'Hiến pháp cần quy định phương thức lãnh đạo của Đảng'

Chủ nhật - 24/02/2013 22:04 708 0
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu không quy định rõ phương thức lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng rất có thể dẫn đến xung đột quyền lực hoặc quyền lực của nhiều chủ thể mang tính hình thức.

Nội dung cơ bản của bất kỳ hiến pháp nào cũng là sự phân chia quyền lực. Ở các nước tuyên bố theo chế độ dân chủ (sau đây gọi tắt là các nước dân chủ), tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Điều này được quy định rõ trong hiến pháp một số nước, như: Pháp, Nga, Việt Nam, Trung Quốc… Hiến pháp một số nước khác tuy không viết như vậy nhưng quyền của nhân dân được thể hiện thông qua các quy định cụ thể về quyền lực.

Quy định về quyền lực trong hiến pháp ở hầu hết các nước dân chủ thể hiện quan điểm xử lý mối quan hệ giữa nhân dân với bộ máy nhà nước mà nhân dân quyết định thiết lập. Quyền của nhân dân được thể hiện ở quyền con người, quyền công dân; quyền phúc quyết trong trưng cầu ý dân về hiến pháp hoặc các vấn đề quan trọng khác; quyền bầu cử, ứng cử để thiết lập bộ máy nhà nước và cả ở những quy định về phân chia, giới hạn quyền lực của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong sơ đồ lưỡng cực “nhân dân - nhà nước” này, các đảng chính trị thuộc phía nhân dân, sự dịch chuyển sang vị trí cầm quyền của những đảng cụ thể, về nguyên lý, chỉ là nhất thời.

Khác với các nước nói trên, hiến pháp các nước xã hội chủ nghĩa phải thể hiện được mối quan hệ giữa ba bên là nhân dân, Đảng Cộng sản cầm quyền và nhà nước. Hiến pháp Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây đều dành một điều quy định Đảng Cộng sản là “lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội và là hạt nhân của hệ thống chính trị, của tất cả các tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội” (Điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1977).

Hiến pháp Trung Quốc chọn một giải pháp khác. Không có điều nào quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhưng Hiến pháp nước này dành hẳn một phần của chương 3 (Cơ quan nhà nước) quy định về Quân ủy trung ương, coi đó là một cơ quan trong bộ máy nhà nước tương tự các cơ quan khác như Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội), Chủ tịch nước, Quốc vụ viện (Chính phủ) và chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, tất cả các bản hiến pháp nói trên đều không quy định cụ thể phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, với xã hội và các tổ chức xã hội như thế nào. Chọn giải pháp như Liên Xô và các nước Đông Âu, Hiến pháp Việt Nam năm 1980 có Điều 4 quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Hiến pháp năm 1992 sửa thành: Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: "Không có những quy định về phương thức lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng, rất có thể dẫn đến xung đột quyền lực hoặc quyền lực của nhiều chủ thể mang tính hình thức". Ảnh: H.K.

Sau khi Hiến pháp được ban hành, Điều 4 trở nên có vị trí rất đặc biệt. Cả những lập luận chính thống trong nước cũng như thế lực thù địch hiện nay đều cho rằng chỉ có giữ được Điều 4 mới giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thiết tưởng, đó là nhận thức mang nhiều định kiến. Bởi vì một khi Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (sau đây gọi tắt là Dự thảo) đã khẳng định “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt nam là nhà nước pháp quyền XHCN” và toàn bộ mô hình tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước đã thể hiện tính chất xã hội chủ nghĩa trong một bản Hiến pháp được toàn dân đồng tình qua trưng cầu ý dân rồi thì dù không có Điều 4 cũng không ai có thể xóa bỏ được chế độ XHCN, xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở nước ta.

Thực tế lịch sử từ năm 1945 đến trước Hiến pháp năm 1980 đã cho thấy vai trò của Đảng trong xã hội và trong lòng dân như thế nào, dù không có một điều ràng buộc nào trong Hiến pháp. Ở nhiều nước phát triển hiện nay cũng vậy. Dù Hiến pháp không đề cập đến vai trò lãnh đạo của bất cứ đảng nào thì ở Mỹ cũng chỉ có 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau nắm quyền. Ở Nhật Bản, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) nắm quyền ở phần lớn các thời kỳ suốt từ khi thành lập (năm 1955) đến nay. Giả sử ở những nước này, một đảng cánh tả có lên cầm quyền thì họ cũng phải tuân thủ Hiến pháp đã được toàn dân thông qua bằng trưng cầu ý dân.

Trong trường hợp xét thấy nhất thiết phải giữ Điều 4 như thể hiện trong Dự thảo thì Hiến pháp cần quy định rất rõ phương thức lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối hiện nay: Quyền và nghĩa vụ của nhân dân, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước được quy định rất cụ thể, trong khi đó quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân lẫn nhà nước là Đảng lại được quy định một cách khá sơ sài.

Những nguyên tắc đang dẫn dắt đời sống chính trị nước nhà như Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng (chứ không phải một khế ước xã hội), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các nghị quyết của Đảng… và những quyền lực thực tế của Đảng như xác định phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, bố trí nhân sự và lãnh đạo công tác của toàn bộ bộ máy nhà nước… cần được quy định trong Hiến pháp để đảm bảo “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Không có những quy định này, rất có thể dẫn đến xung đột quyền lực hoặc quyền lực của nhiều chủ thể mang tính hình thức. Ví dụ, Hiến pháp quy định Chủ tịch nước “thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân” (khoản 5 Điều 93 Dự thảo) nhưng ai cũng biết người thực sự thống lĩnh các lực lượng đó là Bí thư Quân ủy Trung ương, tức Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng.

Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có quyền “đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ” (khoản 3 Điều 93 Dự thảo), nhưng Chủ tịch nước không thể thực hiện được quyền này nếu không có nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc Ban chấp hành trung ương Đảng.

Một ví dụ khác, Điều 114 Dự thảo quy định: “1. […] Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên; Viện trưởng các Viện Kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. 2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân”. Tuy vậy, trên thực tế, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp còn phải chịu sự lãnh đạo của tổ chức Đảng cùng cấp.

Nếu Hiến pháp không quy định nguyên tắc song trùng lãnh đạo này thì khi nảy sinh sự khác biệt về quan điểm giữa Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên với tổ chức Đảng ở địa phương về vấn đề nhất định, Viện Kiểm sát nhân dân địa phương sẽ không có căn cứ để “quyết” theo hướng nào.

Rõ ràng là tình trạng quy định một đằng làm một nẻo hoặc làm theo những quy định ngoài Hiến pháp và pháp luật cần sớm được chấm dứt, nếu không muốn phát triển trong xã hội thói quen “nói vậy mà không phải vậy”, khiến cho pháp luật và đạo lý bị khinh nhờn.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có ảnh hưởng quyết định đến sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân; đồng thời cũng là thước đo trình độ phát triển của dân tộc. Mong rằng Dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ được chuẩn bị một cách chu đáo nhất, nếu cần thì kéo dài thêm thời gian lấy ý kiến nhân dân để có một bản Hiến pháp thực sự văn minh, dân chủ, tạo bước ngoặt mới cho đất nước cất cánh bay lên.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Từ ngày 2/1 đến 31/3/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức lấy ý kiến người dân về sửa đổi Hiến pháp. 8 nội dung sửa đổi được lấy ý kiến gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây