị pháp lý", ông Sơn nói.
Ông Viện phó kể về chuyện ông Trần Thắng (Việt kiều tại Mỹ) đã cất công sưu tầm những bản đồ quý dành tặng Đà Nẵng. "Những bản đồ này được Trung Quốc phát hành chính thức ra thế giới với ba thứ tiếng Trung Quốc, Pháp, Anh nhưng số lượng bản đồ này có thể không nhiều. Cho nên, việc tìm và mua được những bản đồ này là chứng cứ lịch sử rất quý giá, góp phần vào việc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa", ông Sơn nhấn mạnh.
Sau gần 2 giờ xem tư liệu về Hoàng Sa và tham quan bảo tàng. Nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã dành 30 phút viết cảm tưởng chuyến thăm của mình. Bên cạnh việc mong ước Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền Trung nói riêng và của cả nước nói chung, nguyên Tổng bí thư cũng dành riêng một trang nói về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.
Những dòng cảm tưởng của nguyên Tổng bí thư về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Trong xây dựng, Đà Nẵng vừa có rừng, đặc biệt là vùng biển rộng lớn có từ ngàn xưa như Hoàng Sa, Trường Sa... Đây là vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc…" ông viết và dặn dò người dân Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước phải luôn luôn nhớ lời của Vua Lê Thánh Tông trong sắc dụ năm 1473 gửi viên quan trấn thủ biên giới Lê Cảnh Huy: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần... Nếu dám đem một thước, một tấc đất nào của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di...".
Rồi ông nhắn nhủ: "Lời vua dặn từ năm 1473, đã hàng mấy trăm năm, con cháu ngày nay phải cùng nhau giữ gìn bằng được".
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc