Lận đận tìm việc thời suy thoái

Thứ tư - 27/02/2013 21:17 903 0
Tốt nghiệp loại giỏi của một đại học danh tiếng ở Hà Nội, 7 tháng nộp hồ sơ xin việc khắp nơi, Hùng (phố Thái Hà, Hà Nội) bắt đầu thấm thía nỗi lo thất nghiệp trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Nơi yêu cầu kinh nghiệm - điều mà một sinh viên mới tốt nghiệp như Hùng chưa có, nơi lại đòi hỏi trình độ tiếng Anh thành thạo - điều cậu sợ nhất. "Hồi đi học chỉ 'cày' sao cho điểm cao chứ đâu biết khi kiếm việc, ngoài chuyên môn thì ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp... lại là yếu tố quyết định như vậy", Hùng nói.

Sau 4 năm tốt nghiệp, Kha - cựu sinh viên một trường công nghệ ở Hà Nội vẫn loay hoay tìm việc. Hằng tháng, anh vẫn phải xin "viện trợ" của gia đình ở quê như thời sinh viên. Mẹ Kha thương con, gửi tiền nhưng phải giấu họ hàng, người thân.

Anh kể, nơi lương thấp, môi trường áp lực, lượng công việc quá lớn; nơi tính sếp lúc nắng lúc mưa, đồng nghiệp khó chịu... nên không ít lần anh đành nghỉ việc. Trong khi đó, mỗi lần đi xin việc mới lại không dễ, nhanh cũng phải mất 2-3 tháng. Hai năm gần đây, kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp giải thể ngày càng nhiều, cơ hội dành cho những người như Kha càng ít đi.

Nhiều cử nhân khó khăn tìm việc sau khi ra trường. Ảnh minh họa.

Chung gánh nặng đó, chị Thu (phố Đội Cấn) than thở, chia tay giảng đường hơn 5 năm nhưng chị vẫn chưa hết lận đận. Hồi còn đi học, chị luôn đứng top đầu trong lớp, vậy mà ra trường khó khăn lắm mới tìm được một công việc phù hợp. Khi chị mang bầu đứa con đầu cũng là lúc công ty cắt giảm nhân sự, chị nhận quyết định nghỉ việc. Sinh con xong, chị càng khó kiếm được công việc mong muốn.

Khảo sát của Bộ GD&ĐT năm 2011 cho thấy, cả nước có 63% sinh viên ra trường thất nghiệp vì thiếu kỹ năng. Còn theo một thống kê gần đây của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), 26% cử nhân ra trường không có việc làm; 70,8% người có việc nhưng phần lớn là trái nghề.

Song, bên cạnh đó vẫn không ít sinh viên được nhà tuyển dụng săn đón từ khi chưa nhận bằng đại học. Bắt đầu thời sinh viên bằng quyết định có phần liều lĩnh: bỏ ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM để ra Hà Nội học chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm của ĐH FPT, khi chưa tốt nghiệp, Nguyễn Công Danh đã được chọn làm quản trị dự án (PM) cho một tập đoàn công nghệ thông tin lớn.

Chương trình thực tập 4- 8 tháng tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ ba của đại học FPT góp phần giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tế trước khi tốt nghiệp.

Danh chia sẻ bí quyết của mình: "Tôi chỉ nghĩ ngoại ngữ là chìa khóa thành công nên phải học chuyên ngành mà mình đam mê là công nghệ thông tin bằng ngoại ngữ. Mới vào đại học, tiếng Anh kém, tôi phải dồn sức học và nỗ lực rất nhiều".

Về chuyên môn, Danh "lập trình" mục tiêu trở thành PM từ rất sớm, nỗ lực như một nhân việc thực thụ trong kỳ thực tập kéo dài 8 tháng do trường sắp xếp tại doanh nghiệp vào năm thứ 3 để lấy kinh nghiệm thực tế. Cũng trong thời gian đó, Danh lọt vào "tầm ngắm" của Ban giám đốc và giành được công việc mơ ước trước khi lấy bằng.

Còn với Thùy Trang (nhân viên kế toán của một công ty nước ngoài), vừa học vừa làm giúp cô tự chủ hơn với tương lai của mình. Ngay từ khi học khoa kế toán năm 2, Trang đã nghĩ tới việc phải xây dựng một hồ sơ đẹp về cả học vấn lẫn kinh nghiệm. Vừa học thêm ngành tiếng Anh, Trang vừa tìm được chỗ làm thêm tại một công ty kiểm toán.

"Đi làm thêm không chỉ cho mình kinh nghiệm mà còn rèn giũa khả năng giao tiếp, tác phong làm việc, mở rộng mối quan hệ. Ở trường, mình được học và hành sóng đôi nên từ rất sớm đã hiểu được tầm quan trọng của những kỹ năng sống", cô nói.

Trao đổi với VnExpress.net, tiến sĩ Phan Duy Hùng, Chủ nhiệm bộ môn ITS (ĐH FPT), đồng thời là Trưởng nhóm Kiến trúc giải pháp công nghệ của tập đoàn FPT cho rằng, thị trường lao động hiện ngày càng thực tế và đòi hỏi cao hơn. Nhiều năm làm công tác đào tạo cũng như tuyển dụng nhân sự, ông nhận thấy giá trị của một người lao động trong mắt nhà tuyển dụng không chỉ nằm ở bảng điểm, bằng cấp mà nằm chính ở năng lực làm việc thực tế. Điều này đặc biệt quan trọng với sinh viên các khối ngành kỹ thuật.

Ông Hùng cho hay, mặc dù hiện nay tỷ lệ lớn sinh viên ra trường khó kiếm được công việc đúng chuyên ngành, song cá nhân ông chứng kiến nhiều sinh viên của mình được tuyển dụng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc có việc làm tốt đúng nguyện vọng trong vòng một tháng sau khi tốt nghiệp.

"Điểm khác biệt giữa những sinh viên được tuyển dụng ngay với các cử nhân tốt nghiệp mà chưa có việc làm nằm ở kinh nghiệm làm việc - yếu tố chứng minh khả năng 'được việc' của sinh viên với nhà tuyển dụng", ông nói. Đại đa số sinh viên mới ra trường đều chưa có kinh nghiệm làm việc nếu trong thời gian học tại trường, các bạn không chủ động đi làm thêm đúng chuyên ngành hoặc nhà trường không tạo môi trường học và hành đúng nghĩa.

Theo ông, tất cả sinh viên trước khi tốt nghiệp đều cần trải qua giai đoạn thực tập tại doanh nghiệp để học hỏi và va chạm với tình huống thực tế. "Không trường học nào dạy được 100% những điều sinh viên cần khi ra đời, mà chỉ cung cấp nền tảng chuyên môn, phương pháp học và xử lý vấn đề, nôm na là những bài toán lớn cho các em. Còn những bài toán nhỏ và chi tiết hơn, chỉ có thể học và tích lũy từ cuộc sống", tiến sĩ Phan Duy Hùng chia sẻ.

Ông Hùng tư vấn, để không phải lo lắng về việc làm sau khi ra trường, sinh viên không chỉ cần học thật tốt trong trường mà còn cần đầu tư cho ngoại ngữ, kỹ năng mềm và quan tâm đến việc tích lũy kinh nghiệm thực tế để trở thành ứng viên tiềm năng trong mắt nhà tuyển dụng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp đóng cửa, lượng nhân sự cắt giảm nhiều như hiện nay.

Xuân Ngọc

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây