Tại căn nhà trong hẻm nhỏ trên đường Phan Chu Trinh (TP Hội An, Quảng Nam), ông Lữ Ngọc Năm tỉ mẩn ghép từng vỏ ốc nhỏ li ti lên tấm vải trắng đã đóng khung rồi gắn chúng lại bằng keo dán giày. Bằng cách này, ông đã tạo ra hơn 70 bức tranh độc bản với chủ đề về phố cổ Hội An, chùa Một Cột, những ngư dân vươn khơi...
Ông Lữ Ngọc Năm với bức tranh ốc về chùa Cầu (Hội An) được trả giá 40 triệu đồng, nhưng vợ chồng ông quyết giữ lại làm kỷ niềm. Ảnh: Nguyễn Đông |
Cái duyên làm tranh ốc đến với người thầy thuốc đông này rất tình cờ. Năm 2004, sau nhiều lần thấy lũ trẻ chơi cờ vây, ông nhận ra những con ốc màu sắc có giá trị tạo hình và lóe lên ý nghĩ sao không dùng vỏ ốc để làm tranh.
Từ đó, ông lang thang cả ngày ở bãi biển để chọn ốc, thậm chí thấy ai luộc ốc ăn là ông lại đến… xin vỏ. Sức mình có hạn, ông bỏ tiền thuê người làm vệ sinh gom vỏ ốc giúp mình. Mang cả tạ vỏ ốc lễ về nhà, ông ngâm nước rồi ngồi cọ rửa sạch sẽ, phơi đầy sân. Khi đó không ít hành xóm ngạc nhiên bảo nhau: "Cứ chờ xem ông Năm làm gì!".
Bức tranh đầu tiên được ghép từ hàng nghìn vỏ ốc, dài một m, rộng 80 cm chính là hình ảnh chùa Cầu. Ông Nam ngơ ngẩn ngắm nhìn tác phẩm đầu tay. Vợ ông cũng mê mẩn bức tranh, ngày ngày bà lo phụ chồng chọn vỏ ốc. Cô con gái lớn đang công tác tại TP HCM bất ngờ trước tài nghệ của bố đã giúp sức làm website về tranh ốc để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước.
Ông kể phải từ 40 kg vỏ ốc ông mới chọn đủ màu để làm một bức tranh "Hổ điểu tranh hùng" dài 1,2 m, rộng 70 cm. Có khi để tạo cho tranh có màu khác lạ mà ốc tự nhiên không có được, ông phải dùng đến thủ thuật tạo màu, như để có màu nước biển, ông ngâm cả vài tạ vỏ ốc trong nước pha chút hóa học rồi đổ ra phơi.
Người nghệ sĩ bật mí, khi làm tranh ốc, nếu ngồi gần thì chỉ thấy toàn ốc với ốc. Vì thế phải ngồi lui lại vài mét, ngắm nghía xem chủ thể mình vừa tạo hình thế nào, bố cục ra sao, sau đó mới chỉnh sửa. Hàng nghìn vỏ ốc lễ được ghép thành những mảng màu liên tục, có điểm nhấn phải dùng ốc hương hình dáng to hơn để tạo hình ấn tượng.
"Thấy chỗ nào chưa ổn là phải gỡ ngay ra, để lâu keo khô là hỏng, phải đập vỡ thay vỏ ốc khác khiến tranh méo mó", ông Năm nói và cho biết cũng không ít bức tranh bị hỏng buộc phải bỏ khi vừa hoàn thành. Ông dần rút ra cho mình kinh nghiệm, tạo hình trước, sau đó mới chêm vỏ ốc để hoàn thiện bức tranh. Từ chỗ ghép vỏ ốc trên giấy, ông cải tiến sang vải, thậm chí là bê tông.
Ông Năm bật mí làm tranh ốc cần tạo hình trước, sau đó mới cẩn thận trang trí thêm. Ảnh: Nguyễn Đông |
Mỗi bức tranh mất cả tuần hoàn thành, ông Năm rao giá bán khoảng 400.000 đồng. Có bức tranh lớn được trả với giá 40 triệu đồng, nhưng ông ngập ngừng chưa muốn bán. Vợ ông khuyên: "Bức này đẹp, anh giữ lại trưng bày trong nhà để ngày ngày được ngắm nhìn cho đã mắt". Sau hai lần mở triển lãm ở Vũng Tàu, tranh ốc của ông dần theo chân du khách sang Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật Bản…
Giá tranh ốc của ông được nhiều người bàn cãi. Có người bảo tranh làm từ thứ bỏ đi, trưng bày thì có giá trị gì? Có người lại bảo nguyên liệu đầy ra đó, làm bao nhiêu chả được. Nhưng ông Năm trầm ngâm bảo: "Nghề gì cũng có cái độc đáo riêng của nó. Nói thì dễ nhưng quan trọng là làm. Đó là sản phẩm của tư duy, sáng tạo thì không thể đem ra định giá được".
Tháng 5/2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục ông Lữ Ngọc Năm (TP Hội An, Quảng Nam) là người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện tranh ốc nghệ thuật. Năm nay đã 62 tuổi, ba cô con gái đang định cư ở nước ngoài hay điện thoại về nói bố nên nghỉ vì tuổi cao, ông Năm cứ "ừ" rồi để đấy. Bởi ngày nào ông rời tranh ốc là lại thấy nhớ nghề ghê gớm.
Ông dự định sẽ dạy nghề miễn phí cho những người khuyết tật để giúp họ có thêm công ăn việc làm, bản thân ông sẽ cống hiến hết sức mình nếu địa phương có nhã ý. "Tự dưng mình lại loay hoay đi xin giấy phép mà không biết ý của lãnh đạo thành phố thế nào", ông băn khoăn.
Ông Năm bên chiếc lục bình được ghép từ ốc với hình rồng uốn lượn. Ảnh: Nguyễn Đông |
Họa sĩ Đỗ Minh Nhàn, người nổi tiếng ở Hội An với tài nghệ vẽ thư pháp, nói tranh ốc của ông Lữ Ngọc Năm là sự sáng tạo nghệ thuật hiếm có, bắt đầu từ chất liệu lạ đến sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật hội họa, điêu khắc và kiến trúc để tạo lên những hình nổi độc đáo. "Từ những thứ bỏ đi, qua sự sáng tạo của anh Năm đã tạo thành bức tranh sống động, có hồn", ông Nhàn nói.
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc