4 thế hệ sống nhờ bãi rác

Thứ ba - 11/06/2013 02:12 1.480 0
Mặt lem luốc đất, Hậu cần mẫn lật từng lớp rác để nhặt nhạnh tất cả những gì còn bán được. Đôi bàn tay nhỏ xíu của cậu bé 6 tuổi đã có nhiều vết chai sần, có khi tứa máu vì những mảnh vỡ lẫn lộn trong rác.

Sức nóng ở bãi rác trở nên hầm hập khi trời càng về trưa. Từng đống lửa vẫn âm ỉ cháy, khói bốc lên mù mịt. Mùi vải khét cùng với các tạp chất khác tạo nên không khí nồng hắc khó chịu. Trong khung cảnh đó, cậu bé Hậu (6 tuổi), mồ hôi nhễ nhại, mặt lem luốc đất vẫn cần mẫn đào bới đống rác mà cha cậu vừa cào ra. Lật từng lớp, Hậu tìm bất cứ thứ gì có thể đem bán được, hoặc chí ít là nhặt được cái gì đó cho vào “bộ sưu tập” đồ chơi của mình.

Đàn ông khỏe mạnh cào rác còn phụ nữ thì phơi rác. Ảnh: Nguyễn Loan.

6 tuổi nhưng Hậu chưa bao giờ được đến trường, cuộc sống của em gắn liền với rác. Em chưa hề biết đến những khu vui chơi thiếu nhi, không sách vở, thậm chí chẳng biết đến bộ phim hoạt hình nào vì nhà không có tivi.

Từ 5h sáng, Hậu đã bị mẹ lôi dậy, ăn qua loa rồi cùng cả nhà kéo nhau xuống bãi rác khổng lồ nằm trên cánh đồng hoang không người qua lại ở xã Tân Hòa, huyện Đông Hòa, Bình Dương. Núi rác này cao gần 10 m, trải dài theo sườn cánh đồng.

Công việc của Hậu là phụ giúp mẹ nhặt rác, hoặc chạy lăng xăng để người lớn sai việc, thế nhưng cậu cũng khá tất bật. Đôi bàn tay nhỏ xíu của em đã có những nốt chai sần, có khi tứa máu vì những mảnh vỡ lẫn lộn trong rác. “Mẹ bảo em phải làm giúp mẹ để kiếm thêm tiền mua gạo”, cậu bé giải thích.

Bữa cơm trưa của Hậu cùng 15 người khác là cô dì chú bác trong gia đình được dọn trên tấm bạt dựng tạm ở bãi phế thải. Ngoài nồi cơm nguội ngắt nấu từ sớm, mấy món ăn đạm bạc còn có thêm ruồi bâu đầy. Gần như không ai nói gì, họ chỉ lặng lẽ ăn cho nhanh.

Tranh thủ giờ nghỉ, ông Nguyễn Văn Hoành phì phèo kéo thuốc lào còn Hậu ngồi nép vào lòng mẹ ngủ giấc trưa ngắn ngủi. 1h chiều, khi rác đã khô mọi người kéo nhau ra đốt rác, Hậu cũng bị dựng dậy để bắt đầu công việc của mình cho tới khi mặt trời lặn hẳn.

Ông Hoành cho biết, đống rác này tồn tại từ rất lâu nên các chất thải đã bắt đầu mục, trong rác có nhiều tạp chất, sàng ra dùng làm phân bón rất tốt. Để sàng được những hạt phân từ mùn rác, trước tiên phải dùng cào, cuốc bới rác ra, sau đó phải phơi nắng để cho các chất mùn khô. Những thứ chưa bị mục thì phải đốt rồi sàng lại qua một tấm lưới sắt. Là “trưởng đội” ở đây, ông Hoành giao phần việc đào bới nặng nhọc cho cánh đàn ông, phụ nữ thì xổ rác ra phơi còn mấy đứa trẻ con thì thi nhau nhặt nhạnh bất cứ cái gì có thể bán được.

"Mấy bữa nay cứ chiều chiều là mưa nên càng khổ hơn, phơi ra mà không làm kịp thì coi như công cốc nên cứ trưa là phải đốt rác", ông Hoành nói. "Nắng nóng mà đốt thêm rác nữa thì khỏi phải nói nhưng làm lâu cũng quen rồi".

Mọi người còn hài hước ví nghề của mình cũng như "một trận chiến", không có bom đạn nhưng hàng ngày cả đội phải hứng chịu biết bao nhiêu khói bụi từ rác và rất nhiều mầm bệnh. Không găng tay, bảo hộ, khẩu trang, mặc cho bụi khói lên mù mịt, mặc cho nắng trưa đốt rát đôi tay, nhiều năm qua họ vẫn sống như vậy.

Hậu là "nhân viên" nhặt rác, cũng là chân sai vặt cho người lớn nhưng nhiều khi cậu bé biến bãi rác thành nơi vui chơi của mình. Ảnh: Nguyễn Loan.

Bà Nguyễn Thị Sáu (quê ở Ô Môn, Cần Thơ), người già nhất và cũng là người có tuổi nghề lâu nhất cho biết, những người làm ở đây đều là con cháu, anh em trong một gia đình. Vì ở quê thiếu việc làm, nhiều năm nay họ giắt díu nhau đi hết bãi rác này đến bãi rác khác, từ Bình Dương, Nha Trang đến TP HCM. Mỗi ngày hai người có thể làm được chừng chục bao phân từ rác (mỗi bao 35 kg), đem bán cho các công ty cao su, chia ra mỗi người kiếm được từ 25 đến 30 nghìn/ngày.

“Dưới quê được vài sào ruộng, mùa được mùa mất, nhà lại đông con nên làm chẳng đủ ăn. Cấy thuê, gặt mướn thì chỉ làm theo thời vụ, làm công nhân thì chỉ mấy đứa thanh niên chứ như tụi tui không ai thuê. Thấy cha mẹ đi làm rác, mấy đứa nhỏ thương thế là kéo nhau đi cả nhà”, bà Sáu cho biết.

Phía trên bãi rác là 6 căn nhà thấp lụp xụp, được dựng tạm bởi những tấm bạt và những thanh gỗ. Mỗi chiều khi làm xong, họ lại leo từ bãi rác lên nhà bằng một sợi dây thừng vắt xuống. Ngôi nhà của gia đình bé Hậu được xem là “khá giả” nhất ở đây vì có một chiếc quạt điện, còn lại là mấy chiếc nồi nấu ăn và chiếc giường ọp ẹp. Bốn góc nhà lỉnh kỉnh đủ các loại đồ mà gia đình em nhặt được từ đống rác. Mùi ẩm mốc của ngôi nhà cùng mùi khét, mùi hôi thối từ đống rác bay lên làm cho không khí trở nên ngột ngạt, nóng bức nhưng mọi người ở đây vẫn bình thản vì “sống lâu quen rồi".

Hằng ngày, mẹ Hậu vẫn tranh thủ dạy em những chữ cái đầu tiên từ vốn chữ ít ỏi của mình nhưng không biết đến khi nào em mới ghép được tên mình. Ước mơ của Hậu cùng đám trẻ ở đây là "có thật nhiều rác để làm”.

Ảnh mưu sinh trên rác

Tác giả: Nguyễn Loan

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây