Bảo vệ báu vật thủy tùng

Chủ nhật - 19/05/2013 22:42 992 0
Trên thế giới, thủy tùng chỉ còn lại ở Việt Nam, với 2 quần thể gồm 162 cây. Giới chơi gỗ quý đang ngày đêm ráo riết săn lùng khiến công tác bảo vệ loài cây đặc biệt hiếm này đối diện vô số thách thức...

Những năm 1980, tại xã Ea Ral (huyện Ea Hleo, Đăk Lăk) tồn tại một cánh rừng thủy tùng (còn gọi là thông nước) bạt ngàn. Để xây dựng đập thủy lợi Ea Ral, cánh rừng ấy đã bị chặt hạ. Thời điểm đó, giá trị của thủy tùng chưa được phát hiện nên việc hạ sát được thực hiện tùy tiện như với các loại gỗ... tạp!

Đến năm 2009-2010, cơn sốt thủy tùng lên cao, hàng trăm người đổ về Ea Ral săn tìm. Lời đồn đoán không có căn cứ thủy tùng chữa được bệnh ung thư, rồi thú chơi của những đại gia... đã khiến loài cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Săn thủy tùng có cả kẻ xấu, cả người thường mong cơ hội đổi đời... Dù căng hết sức mình chống đỡ nhưng 8 kiểm lâm viên tại Trạm kiểm lâm Ea Ral dường như bất lực.

Quần thể thủy tùng Ea Ral với 140 cây. Ảnh: Công an Đà Nẵng.

Tháng 12/2010, khi điều tra để lập dự án bảo tồn thủy tùng (loài cây có cách đây 10 triệu năm, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do không còn khả năng tái sinh), cơ quan lập dự án là ĐH Tây Nguyên kiểm đếm còn 255 cây ở Đăk Lăk. Trong đó, quần thể Ea Ral (huyện Ea Hleo) còn 219 cây, quần thể Trấp K’sơ (huyện Krông Năng) là 31 cây và 5 cây ở Cư Né (huyện Krông Buk).

Đến tháng 1/2011, UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt dự án bảo tồn loài sinh cảnh thông nước giai đoạn 2010-2015. Nhưng phải mất một năm rưỡi sau đó, đến tháng 8/2012, dự án bảo tồn mới đi vào hoạt động bằng việc ra mắt Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước. Hệ quả là thủy tùng còn lại là 162 cây (mất 93 cây), chiếm hơn 1/3 số lượng cá thể chỉ trong một thời gian ngắn. Trong đó, quần thể thủy tùng ở Cư Né với số lượng 5 cá thể, có độ tuổi từ 400-600 năm đã biến mất.

Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước nhận bàn giao rừng thủy tùng ở Ea Ral từ Hạt kiểm lâm Ea Hleo. Đến tháng 3 vừa qua, Ban quản lý tiếp tục nhận bàn giao quần thể thủy tùng Trấp K’sơ từ Hạt kiểm lâm Krông Năng. Tổng diện tích của khu bảo tồn là 120 ha, trong đó vùng lõi có sự phân bố của thủy tùng là 80 ha.

Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Ban quản lý thông tin từ tháng 8/2012 đến nay, chưa có một cây thủy tùng nào bị xâm hại, thậm chí là một cành cây. Tại quần thể Ea Ral, Ban quản lý dựng hai chòi canh ngay giữa rừng thủy tùng. Anh em cắt cử, chia ca nhau bảo vệ 24/24h, không có ngày lễ tết, thứ bảy hay chủ nhật. Vào buổi tối, toàn bộ cánh rừng thủy tùng với 140 cây được thắp điện sáng trưng. Hỗ trợ đắc lực cho 4 nhân viên bảo vệ rừng là 4 chú chó nhà.

Tại quần thể thủy tùng Trấp K’sơ, 21 cây phân bố trên diện tích 40 ha nên việc bảo vệ khó khăn hơn. Trạm trưởng Trấp K’sơ Nguyễn Văn Khương nói: “Ban đêm anh em đi tuần 2–3 ca. Đi hết một lượt cũng mất gần 2 tiếng, đặc biệt tích cực tuần tra vào những đêm mưa”. Tại Trấp K’sơ có 3 cá thể thủy tùng phân tán nên được Ban quản lý thuê 3 hộ dân có nhà và rẫy sát thủy tùng bảo vệ.

Một khó khăn rất lớn đối với Ban quản lý là nhân sự quá mỏng. “Ban được phân chỉ tiêu 7 biên chế, trong đó có 3 người gián tiếp làm công tác quản lý, chỉ còn 4 nhân sự trực tiếp làm công tác bảo vệ. Tháng 4, Ban quản lý chắt bóp chi tiêu, hợp đồng thêm 4 nhân sự. Do ít người nên khối lượng công việc là vô cùng nặng và căng thẳng. Khi nào gia đình có việc thật sự cần kíp thì anh em mới được nghỉ”, anh Trần Xuân Phước bộc bạch.

Trong nỗ lực bảo tồn thủy tùng, TS Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây thủy tùng trong tự nhiên”. Đề tài vừa được Sở Khoa học Công nghệ Đăk Lăk phê duyệt. Theo đó, khoảng 1.000 cây thủy tùng sẽ được trồng tự nhiên tại Đăk Lăk, từ tháng 6/2013 đến 2015.

Thông nước hay thủy tùng (Glyptostrobus pensilis) là loài thực vật duy nhất còn tồn tại thuộc chi Glyptostrobus. Có cách đây 10 triệu năm, thủy tùng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do không còn khả năng tái sinh. Gỗ thủy tùng rất tốt, không bị mối mọt, có màu với viền rất đẹp nên được ưa chuộng để xây đền đài, nhà cửa, làm đồ mỹ nghệ, đồ dùng cao cấp.

Theo Công an Đà Nẵng

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây