Chia sẻ với báo chí sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố sáng 11/6, nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận, việc đánh giá tín nhiệm ở bước "thăm dò" đã diễn ra khách quan. Kết quả phản ánh khá sát với diễn biến thực tế của đời sống kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, không ít đại biểu bày tỏ băn khoăn. Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Chánh án TAND tỉnh Bến Tre) cho biết, dù là người đánh giá tín nhiệm nhưng vẫn không tránh khỏi việc thấy thiếu thông tin cũng như chưa đủ am hiểu hết các hoạt động của những người được lấy phiếu, đặc biệt trong khối quản lý điều hành.
Lần đầu tiên Quốc Hội Việt Nam tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt. |
"Những ngành đối diện nhiều nhất với nhu cầu của người dân, được dư luận quan tâm nhiều, thì kết quả lấy phiếu cũng khó khăn", bà nói.
Với kết quả đa số những người thuộc khối Chính phủ nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp, bà Bình cho rằng, các vị này cần có nhiều phấn đấu, nỗ lực hơn. Tuy nhiên bà cũng nhìn nhận, những người nhận được tín nhiệm thấp cũng không có nghĩa là họ kém cỏi hay không đủ sức gánh vác trọng trách. "Có những người mới, phụ trách mảng quá rộng, nhiều vấn đề nên thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu của tất cả người dân", bà phân tích.
"Tín nhiệm thấp là lời nhắc nhở", đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nói. Theo ông, kết quả tín nhiệm đối với nhóm các thành viên Chính phủ một mặt phản ánh lo lắng của cử tri, mặt khác, là yêu cầu phải xử lý tốt hơn các vấn đề đang đặt ra như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho...
Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi kết quả lấy phiếu được công bố. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cùng quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, những người nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp cần nghiêm túc nhìn lại bản thân. Ông không đặt vấn đề phẩm chất cao, thấp của mỗi người mà quan trọng là phải gánh vác được công việc. "Tôi ít quan tâm những người phiếu tín nhiệm cao, tôi quan tâm những người nhiều phiếu tín nhiệm thấp với nhận thức đấy là những lĩnh vực đang tác động và đang nổi cộm trong đời sống xã hội", ông nói.
Đối với hai lĩnh vực quan trọng nhưng thông tin thường bị giới hạn khi phản ánh cũng như tiếp cận là Ngoại giao và Quốc phòng, ông Quốc cho rằng, đây là hai lĩnh vực mà Quốc hội còn "đứng ngoài xa".
"Có lẽ ở đây kết quả bỏ phiếu phản ánh sự tin cậy của các đại biểu đối với các chức danh này nhiều hơn là dựa trên những thông tin thực tế được cung cấp", ông Quốc nhận định khi nói về tỷ lệ tín nhiệm khá cao của 2 chức danh lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Quốc phòng.
Nói về cách thức lấy phiếu tín nhiệm, ông Quốc nhận xét, những chức danh ít xuất hiện lại đạt tỷ lệ tín nhiệm cao là "điều dễ hiểu".
"Các nước chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm. Còn mình lại lấy phiếu với 3 mức tín nhiệm. Do đó, những người nào vo tròn, ít động chạm hoặc ở những lĩnh vực xa với thực tiễn cuộc sống thì rõ ràng kết quả đánh giá là hết sức tương đối", ông nói.
Chia sẻ với VnExpress, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cho rằng, với cách thức đang áp dụng thì dù có lấy phiếu lần thứ 2, thứ 3 cũng khó có chức danh nào bị rơi vào diện "nguy hiểm", tức là có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% hay 2/3 tính trên tổng số đại biểu Quốc hội.
Ông Vũ Trọng Kim: "Chi nên đưa ra 2 hình thức khi lấy phiếu: Tín nhiệm và Không tín nhiệm". |
"Tôi cho rằng, nên tiến tới hình thức các nước thường áp dụng là chỉ đưa ra hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm", ông Kim đề nghị.
Trao đổi với VnExpress khi câu chuyện lấy phiếu tín nhiệm còn gây nhiều tranh luận, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, không lấy phiếu đồng loạt với toàn bộ các chức danh chủ chốt mà "bất cứ khi nào có vấn đề" thì tại các kỳ họp có thể tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm. "Tất cả chức danh lãnh đạo nếu bỏ phiếu đồng loạt mà không có trình bày, trao đổi thì khả năng mấy chục vị đều đạt tín nhiệm. Nếu như vậy, làm đến lần 2, 3 sẽ nhàm, bỏ phiếu trở nên hình thức", ông Vũ Mão nói. |
Tác giả: Nguyễn Hưng
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc