'Cần luật về Đảng để giảm bộ phận cán bộ thoái hóa'

Thứ tư - 27/02/2013 20:42 736 0
"Có một đạo luật về hoạt động của Đảng để giám sát, phản biện thì sẽ giảm một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói", giáo sư Nguyễn Quang Thái phát biểu.

Phát biểu tại hội nghị góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 sáng 27/2, giáo sư Nguyễn Quang Thái (Tổng thư ký Hội khoa học kinh tế) cho rằng, nên có luật riêng về hoạt động của Đảng - nhằm quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng trước dân tộc.

"Như Tổng bí thư đã nói, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tức là Đảng đang có vấn đề. Có một đạo luật về hoạt động của Đảng để giám sát, phản biện thì sẽ giảm cái bộ phận không nhỏ ấy đi", giáo sư Thái nói.

Giáo sư Nguyễn Quang Thái: "Có một đạo luật về hoạt động của Đảng để giám sát, phản biện thì sẽ giảm cái bộ phận không nhỏ ấy đi". Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Anh Liên, điều 4 Hiến pháp sửa đổi vừa thừa vừa thiếu. Ông đề nghị nhấn mạnh trong điều này vai trò lãnh đạo phải đi đôi với trách nhiệm lãnh đạo. Nhân dân có quyền và vai trò đối với Đảng.

"Đảng đề ra đường lối chủ trương thì nhân dân phải được tham gia, phản biện đường lối chủ trương, đường lối của Đảng xem có hợp lòng dân không. Nhân dân mong muốn chất vấn cả Tổng bí thư, các ủy viên Bộ chính trị về đường lối, chủ trương của Đảng chứ không chỉ chất vấn các thành viên Chính phủ", ông Liên nói.

Thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, song theo ông, xuất phát từ thực tiễn nhiều năm qua, Hiến pháp cũng cần quy định rõ Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay hoặc đứng trên Nhà nước.

Chung quan điểm, Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Thế Lực cho rằng, diễn đạt vai trò của Đảng như trong điều 4 dự thảo Hiến pháp là quá dài. “Chỉ cần viết Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở khoản 1 là đủ vì vai trò lãnh đạo của Đảng là không thể bỏ được. Nhưng Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, phải có luật về Đảng và phải quy trách nhiệm cá nhân xung quanh xử lý quan hệ giữa Đảng với chính quyền”, ông Lực góp ý.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh tới việc thay đổi quan điểm về tư duy sở hữu đất đai. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, Hiến pháp sửa đổi nên có đột phá công nhận quyền sở hữu tư nhân. Còn giáo sư Nguyễn Quang Thái cho rằng, nên quy định đa sở hữu bởi trong Hiến pháp 1959 chỉ quy định đất hoang mới thuộc sở hữu nhà nước còn đất tôn giáo đất dòng họ thì vẫn có quyền sở hữu. Thực tế có nhiều quyền giao cho dân đã là sở hữu cá nhân. Nếu vẫn giữ quy định sở hữu toàn dân sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện nhân danh nhu cầu phát triển kinh tế xã hội để thu hồi đất sau đó lại sang tên.

Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Anh Liên: "Nhân dân mong muốn chất vấn cả Tổng bí thư, các ủy viên Bộ chính trị". Ảnh: Nguyễn Hưng.

Từ thực tế ở các địa phương, giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhận xét: "Điều 58 thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội là một câu cực kỳ vô lý, nguy hiểm. Nếu thu hồi vì mục đích an ninh quốc phòng còn được".

Ông đề nghị bản Hiến pháp sửa đổi có quy định bỏ đi chuyện mơ hồ về các dự án kinh tế xã hội khi thu hồi đất. Theo ông, ở Trung Quốc, muốn lấy đất canh tác phải do Quốc vụ viện (Chính phủ) quyết định chứ không có chuyện chủ tịch tỉnh, huyện được thu hồi đất canh tác làm sân golf, khu công nghiệp. Trong khi đó, người dân mất đất mới xảy ra tình trạng bị bần cùng hóa, khiếu kiện…

Nói về bản chất của Hiến pháp, nhiều ý kiến cũng thống nhất chỉ có nhân dân mới có quyền làm Hiến pháp chứ không phải Quốc hội. Đồng thời, phải ghi rõ quyền phúc quyết của người dân đối với bản Hiến pháp mới chứ không thể quy định cho Quốc hội quyền quyết định việc này.

Với tiến độ đóng góp ý kiến, giáo sư Nguyễn Quang Thái kiến nghị, thời gian góp ý nên kéo dài tới lúc bản Hiến pháp mới được thông qua chứ không phải hạn định như trong kế hoạch là hết tháng 3.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá: Tên gọi của Hội đồng Hiến pháp thể hiện nhiều mặt còn hạn chế, mới chỉ dừng ở kêu gọi, kiến nghị, không đúng tầm. Mô hình tối ưu hiện nay ở nhiều quốc gia là Tòa án Hiến pháp. Đó là cơ quan hoàn toàn độc lập, hoạt động chỉ tuân thủ Hiến pháp, có quyền bác bỏ những văn bản vi hiến và quyền phán xét những tranh chấp về kiện tụng trong bầu cử, quyền luận tội các quan chức cao cấp vi phạm pháp luật.

Tác giả: Nguyễn Hưng

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây