Ngày 22/2, Văn phòng Quốc hội và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo ông Nguyễn Văn Yểu, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, yêu cầu tối cao của việc sửa đổi hiến pháp là tập trung làm rõ mối quan hệ giữa nhân dân và nhà nước, quyền con người, quyền công dân. Đối chiếu với yêu cầu đó, ông Yểu cho rằng, nội dung thể hiện của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là chưa đạt yêu cầu.
"Nhân dân mong đợi Hiến pháp phải thể hiện cho được trên thực tế quyền lực thuộc về nhân dân cũng như thể hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam", nguyên Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Ngoài ra, liên quan tới cơ chế bảo hiến mà ông nhận định là "hiện nay hiệu quả thấp", ông Nguyễn Văn Yểu cho rằng, nếu quy định hội đồng này chỉ có chức năng "tư vấn" thì phải bàn lại. Nếu cần, phải bàn ở cấp Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương.
Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cần quy định rõ phương thức lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Còn nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển thì nêu lại hai nguyên tắc mà Đảng đề ra lúc sửa hiến pháp, đó là phải đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát thực hiện giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. "Nhưng tại điều 74, 75 của dự thảo này lại nói Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cơ quan giám sát tối cao. Thế thì có thống nhất với nhau không?", ông Khiển đặt câu hỏi.
Dẫn ra những quy định cụ thể tại các điều 6, 30, 124 của dự thảo với các cụm từ "Quốc hội quyết định" việc trưng cầu ý dân, quyết định phúc quyết, ông Khiển đặt câu hỏi: "Thế thì nhân dân thực hiện quyền dân chủ chỗ nào? Hình như ban soạn thảo vẫn theo xu hướng tập trung quyền cho Quốc hội, như vậy không đạt yêu cầu của Đảng đề ra".
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật còn nêu hàng loạt quy định cụ thể mà ông cho rằng chưa hợp lý trong dự thảo và đề nghị Ban biên tập giúp ban dự thảo nghiên cứu soạn thảo lại dự thảo hiến pháp. "Không phủ nhận những điểm mới trong dự thảo nhưng dường như nó mới nhú lên thôi, chưa nở hoa, nở lá", ông Khiển nói.
Đề cập tới việc phân chia, kiểm soát quyền lực, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội) cho rằng, khác với các nước, hiến pháp của các nước XHCN phải thể hiện được mối quan hệ giữa ba bên là nhân dân, Đảng Cộng sản cầm quyền và nhà nước.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị ban biên tập sửa đổi các nội dung trong dự thảo. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Giáo sư Thuyết cho rằng, cần quy định rõ phương thức lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối hiện nay. "Không có những quy định này, rất có thể dẫn đến xung đột quyền lực hoặc quyền lực của nhiều chủ thể mang tính hình thức", ông Nguyễn Minh Thuyết nói.
Dẫn chứng cụ thể theo ông là quy định về Chủ tịch nước (tại điều 93 dự thảo) "thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân" trong khi người thực sự thống lĩnh là Bí thư Quân ủy trung ương (tức Tổng bí thư); hay hiến pháp quy định Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng nhưng Chủ tịch nước không thể thực hiện điều này nếu không có nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc Ban chấp hành trung ương.
Trước ảnh hưởng quyết định của hiến pháp tới đất nước, nhân dân, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đề nghị, dự thảo sửa đổi cần được chuẩn bị một cách chu đáo nhất. "Nếu cần thì kéo dài thêm thời gian lấy ý kiến để có một bản hiến pháp thực sự văn minh, dân chủ, tạo bước ngoặt mới cho đất nước cất cánh bay lên", ông nói.
Tác giả: Nguyễn Hưng
Nguồn tin: VnExpress
Ý kiến bạn đọc