'Bộ Giáo dục cấm phát tán thông tin tiêu cực là sai luật'

Thứ năm - 28/02/2013 07:19 719 0
'Luật Tố cáo không quy định hành vi vi phạm thuộc ngành nào thì chỉ tố cáo đến cơ quan quản lý ngành đó, cũng không yêu cầu người tố cáo chỉ được tố cáo vào những thời điểm nhất định", Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 04 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý, không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào.

Nơi tiếp nhận thông tin bằng chứng về vi phạm quy chế thi là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và Ban thanh tra giáo dục các cấp. Những đơn vị này có nhiệm vụ xác minh lại tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan chức năng giải quyết.

Nếu quy định này có hiệu lực thì cả nước sẽ không thể biết đến tiêu cực thi tốt nghiệp THPT như xảy ra ở THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012. Ảnh chụp từ clip của thầy giáo Đỗ Việt Khoa.

Trao đổi với VnExpress, Giám đốc công ty luật Bảo An Vũ Tiến Vinh cho rằng, dường như Bộ GD&ĐT không đủ khả năng chống tiêu cực khi phải cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Nhưng với quy định này, Bộ lại hạn chế hiệu quả chống tiêu cực của thí sinh nói riêng và những người có tinh thần chống tiêu cực nói chung.

Ngoài ra, theo ông Vinh, trong thời đại Internet hiện nay, việc tung lên mạng video tiêu cực là quá đơn giản. Nếu Bộ quy định việc tố cáo tiêu cực mà phải giấu giếm như vậy thì e rằng không ai làm theo. Quy chế phải khuyến khích được người tố cáo thì mới là một quy chế tốt.

Ông Vinh cũng cho rằng, Thông tư 04 quy định, nơi tiếp nhận tố cáo chỉ là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và Ban thanh tra giáo dục các cấp là không đúng bởi Luật tố cáo không quy định hành vi vi phạm thuộc ngành nào thì chỉ tố cáo đến cơ quan quản lý ngành đó mà có quyền tố cáo đến các cơ quan khác có thẩm quyền.

"Trong trường hợp hành vi vi phạm quy chế thi có dấu hiệu phạm tội hình sự thì rõ ràng người dân có quyền tố cáo đến cơ quan công an chứ không phải là cơ quan giáo dục", luật sư Vinh nhấn mạnh và cho rằng, quy định chỉ được tố cáo sau khi kết thúc ngày thi cuối cũng không đúng.

Theo đó, Luật Tố cáo cho phép người dân phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật có quyền tố cáo với cơ quan có thẩm quyền bất kỳ lúc nào, và không yêu cầu chỉ được tố cáo vào những thời điểm nhất định.

"Có thể người soạn quy chế chỉ nghĩ đơn giản là để tránh những ồn ào khi kỳ thi đang diễn ra, tránh ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh cũng như xã hội nên quy định như vậy. Tuy nhiên, vì thiếu tư duy luật pháp một cách căn bản và cách tiếp cận không phù hợp nên gây phản ứng trong xã hội", luật sư Vinh nói.

Đồng quan điểm, báo Pháp luật TP HCM dẫn lời ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra cho rằng, quy định này hạn chế quyền tố cáo của công dân, ngôn ngữ không được mềm mại, chính xác mà có phần nặng nề với người tố cáo khiến người có thông tin, bằng chứng về biểu hiện tiêu cực trong thi cử bớt đi phần quyết liệt tố giác, thậm chí có cảm giác "hăm dọa" người tố cáo.

Trước phản ứng của người dân, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho VnExpress biết, Bộ Giáo dục tiếp thu ý kiến đóng góp và đang nghiên cứu để chỉnh sửa quy định trong Thông tư cho phù hợp với Luật Tố cáo.

Tác giả: Kiều Trinh

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây