Sở Nội vụ Hà Nội đang lấy ý kiến các quận huyện, sở ngành về Quy chế xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Phó giám đốc Sở Nguyễn Ngọc Việt cho biết, nguyên tắc đầu tiên là mọi cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật xây dựng do buông lỏng quản lý hoặc sau khi phát hiện vi phạm nhưng không giải quyết đúng, đầy đủ chức trách, nhiêm vụ được giao sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Tất cả vị trí trong hệ thống kiểm soát trật tự xây dựng của TP Hà Nội, từ cấp thành phố cho tới quận huyện, xã phường đều được đặt vào danh sách có thể bị kỷ luật nếu buông lỏng quản lý, với các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo tới cách chức, buộc thôi việc.
Hàng nghìn ngôi nhà sai phép mọc lên ở thủ đô nhưng chưa cán bộ, lãnh đạo nào bị kỷ luật. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo đề xuất của Sở Nội vụ, chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn sẽ bị khiển trách nếu báo cáo không đúng sự thật tình hình vi phạm quản lý trật tự xây dựng tại nơi mình quản lý hoặc bao che, không xử lý cán bộ, công chức dưới quyền làm công tác quản lý trật tự xây dựng bị xử lý trách nhiệm. Đặc biệt, nếu chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn nhận tiền, hiện vật (chưa tới mức xử lý hình sự), đi ăn uống hoặc tham gia các hoạt động khác theo lời mời của chủ đầu tư trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật xây dựng sẽ bị cảnh cáo hoặc hạ bậc lương.
Với công trình vi phạm đã bị phát hiện, nếu đã có hướng dẫn, chỉ đạo của Thanh tra xây dựng UBND quận, huyện, thị xã hoặc Thanh tra Sở Xây dựng cũng như cơ quan cấp trên về xử lý vi phạm mà chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn lờ đi, không xử lý vi phạm, buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả hoặc chỉ ra văn bản xử lý hình thức (thực tế vi phạm vẫn tồn tại) cũng sẽ bị kỷ luật.
Chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm. Sau khi xác minh nếu gây ra hậu quả do thiếu trách nhiệm, cố ý bao che thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cụ thể theo kết luật của cơ quan có thẩm quyền, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm kiến nghị bằng văn bản đối với thường trực HĐND xã phường, thị trấn đưa ra hình thức miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Không chỉ cán bộ cơ sở, Sở Nội vụ lần này đưa ra cả quy trình xử lý trách nhiệm với cán bộ cấp quận, huyện, thành phố nếu quản lý lỏng lẻo, để phát sinh sai phạm. Cụ thể, đối với Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã khi đã nhận được báo cáo từ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra xây dựng về vụ việc vi phạm mà không chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền sẽ bị kỷ luật khiển trách. Nếu lợi dụng chức vụ được giao, cố ý bao che cho công trình vi phạm pháp luật xây dựng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị cách chức, hoặc buộc thôi việc.
Tương tự, trường hợp để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở quy mô lớn do buông lỏng quản lý hoặc vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo từng tính chất, mức độ vi phạm, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã sẽ bị giáng chức, cách chức.
Sở Nội vụ cũng đề xuất quy định rõ trách nhiệm của giám đốc, phó giám đốc Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tình hình vi phạm theo thẩm quyền. Trường hợp không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương. Nếu buông lỏng quản lý hoặc cấp phép xây dựng sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị giáng chức, cách chức theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Năm qua, Hà Nội đã xử lý kỷ luật 142 cán bộ vì lơi lỏng trách nhiệm, chiếm hơn 10% tổng số thanh tra xây dựng (1.300). Cũng trong 12 tháng qua, kiểm tra 16.233 công trình, đã phát hiện tới 3.028 trường hợp có vi phạm, phải lập biên bản xử lý. Trong đó, các vụ xây dựng không phép nhiều nhất, tới 1.688 vụ. |
Theo An ninh thủ đô
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc